Giải pháp ứng phó sạt lở

20/10/2019 | 14:49 GMT+7

Châu Thành là địa phương chịu nhiều ảnh hưởng do sạt lở hàng năm. Để ứng phó với loại hình thiên tai này, chính quyền địa phương và ngành chuyên môn đã đưa ra nhiều giải pháp.

Đối với sạt lở đất, cần “phòng là chính” để giảm kinh phí và công sức khắc phục.

Xác định nguyên nhân

Sạt lở đất bờ sông vẫn là câu chuyện chưa có hồi kết, hệ lụy để lại rất nặng nề. Huyện đầu nguồn Châu Thành năm nay có số vụ sạt lở tăng hơn so với cùng kỳ năm trước, diện tích mất đất và diễn biến cũng phức tạp hơn. Ông Lê Văn Út Nhỏ, ở ấp Phú Xuân A, thị trấn Mái Dầm, huyện Châu Thành, chia sẻ: “Ở ấp này có một con lộ nông thôn bị sạt lở nặng. Người dân cùng UBND thị trấn đã đắp tạm. Còn lại vài điểm trên tuyến có nguy cơ sạt rất cao. Tôi cùng người dân đề nghị di dời con lộ vào trong, sau đó có biện pháp gia cố cừ tre, tràm bên ngoài để chắn sóng hạn chế sạt lở tiếp”.

Còn trên địa bàn xã Phú Hữu, đã xảy ra 8 điểm sạt lở, thiệt hại khoảng 267 triệu đồng. Các điểm sạt lở xã đều kiến nghị hỗ trợ khắc phục kịp thời. Tuy nhiên, mỗi vụ lở đất xảy ra người dân đều bất an vì mối hiểm nguy rình rập. Chủ tịch UBND xã Phú Hữu Trần Thanh Toán đề xuất đưa lộ nông thôn ra phía sau nhà dân để đảm bảo đi lại, hạn chế tải trọng ven bờ. Mặt khác, cần hạn chế tải trọng phương tiện thủy ở các khu vực nguy cơ sạt lở cao.

Các điểm sạt lở ở Châu Thành thường xảy ra tại tuyến kênh vách đứng và hẩm, cao trình đáy kênh thấp; độ sâu đáy kênh so với đỉnh đê bao từ 5m trở lên. Có nơi chênh lệch gần 10m như kênh Mái Dầm, kênh Thạnh Đông hay các đoạn cong gần ngã ba, ngã tư, doi, vịnh. Sạt lở xảy ra nhiều ở những tháng đầu năm và đầu mùa mưa, lúc triều cường thấp. Qua khảo sát có 26 tuyến kênh, tổng chiều dài 72,9km được dự báo nguy cơ sạt lở cao, trong đó có kênh Mái Dầm, Thạnh Đông, Ngã Cạy…

Nguyên nhân chính gây ra sạt lở là do lưu tốc dòng chảy trên các tuyến kênh đều tăng so với trung bình nhiều năm làm cho nguy cơ sạt lở bờ sông ngày càng cao. Lưu lượng phương tiện thủy qua lại nhiều hơn do sự phát triển khá nhanh về kinh tế - xã hội của khu vực, nhất là sự xuất hiện của tàu có tải trọng lớn, tàu cao tốc tạo ra những đợt sóng lớn vỗ vào bờ. Thói quen xây dựng nhà ven bờ sông, rạch làm gia tăng tải trọng lên mép bờ. Nhất là xây dựng lấn ra phía sông, ngoài tác động làm tăng tải trọng lên mái bờ còn thu hẹp, cản trở dòng chảy. Sự quá tải của các phương tiện lưu thông tác dụng lên bề mặt đê làm mất ổn định mái đê. Ngoài ra, nhu cầu nạo vét nâng cấp đê bao, việc người dân lấy đất gần bờ gia cố đê ngăn lũ sẽ làm giảm khối đất phản áp, từ đó làm giảm khả năng chống trượt của mái bờ, tiềm ẩn nguy cơ sạt lở cao.

Một nguyên nhân khách quan khác là các cấp chính quyền chưa sâu sát trong tuyên truyền phòng và ứng phó sạt lở đất. Nhận thức của người dân còn hạn chế. Người dân còn trông chờ vào sự đầu tư của Nhà nước mà chưa tận dụng những điều kiện sẵn có để bảo vệ bờ sông, bờ kênh.

Đưa các giải pháp vào thực tiễn

Những nguyên nhân chủ quan và khách quan trên đã được nghiêm túc nhìn nhận tại hội thảo về phòng, chống sạt lở của huyện Châu Thành mới đây. Trên cơ sở đó giúp tìm ra giải pháp thiết thực về phòng và ứng phó sạt lở ở huyện đầu nguồn này. Theo Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, quan điểm xuyên suốt được xác định “phòng là chính”, từ đó công tác ứng phó, khắc phục sẽ ít tốn công sức và kinh phí hơn. Ông Trần Thanh Toàn, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh, nhấn mạnh: Việc đầu tư kè kiên cố chỉ thực hiện tại các khu vực đông dân cư, trụ sở UBND các xã, chợ, góp phần chỉnh trang đô thị…, nhưng tùy khu vực mà có quy mô kè khác nhau. Giải pháp này cần có sự đầu tư lớn từ ngân sách, đặc biệt là sự hỗ trợ của Trung ương. Ngoài ra, còn có giải pháp đầu tư kè sinh thái, kè tạm trên tất cả các tuyến sông, kênh vùng nông thôn. Tuy nhiên, tùy khu vực có biên độ triều khác nhau mà quyết định quy mô kè cho phù hợp.

Kè sinh thái là một mô hình được người dân địa phương hưởng ứng tích cực trong thời gian qua. Ông Hà Văn Em, ở ấp Phước Thuận, thị trấn Ngã Sáu, huyện Châu Thành, chia sẻ: “Để xảy ra sạt lở mới thực hiện là quá muộn. Ở ấp Phước Thuận, chúng tôi làm mô hình kè sinh thái để chủ động phòng từ trước”.

Chi cục Thủy lợi tỉnh đã đưa ra giải pháp cho từng trường hợp. Đối với các kênh cấp 2, cấp 3 có mái kênh nhỏ thì trước mắt cần xử lý ngay các điểm rẽ trái, rẽ phải, ngã ba sông có lưu tốc cực lớn bằng kè tạm, vật liệu nhẹ nhằm giảm tác động lưu tốc dòng chảy vào bờ kênh. Về lâu dài, xử lý các đoạn kênh thẳng còn lại; nếu đoạn kênh ở các vùng triều thấp, lưu lượng tàu thuyền ít có thể dùng giải pháp kè sinh thái.

Trường hợp kênh cấp 1 và mặt cắt kênh trên 50m, có mái kênh lớn, thực hiện theo quy trình 6 bước: Điều tra đỉnh triều vào đầu mùa khô, gia cố một hàng cừ bằng vật liệu địa phương, ven đất đắp vào nơi gia cố sạt lở, trồng tràm chiều cao 0,5-0,6m tại nơi tạo lớp đất đắp, trồng bần 2m/cây cách hàng cừ gia cố khoảng 1m. Với quy trình trên, hàng cừ gia cố sẽ chắn sóng, bảo vệ cây tràm, bần, cà na, dừa lúc mới trồng. Sau mùa khô khoảng 6 tháng, đỉnh triều mùa lũ dâng lên khi đó các cây bên trong đã phát triển tốt. Khoảng 2-3 năm sau, hàng cừ, tràm gia cố sẽ tự hủy, cây trồng đã đủ khả năng chống xói mòn, sạt lở.

Mỗi cấp sông, kênh có tải trọng khác nhau, việc tàu, thuyền có tải trọng lớn lưu thông tạo cung mái sông, mái kênh càng nguy hiểm. Vì vậy, về lâu dài cần hạn chế tàu, thuyền có tải trọng lớn lưu thông, hoặc nâng cao trình đáy kênh. Ông Đặng Ngọc Giao, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, cho biết: Cả xã hội, chính quyền, nhà khoa học, người dân phải cùng tham gia phòng và ứng phó sạt lở đất. Mỗi địa phương xảy ra sạt lở phải có giải pháp phù hợp riêng. Trước khi xây dựng giải pháp ứng phó, đề nghị chính quyền địa phương cần tham khảo ý kiến về chuyên môn kỹ thuật.

“Khi các địa phương có nhu cầu, Sở NN&PTNT sẽ chỉ đạo Chi cục Thủy lợi tỉnh xuống phối hợp khảo sát trực tiếp đưa ra các giải pháp phòng và ứng phó phù hợp. Trong mùa lũ, không nên đưa xáng cuốc đất ven bờ để gia cố đê bên trên vì sẽ làm nền đất ven bờ thêm yếu, dễ sạt xuống. Mong rằng thời gian tới, với sự nỗ lực của chính quyền địa phương, ngành chuyên môn, cộng đồng dân cư chung tay trong phòng, chống sạt lở. Người dân địa phương cũng cần phải chủ động bảo vệ đất đai, tài sản trước tác động của thiên tai”, ông Giao cho biết.

Tại hội thảo “Sạt lở bờ sông - thực trạng và giải pháp phòng, chống trên địa bàn huyện Châu Thành”, ông Lê Công Lý, Bí thư Huyện ủy Châu Thành yêu cầu ngành nông nghiệp huyện tham mưu UBND huyện đề ra quan điểm trong phòng và xử lý sạt lở trên cơ sở luận cứ khoa học và điều kiện tự nhiên của Châu Thành. Phải có chương trình tổng thể để phòng, chống sạt lở đất và có đánh giá cụ thể từng tuyến sông, kênh. Để phòng, chống sạt lở tốt phải có sự tham gia của hệ thống chính trị, trong đó người dân giữ vai trò trụ cột trong việc bảo vệ đất bờ sông. Do vậy cần phải có giải pháp tuyên truyền hiệu quả để người dân chủ động bảo vệ mảnh đất của mình trước diễn biến phức tạp của thiên tai, sạt lở.

Bài, ảnh: KỲ ANH

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>