Giải pháp xử lý rác nông thôn

27/09/2018 | 07:58 GMT+7

Trong khi bài toán xử lý rác thải ở nông thôn vẫn là vấn đề nhức nhối ở nhiều địa phương, thì ở thị xã Ngã Bảy, mô hình mỗi gia đình xây dựng một hố rác thải được triển khai tại một số xã đang phát huy hiệu quả. 

Từ khi xây dựng hố đốt rác, rác thải sinh hoạt của gia đình bà Thắm được xử lý triệt để.

Có dịp về thị xã Ngã Bảy, đi dọc theo các trục đường vào trung tâm các xã giờ đây đã không còn hiện tượng vứt rác bừa bãi, thay vào đó là khung cảnh xanh - sạch - đẹp. Các tuyến đường chính đều được bố trí thùng chứa rác công cộng. Mặc dù diện mạo có nhiều khởi sắc, thế nhưng ở một số địa phương do đặc điểm là vùng nông thôn, kênh rạch nhiều, các tuyến đường còn nhỏ hẹp, gây khó khăn cho việc thu gom rác. Do đó, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thị xã Ngã Bảy đã xây dựng mô hình đốt rác thải sinh hoạt tại từng hộ gia đình.

Xác định tiêu chí môi trường là một trong những tiêu chí khó thực hiện, do đó, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thị xã Ngã Bảy đã triển khai chủ trương mỗi gia đình, khu dân cư phải xây dựng 1 hố rác để thu gom, tập kết và xử lý. Theo đó, ấp Ba Ngàn, xã Đại Thành được Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Ngã Bảy chọn làm điểm xây dựng. Với mẫu thiết kế mô hình hố rác đã được thiết kế sẵn với kích thước, kinh phí cho phù hợp với từng hộ. Để xây được hố rác thải, mỗi hộ gia đình chỉ cần bỏ ra một khoản kinh phí 200.000 đồng để mua vật liệu cát, xi măng,… Hố đốt rác cao khoảng 1m, lại có thể di động được. Sau khi đốt xong hộ dân tận dụng lượng tro để ủ làm phân bón phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Cách làm của Mặt trận Tổ quốc thị xã là mỗi cán bộ, đảng viên là những người tiên phong thực hiện làm trước tại gia đình mình. Song song đó, để người dân hưởng ứng và tích cực triển khai thực hiện, cán bộ mặt trận xã sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến các hộ dân trên địa bàn về tính năng cũng như hiệu quả của việc sử dụng lò đốt rác để vận động các hộ triển khai thực hiện. Sau khi có mô hình mẫu, thấy được lợi ích từ mô hình đem lại, đông đảo các hộ dân sẽ đồng tình hưởng ứng.

Gia đình bà Huỳnh Thị Thắm, ở ấp Ba Ngàn, xã Đại Thành, thị xã Ngã Bảy, là một trong những hộ đầu tiên triển khai xây dựng hố rác tại gia của xã. Bà Thắm chia sẻ: “Từ khi xây dựng hố rác này, tất cả mọi thứ rác thải sinh hoạt trong gia đình đều được tự thu gom và phân loại. Cứ mỗi tuần, gia đình lại đốt từ 3 đến 4 lần. Hơn nữa không tốn nhiều tiền, địa phương đã hỗ trợ một phần nên chỉ cần 150.000 đồng là gia đình đã có thể xây được một hố rác tại gia”. Theo bà Thắm, nhận thấy lợi ích của việc xây dựng hố rác thải tại gia đình, bà đã vận động người dân trong ấp cùng xây dựng. Bởi mô hình này để bảo vệ môi trường nông thôn cũng như sức khỏe của chính gia đình mình.

Còn bà Nguyễn Thị Diệu, ở ấp Ba Ngàn, xã Đại Thành, cho hay: “Do được thiết kế xây dựng phía dưới chân lò có cửa thông gió nên khi đốt rác, gió sẽ thốc vào chỉ trong vòng 10-15 phút rác thải sẽ cháy hết. Rất nhanh, tiện và đảm bảo môi trường sống của bà con. Bên cạnh đó, từ khi có hố xử lý rác thải tại gia đình, tôi đã tạo được thói quen trong việc phân loại rác để bảo vệ môi trường. Những rác hữu cơ sẽ được làm thức ăn chăn nuôi, rác thải có thể phân hủy thì được đem đốt, không vứt bừa bãi” .

Ông Cao Thanh Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thị xã Ngã Bảy, cho biết: Mặc dù là thị xã nhưng vẫn còn nhiều vùng nông thôn chưa có điều kiện thực hiện thu gom rác thải tập trung. Do đó, lâu nay rác vẫn bị các hộ dân vứt bừa bãi hai bên đường, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và ảnh hưởng đến cảnh quan. Do đó, việc xây dựng các mô hình đốt rác thải sinh hoạt là những giải pháp để xử lý rác nông thôn. Có thể thấy rằng, mô hình sử dụng lò đốt rác tại ấp Ba Ngàn, xã Đại Thành đã và đang phát huy tính hiệu quả trong việc xử lý rác thải sinh hoạt tại các hộ dân. Với những kết quả đạt được, Mặt trận sẽ chính thức nhân rộng triển khai thực hiện lò đốt rác thải sinh hoạt tại hộ gia đình và cụm dân cư với hơn 200 hộ ở ấp. Đây là mô hình hay không chỉ góp phần tích cực trong công tác thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt mà còn nâng cao nhận thức cho người dân, từng bước đưa công tác vệ sinh môi trường trở thành trách nhiệm của cả cộng đồng.

Bài, ảnh: THANH THÚY

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>