Giải tỏa bức xúc về nước sạch

21/06/2018 | 09:43 GMT+7

Vừa qua, Thường trực HĐND tỉnh đã tổ chức thảo luận, chất vấn những vấn đề liên quan đến thiếu nước sạch sử dụng. Với tinh thần trách nhiệm, qua phiên giải trình, hầu hết cử tri đã hài lòng về nhiều nội dung báo cáo, chuyện cung cấp nước sạch cho người dân đã cơ bản được giải tỏa.

Nơi thiếu, nơi thừa

Dù được đầu tư, nâng cấp các trạm cấp nước nhưng tỷ lệ hộ dân nông thôn sử dụng nước sạch vẫn còn khá thấp.

Mở đầu phiên giải trình, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đã báo cáo nhanh về tình hình đầu tư nước sạch. Theo đó, từ năm 2016 đến nay, Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh đã đầu tư 8 dự án cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn với tổng mức đầu tư 293,117 tỉ đồng. Tính đến nay, toàn tỉnh có 115 trạm cấp nước, trong đó có 35 trạm cấp nước tập trung, 80 trạm cấp nước mini với 862km đường ống đang hoạt động cung cấp nước cho hơn 39.100 hộ dân, chiếm khoảng 27% số hộ dân vùng nông thôn có nước sạch sử dụng. Như vậy, còn có hơn 70% phải dùng nước sạch từ nguồn nước khác, mà chủ yếu là nguồn nước sông để sử dụng.

Tại phiên giải trình, hầu hết các ý kiến xoay quanh vấn đề một số tuyến kênh, khu dân cư trên địa bàn thị trấn Mái Dầm, huyện Châu Thành (đặc biệt ở Khu công nghiệp) và xã Hỏa Lựu, thành phố Vị Thanh vẫn chưa được đầu tư hệ thống nước sạch nên người dân chỉ sử dụng nguồn nước chủ yếu từ giếng khoan, nước sông, nước mưa... Bên cạnh đó, nhiều trạm cấp nước sạch đã bị xuống cấp, thậm chí khi đầu tư xây dựng các trạm cấp nước tập trung với công suất lớn để thay thế các trạm cấp nước mini thì khi vận hành lại không cung cấp đủ nước để người dân sử dụng.

Ông Nguyễn Minh Thế, cử tri ở ấp 10, xã Vĩnh Viễn A, huyện Long Mỹ, bức xúc: “Nhiều năm nay, tuyến kênh Thanh Long thuộc ấp 10, xã Vĩnh Viễn A, có trên 265 hộ dân, trong đó có 115 hộ dân là người dân tộc Khmer nhưng không có nước sạch. Thời gian qua, Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh đã có hướng giải quyết trong tuyến này, thế nhưng đến nay bà con nơi đây vẫn chưa có nước sạch sử dụng”.

Với tinh thần chất vấn đến cùng, các đại biểu HĐND đã làm “vỡ ra” những bất cập trong việc cấp nước. Bà Trần Thị Thu Thủy, đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh, đưa ra câu hỏi: Hiện nay, tỷ lệ người dân sử dụng nước hợp vệ sinh đã đạt trên 95%. Như vậy, là lãnh đạo của một ngành, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có hài lòng về chất lượng nước cung cấp hiện nay ở nông thôn và giải pháp nào để vừa đảm bảo về số và nâng cao về chất lượng cung cấp nước hợp vệ sinh trong thời gian tới?

Không chỉ vấn đề thiếu nước sạch, chất lượng nước không đảm bảo làm người dân bức xúc, mà vấn đề bức xúc hơn đó là nơi cần thì không có, nơi đã có thì lại tiếp tục đầu tư. Điều này cho thấy sự đầu tư, quản lý nước sạch hiện nay vẫn còn chồng chéo. Bà Nguyễn Thị Lý, đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh, tổ đại biểu huyện Châu Thành A, đặt vấn đề: “Qua giám sát, khảo sát, các phương tiện thông tin đại chúng và phản ánh của cử tri thì tại một số tuyến Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường tỉnh và Công ty Cổ phần Cấp thoát nước - Công trình đô thị Hậu Giang cùng lắp đặt đường ống dẫn nước trên cùng một tuyến, điều này gây lãng phí và thiếu nhịp nhàng trong phối hợp cung cấp nước cho người dân sử dụng. Như vậy, cho thấy công tác phối hợp giữa 2 đơn vị về cung cấp nước sạch có những bất cập”.

Trong nội dung trả lời chất vấn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Văn Đồng đã thừa nhận rằng dù rất nỗ lực nhưng khó khăn hiện nay ở các trạm cấp nước mini đầu tư khá lâu nên đã xuống cấp. Việc thi công các công trình khác trên địa bàn như đường giao thông, kênh mương đã làm hư hỏng nhiều công trình cấp nước, ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động cung cấp nước nông thôn. Phần lớn các trạm cấp nước được bố trí tận vùng sâu, vùng xa, từ đó việc đi lại quản lý, sửa chữa hết sức khó khăn, đã hạn chế phần nào đến công tác quản lý, khai thác…

Xã hội hóa cung cấp nước sạch

Không thể phủ nhận những nỗ lực của ngành cấp nước nhiều năm qua nhằm mở rộng mạng lưới cấp nước, tăng áp, cải tạo đường ống…, tuy nhiên nước sạch vẫn chưa phủ kín các khu dân cư. Với tinh thần thẳng thắn, ông Nguyễn Văn Đồng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, khẳng định: “Dù tỷ lệ nước hợp vệ sinh khá cao nhưng tôi không hài lòng mà chỉ hài lòng với tiêu chuẩn nước sạch theo quy chuẩn quy định. Do đó, vừa qua đối với chất lượng các trạm cấp nước mini, ngành đã tiến hành nâng cấp, sửa chữa 40 trạm. Thế nhưng, đối với trạm mini vẫn còn nhiều vấn đề phải bàn do công nghệ lạc hậu, đang dần xuống cấp. Dù ngành đã công bố số đường dây nóng của Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn nhưng vấn đề này vẫn chưa được giải quyết thấu đáo. Do đó, thời gian tới sẽ công bố đường dây nóng trực tiếp của Giám đốc sở để giải quyết triệt để”.

Giải trình về vấn đề đầu tư mở rộng mạng lưới cấp nước song trùng gây lãng phí, ông Bùi Trọng Lực, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Cấp thoát nước - Công trình đô thị Hậu Giang, khẳng định: Trong năm 2015-2016, công ty có đầu tư song trùng tuyến ống với Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh. Nguyên nhân xảy ra tình trạng trên là do một số trạm cấp nước mini của trung tâm chất lượng nước không tốt nên chính quyền địa phương đã đề nghị công ty phát triển mạng lưới cung cấp cho các hộ dân địa phương. Tuy nhiên, nếu muốn kéo sang các hộ dân này đã đi qua các tuyến ống của trung tâm đầu tư từ trước. Đầu tư năm 2017 vừa qua, công ty đã phối hợp với các đơn vị cấp nước thống nhất phương án đầu tư mạng lưới để tránh xảy ra tình trạng tương tự.

Ông Nguyễn Văn Đồng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, cho rằng: Để phủ kín mạnh lưới nước sạch, theo yêu cầu cần phải đầu tư đến 60 trạm cấp nước. Hiện nay, Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn đã tiến hành đầu tư 35 trạm. Như vậy, vẫn còn đến 25 trạm cần đầu tư với nhu cầu vốn khoảng 500 tỉ đồng, trong khi đó vốn trung hạn từ nay đến năm 2020 bố trí chưa đầy 100 tỉ đồng. Do đó, cách nào để phủ kín mạng lưới nước sạch cho vùng nông thôn thật sự là khó, do vậy ngành phải tính toán lộ trình thích hợp. Ngành cũng đang đề xuất UBND tỉnh đẩy mạnh phương án xã hội hóa, đồng thời tiến hành cổ phần hóa Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn, góp phần đa dạng hóa các nguồn vốn để đầu tư các công trình nước sạch, từng bước nâng cao tỷ lệ sử dụng nước sạch của người dân vùng nông thôn…

Bài, ảnh: THANH THÚY

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>