Giữ vững tiêu chí môi trường

25/12/2019 | 08:28 GMT+7

Từ những cách làm hiệu quả, cùng với sự đồng thuận của Nhân dân đã giúp nhiều địa phương trong tỉnh đạt tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới.

 Sự đồng lòng của người dân đã giúp xã Tân Tiến giữ vững tiêu chí môi trường.

Đồng lòng thực hiện

Xã Tân Tiến, thành phố Vị Thanh, là một trong những xã vừa được Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh quyết định tái công nhận tiêu chí môi trường. Đó là nhờ sự vào cuộc tích cực, năng động, sáng tạo của các cấp trong thời gian qua đã góp phần nâng cao nhận thức của người dân về bảo vệ môi trường, xây dựng nông thôn mới ở xã Tân Tiến. Ông Trần Văn Tổng, Trưởng ấp Mỹ Hiệp 1, xã Tân Tiến, chia sẻ: Hầu hết người dân trong ấp đều đồng tình cao với việc làm đẹp cảnh quan môi trường để góp phần cho xã Tân Tiến giữ vững tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới. Để đạt được sự thống nhất cao, công tác vận động và cùng với người dân thực hiện là điều quan trọng, nhờ đó trên địa bàn ấp đã có được 2 tuyến đường đẹp. Hiện nay, ấp tiếp tục vận động người dân trồng bông trang dọc các tuyến để tạo cho các con đường ấp mỗi ngày đẹp hơn và có thêm các tuyến đường đẹp nữa.

Từ việc ý thức bảo vệ môi trường, ông Lê Văn Bầu, ở ấp Mỹ Hiệp 1, cho hay: “Cả gia đình tôi đều thích không gian nhà đẹp và ý thức việc giữ gìn vệ sinh môi trường nơi sinh sống. Khi cất nhà xong, gia đình tôi thuê thợ về thiết kế một khuôn viên cây xanh quanh nhà để cho thoáng, đẹp. Trên cơ sở tạo dựng sẵn, tôi chỉ việc chăm sóc, cải tạo hàng năm để cho cây tươi tốt”.

Bà Ngô Thị Thùy Linh, công chức Địa chính - Xây dựng - Nông nghiệp và Môi trường xã Tân Tiến, cho biết: Hiện nay, xã duy trì được 4 tuyến đường đẹp là đường Phạm Hùng, Kênh Mới, Kênh Đê và đê bao ngăn mặn Vị Thanh - Long Mỹ. Để giữ vững tiêu chí môi trường, xã thường xuyên phối hợp với Phòng Tài nguyên và Môi trường thành phố Vị Thanh kiểm tra các cơ sở kinh doanh, mua bán trên địa bàn chấp hành cam kết đề án bảo vệ môi trường. Thường xuyên vận động hộ chăn nuôi hợp vệ sinh, vứt rác đúng nơi quy định và đối với các tuyến xa không có xe chuyên dùng vào được thì vận động người dân xây hố xử lý rác.

Nhân rộng những cách làm hay

Vấn đề khó của các địa phương hiện nay là việc xử lý rác thải ở những tuyến đường chưa có xe thu gom. Từ thực trạng đó, để việc thu gom, xử lý được đảm bảo cho người dân cũng như bảo vệ môi trường và giữ vững tiêu chí môi trường, một số địa phương đã tìm cho mình hướng giải quyết thiết thực và hiệu quả nhất.

Những năm qua, hội liên hiệp phụ nữ các cấp đã thực hiện có hiệu quả phong trào “5 không, 3 sạch” bằng những cách làm hay, thiết thực đã góp phần cùng với địa phương làm tốt công tác bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, một số địa phương đã chủ động tổ chức được xe đi thu gom, xử lý rác ở các tuyến đường 2,5-3,5m chưa có xe đến thu gom và mô hình này được các địa phương tiếp tục nhân rộng.

Ông Nguyễn Trường Chinh, công chức Địa chính - Xây dựng - Nông nghiệp và Môi trường xã Thạnh Xuân, huyện Châu Thành A, cho biết: Việc giữ gìn vệ sinh, bảo vệ môi trường đều được người dân trên địa bàn xã đồng tình thực hiện. Thời gian qua, để việc xử lý rác thải được tốt, hội liên hiệp phụ nữ đã tặng thùng rác sinh hoạt gia đình cho hội viên. Đồng thời, trong năm nay xã đã thành lập được mô hình thu gom rác trên tuyến chưa có xe đến thu gom ấp ở Láng Hầm B và Xẻo Cao. Với mô hình này mỗi hộ dân đóng từ 10.000-20.000 đồng/tháng để trả cho người đi thu gom. Sau khi thu gom sẽ đưa ra đường Nguyễn Việt Hồng đến điểm tập kết rác cho xe chở đi xử lý. Đây là mô hình thiết thực được người dân thống nhất cao, trong năm 2020 xã sẽ nhân rộng ở các tuyến khác.

Mô hình thuê người thu gom rác ở các tuyến đường không có xe đến thu gom được hình thành trên địa bàn xã Tân Tiến nhiều năm nay, nhờ đó giúp xã giữ vững tiêu chí môi trường. Đến nay, toàn xã đã tổ chức thu gom được 5 tuyến, cứ cách 2 ngày gom rác 1 lần nên đảm bảo vệ sinh. Bà Ngô Thị Thùy Linh, công chức Địa chính - Xây dựng - Nông nghiệp và Môi trường xã Tân Tiến, cho biết thêm: Trên địa bàn chỉ có 1 tuyến quản lý thu gom từ đơn vị công trình đô thị, các tuyến còn lại xã tự tổ chức thuê người thu gom. Để có chi phí trả cho người thu gom, xã vận động hộ dân và được đồng tình mỗi hộ đóng 20.000 đồng/tháng. Đối với các tuyến không xây dựng được điểm thu gom thì xây hố hoặc vận động hộ dân tự phân loại rác đốt.

Ông Phạm Nhật Hồng, Phó Chủ tịch UBND xã Thạnh Xuân, cho biết: Năm 2020, xã quyết giữ vững tiêu chí môi trường, đồng thời tiếp tục vận động Nhân dân bảo vệ và tạo cảnh quan môi trường. Theo đó, trồng hoa kiểng, thu gom rác theo quy định, vận động Nhân dân xây dựng tuyến điện chiếu sáng nông thôn, các tuyến đường giao thông nông thôn hoàn chỉnh. Đặc biệt, tiếp tục nhân rộng những mô hình hay về xử lý rác thải, xây dựng cảnh quan đẹp ở địa phương.

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh, đến nay đơn vị đã tổ chức kiểm tra tiêu chí môi trường ở 35 xã. Trong đó, đã có văn bản tái công nhận tiêu chí môi trường và an toàn thực phẩm 16 xã và công nhận mới thêm 2 xã.

 

Bài, ảnh: T.XOÀN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>