Giúp nông dân giảm tổn thương trong biến đổi khí hậu

13/09/2017 | 09:47 GMT+7

Những ngày đầu tháng 9-2017, nông dân ĐBSCL tất bật đón mùa lũ. Tuy nhiên, nhiều địa phương đã không kịp trở tay khi lũ sớm chụp đồng gây thiệt hại nặng cho nông dân trồng lúa. Đây là điều đáng tiếc mà do các địa phương chưa làm hết trách nhiệm. Song, nhiều người đã tìm được sinh kế thông qua đánh bắt nguồn lợi thủy sản. Cái được lớn hơn là hạn - mặn sẽ giảm vào mùa khô do nguồn nước lũ tích trữ điều tiết.

Có thể nói trong 5 năm gần đây, ĐBSCL liên tục đối diện với nhiều rủi ro. Hạn - mặn đã làm xáo trộn sinh hoạt và gây thiệt hại nặng trong sản xuất nông nghiệp của hàng triệu người dân trong vùng. Biến đổi khí hậu (BĐKH), kéo theo thời tiết ngày càng cực đoan, hạn - mặn khốc liệt, sạt lở đê biển, bờ sông ngày càng tràn lan… Người dân vẫn là đối tượng dễ bị tổn thương nhất, nhiều người phải ly hương vì đất sản xuất kiệt quệ. Trong 3 tháng qua, hàng loạt vụ sạt lở bờ sông ở An Giang, Đồng Tháp, Hậu Giang; sạt lở đê biển ở Cà Mau, Bạc Liêu, Kiên Giang đã làm hàng ngàn người dân phải di dời tìm nơi ở mới. Đầu tháng 9-2017, UBND tỉnh Vĩnh Long đã công bố thiên tai, cấp độ rủi ro thuộc cấp độ 1, do sạt lở bờ sông Hậu tại khu vực khóm 3, phường Thành Phước, thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long. Vụ sạt lở đã ảnh hưởng khoảng 35 hộ dân. Tỉnh Vĩnh Long đã quyết định giải tỏa “trắng” khu vực này. Yêu cầu phường Thành Phước khẩn trương xem xét, bình chọn và công bố danh sách các hộ dân sẽ được bố trí nền nhà tại các khu tái định cư. Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long đã có 61 điểm sạt lở với chiều dài trên 4km, làm ảnh hưởng đời sống của trên 600 hộ dân, ước thiệt hại khoảng 9 tỉ đồng. Hiện nay, sạt lở bờ sông vẫn diễn biến phức tạp, nhất là thời điểm mùa nước lũ về.

Nhiều chương trình đã và đang khởi động để giúp người dân ĐBSCL giảm thiểu những rủi ro, tạo sinh kế thích ứng với BĐKH. Cụ thể là Bộ NN&PTNT đang tiến hành xây dựng Bản đồ nguy cơ hạn mặn cho khu vực ĐBSCL. Dự kiến sẽ hoàn thành trong tháng 12-2017. Bản đồ này, sẽ tạo điều kiện cho các địa phương cơ sở xây dựng kế hoạch ứng phó và né tránh; bố trí lịch thời vụ, cơ cấu cây trồng để các địa phương bàn bạc, thống nhất với nhau về gieo trồng trong các vùng, tiểu vùng, từ đó sử dụng tốt nguồn tài nguyên nước cho cả vùng.

Mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã làm việc với lãnh đạo Bộ TN&MT và thành phố Cần Thơ để chuẩn bị nội dung cho Hội nghị định hình chuyển đổi mô hình phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với BĐKH, dự kiến được tổ chức vào cuối tháng 9-2017, tại Cần Thơ. Theo đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh: “Các ý kiến, tham luận tại hội nghị lần này phải có sự đổi mới về tư duy, sáng tạo có căn cứ khoa học. Đặc biệt phải đề xuất các giải pháp tổng thể dễ vận dụng để chuyển đổi mô hình phát triển bền vững khu vực ĐBSCL trong điều kiện BĐKH đang tác động gây ảnh hưởng đến đời sống người dân. Đồng thời, phải tìm ra nguồn lực, cơ chế tài chính phù hợp để triển khai nhằm đảm bảo cuộc sống bình yên của nhân dân vùng ĐBSCL”. Theo đó, các đơn vị chức năng đang khẩn trương chuẩn bị các đề án, kịch bản cụ thể cho hội nghị. Phân công trách nhiệm cụ thể cho từng phiên thảo luận chuyên đề. Hội nghị này là cơ sở để Chính phủ đúc kết ban hành nghị quyết của Chính phủ về chuyển đổi mô hình tăng trưởng thích ứng với BĐKH.

Có thể nói, ĐBSCL đang cần có một đánh giá tổng quan về các thách thức mà khu vực này gặp phải trong điều kiện BĐKH. Từ đó, đưa ra định hướng các giải pháp chuyển đổi sinh kế và sản xuất nông nghiệp phù hợp với điều kiện BĐKH. Cũng như dự báo về việc sử dụng tài nguyên nước xuyên biên giới và quy hoạch tích hợp ĐBSCL trong thời gian tới. Đây là những việc làm cần thiết và cấp bách để giảm bớt những tổn thương mà người dân trong vùng đang gánh chịu; từng bước ổn định sinh kế.

VĨNH TƯỜNG

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>