Hạn hán, xâm nhập mặn được dự báo diễn ra gay gắt

09/01/2020 | 10:25 GMT+7

Đó là thông tin mà ông Trần Chí Hùng (ảnh), Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh khi trao đổi với phóng viên Báo Hậu Giang về dự báo và diễn biến tình hình hạn hán, xâm nhập mặn trong mùa khô năm 2019-2020 trên địa bàn tỉnh, đồng thời đề ra những nhiệm vụ trọng tâm trong công tác ứng phó. Ông Hùng cho biết: 

- Với dự báo của cơ quan chức năng Trung ương, cũng như khu vực thì tình hình hạn hán và xâm nhập mặn trong mùa khô năm 2019-2020 tại các tỉnh vùng ĐBSCL, trong đó có Hậu Giang sẽ đến sớm và diễn ra gay gắt. Minh chứng là qua kiểm tra thực tế trên địa bàn tỉnh, nước mặn với nồng độ từ 0,1-0,8‰ đã bắt đầu xuất hiện tại một số địa phương của huyện Long Mỹ và thành phố Vị Thanh ngay trong tháng 12-2019, sớm hơn khoảng một tháng so với cùng kỳ. Đặc biệt, sau hai năm vắng bóng, năm nay độ mặn đột ngột xuất hiện trên sông Cái Côn thuộc huyện Châu Thành, với nồng độ 0,2-0,5‰. Căn cứ tình hình hiện tại thì nhiều khả năng mùa khô năm nay xâm nhập mặn trên địa bàn tỉnh sẽ diễn ra gay gắt như năm 2016, trong đó nước mặn từ thủy triều Biển Tây sẽ xâm nhập vào một số huyện đầu nguồn của tỉnh như huyện Châu Thành, thị xã Ngã Bảy và một phần huyện Phụng Hiệp. Còn mặn từ thủy triều Biển Đông sẽ ảnh hưởng đến huyện Long Mỹ, thành phố Vị Thanh, thị xã Long Mỹ và một phần huyện Vị Thủy.

Các địa phương thường xuyên kiểm tra và vận hành hệ thống cống để sẵn sàng ứng phó khi có mặn xâm nhập.

Trước diễn biến phức tạp của hạn, mặn đang diễn ra, Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) tỉnh đã thực hiện những công việc gì, thưa ông ?    

- Ngay khi vào đầu mùa khô, Ban chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh đã xây dựng và tham mưu cho UBND tỉnh ban hành kế hoạch ứng phó tình hình hạn hán và xâm nhập mặn trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, Ban chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh đã thông báo những dự báo của cơ quan chức năng về diễn biến và khả năng xảy ra mức độ hạn hán, xâm nhập mặn năm nay vào từng thời điểm cụ thể để các địa phương trong tỉnh xây dựng kế hoạch và đề ra những giải pháp ứng phó hiệu quả. Đặc biệt, chỉ đạo ngành thủy lợi tỉnh và địa phương trong tỉnh thường xuyên kiểm tra, vận hành các công trình cống, đập, đê bao ngăn mặn nhằm đảm bảo luôn trong tư thế sẵn sàng khi có nước mặn với nồng độ cao xâm nhập vào địa bàn. Mặt khác, lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh và một số sở, ngành liên quan của tỉnh đã tổ chức nhiều buổi kiểm tra về công tác vận hành thiết bị ngăn mặn tại một số cống ngăn mặn chính trên địa bàn tỉnh. Qua kiểm tra nhằm nhắc nhở các địa phương không để bị động với nước mặn làm ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống người dân.

Để ứng phó với tình hình xâm nhập mặn, hiện tại trên địa bàn tỉnh đã có những công trình quan trọng nào, thưa ông ?

- Trên địa bàn tỉnh có 3 hệ thống công trình thủy lợi đã và đang xây dựng để góp phần quan trọng vào công tác ứng phó với tình hình xâm nhập mặn, cũng như trữ nước ngọt phục vụ sản xuất có hiệu quả cho nhiều địa phương trong tỉnh như: Dự án đê bao Ô Môn - Xà No; hệ thống cống Nam Xà No và đê bao ngăn mặn Long Mỹ - Vị Thanh với tổng số 100 cống hở, 11 cống tròn. Hiện tại, những công trình trên đã thành lập được 5 tổ công nhân quản lý cống và có ký hợp đồng dài hạn với 39 công nhân trực tiếp quản lý vận hành; đồng thời đang tiếp nhận thêm 20 công nhân nữa để tiếp tục quản lý, vận hành những cống mới đầu tư đưa vào sử dụng thuộc hệ thống cống Nam Xà No và đê bao ngăn mặn Long Mỹ - Vị Thanh. Ngoài những dự án trọng điểm trên thì trên địa bàn tỉnh còn có hàng ngàn công trình và phi công trình về đê bao, cống, đập để sẵn sàng ứng phó khi có nước mặn xâm nhập.

Nhằm giảm thiệt hại đến mức thấp nhất cho người dân trước dự báo tình hình hạn hán và xâm nhập mặn trong mùa khô năm nay sẽ diễn ra gay gắt, ông có kiến nghị và khuyến cáo gì đối với ngành chức năng tại các địa phương và người dân trong thời gian tới ?

- Qua kinh nghiệm từ công tác phòng, chống hạn, mặn năm 2016 cho thấy việc đẩy mạnh tuyên truyền phải được quan tâm và xem đây là giải pháp gốc nhằm góp phần nâng cao nhận thức cho người dân về tác hại của xâm nhập mặn. Từ đó, để bà con thấy được việc chủ động bảo vệ thành quả sản xuất của chính mình phải được đặt lên hàng đầu. Bên cạnh đó, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh cần thường xuyên cập nhật diễn biến xâm nhập mặn trong khu vực và trên địa bàn tỉnh từ các cơ quan dự báo của Trung ương và địa phương. Khi có diễn biến bất thường thì kịp thời báo cáo và thông báo cho các địa phương trong tỉnh và người dân biết để phòng tránh. Mặt khác, Chi cục Thủy lợi tỉnh chỉ đạo bộ phận chuyên môn sớm khắc phục những trục trặc trong công tác vận hành tại một số cống ngăn mặn; đồng thời khẩn trương triển khai 5 trạm đo mặn tự động đã được UBND tỉnh cho chủ trương thực hiện, cũng như khai thác số liệu có hiệu quả từ 3 trạm đo mặn tự động được xây dựng hoàn thành trước đó. Ngoài ra, Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh phải có kế hoạch cung cấp đủ nước sinh hoạt cho người dân vùng ngập mặn; khuyến cáo người dân thường xuyên thăm đồng, theo dõi các bản tin về diễn biến xâm nhập mặn trên các phương tiện thông tin đại chúng để chủ động ứng phó kịp thời…

Xin cảm ơn ông !

HỮU PHƯỚC thực hiện

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>