Nan giải xử lý rác thải bảo vệ thực vật

01/02/2018 | 08:47 GMT+7

Nhờ sự phối hợp tuyên truyền sâu rộng nên công tác thu gom bao bì, vỏ chai thuốc bảo vệ thực vật đã có nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, từ khi quy định về việc giao lại các địa phương thu gom đã gặp phải những khó khăn, vướng mắc.

Kể từ đầu năm 2017, chương trình thu gom rác thải BVTV của Tập đoàn Lộc Trời phối hợp với tỉnh đã kết thúc.

Nhiều kết quả tích cực

Là tỉnh có diện tích sản xuất nông nghiệp lớn nên Hậu Giang đứng trước nguy cơ tác động từ việc xử lý không tốt những vỏ bao, chai nhựa thuốc bảo vệ thực vật sử dụng trên đồng ruộng… Do đó, ngoài công tác tuyên truyền, từ năm 2013, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (BVTV) tỉnh đã phối hợp cùng Tập đoàn Lộc Trời xây dựng hàng loạt các hố thu gom rác thải thuốc BVTV, đồng thời tiến hành thu gom loại rác thải này đem đi tiêu hủy đúng quy định, nhằm nâng cao ý thức của bà con nông dân trong bảo vệ môi trường. Từ ý nghĩa của phong trào đã thu hút được các ban, ngành, đoàn thể và doanh nghiệp xây dựng các hố, kho chứa rác thải thuốc BVTV ngày càng nhiều. Theo thống kê chưa đầy đủ của Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh, đến nay trên địa bàn tỉnh có hơn 300 hố chứa, kho lưu chứa bao bì, thuốc BVTV đã qua sử dụng. Tính đến cuối năm 2017, toàn tỉnh đã thu gom hàng tấn để giao cho đơn vị có chức năng đem đi tiêu hủy đảm bảo quy trình.

Có thể thấy, từ khi thực hiện chương trình đã nâng cao ý thức của người dân trong việc sử dụng thuốc BVTV trên đồng và tạo thói quen tốt trong canh tác, giảm thiểu ô nhiễm nguồn nước, đất… Nông dân chỉ với việc thu gom các bao chai lọ đã qua sử dụng và cho vào thùng chứa đã được trang bị trên bờ ruộng, góp phần hướng đến một nền nông nghiệp xanh.

Từ khi hố chứa được xây dựng đến nay, chai, lọ thuốc BVTV sau khi đã sử dụng được nông dân ở phường III, thành phố Vị Thanh tập hợp lại và cho vào thùng chứa, thay vì những loại rác này được vứt ngoài đồng, kênh rạch… gây ô nhiễm môi trường và rất khó phân hủy như trước đây. Có được kết quả đó là nhờ hiệu quả vận động của Hội Nông dân phường. Ông Trần Văn Chí, Phó Chủ tịch Hội Nông dân phường III, cho hay: Từ khi Tổ thu gom rác thải thuốc BVTV được thành lập, nông dân ở phường đã nâng cao được ý thức. Mới tham gia thì cũng rất khó khăn, do thói quen nên khi xịt thuốc xong thỉnh thoảng có người quên đem vỏ chai vào hố. Nhưng sau này quen rồi thì xịt xong nông dân thu gom lại và bỏ vào hố ngay đầu đất.

Bắt đầu gặp khó

Mặc dù, người dân đã nâng cao ý thức trong việc thu gom chai lọ, bao bì thuốc BVTV đúng quy định, tuy nhiên, trong năm qua, lại chưa có đơn vị nào tổ chức thu gom tiêu hủy đúng quy định. “Ý thức thì nông dân có rồi, nhưng đến nay chưa có đơn vị nào đến thu gom để tiêu hủy. Chúng tôi chỉ lo là không biết đến khi các hố đầy thì còn ở nơi nào để chứa”, ông Trần Văn Chí, Phó Chủ tịch Hội Nông dân phường III, lo lắng.

Dù biết những khó khăn trước mắt, nhưng do theo Thông tư liên tịch số 05/2016/TTLT-BNNPTNT-BTNMT ngày 16/5/2016 giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Tài nguyên và Môi trường về hướng dẫn việc thu gom, vận chuyển và xử lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng. Theo đó, các địa phương sẽ là các đơn vị quản lý bể chứa, khu vực lưu chứa trực tiếp thu gom hoặc ký hợp đồng hoặc huy động sự hỗ trợ của tổ chức, cá nhân thu gom bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng từ bể chứa đến khu vực lưu chứa và bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng không để đúng nơi quy định trên địa bàn quản lý. Do đó, hiện nay hầu hết các địa phương vẫn chưa tổ chức được khâu thu gom.

Theo thống kê của UBND thành phố Vị Thanh, trong năm 2017 đã đầu tư mới 18 bể chứa rác thải BVTV, tính đến nay toàn thành phố đã xây dựng được 85 bể ở 7/9 phường, xã. Các bể chứa đều được bố trí gần đường giao thông nội đồng, kênh, mương để người dân dễ dàng bỏ vào. Qua thống kê, số lượng bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng đã thu gom từ đầu năm 2017 đến nay hơn 480kg. Tất cả lượng bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng được lưu giữ tại các bể chứa, nhưng chưa được giao cho các đơn vị có chức năng đem đi xử lý.

Ông Nguyễn Đức Tài, Phó phòng Tài nguyên và Môi trường thành phố Vị Thanh, lý giải: “Trong năm 2017, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh phối hợp với đơn vị chức năng tổ chức thu gom, xử lý các bao gói thuốc BVTV, tuy nhiên do điểm tập kết thu gom tại địa bàn thị xã Long Mỹ nên thành phố không thể chuyển giao được do chất thải này thuộc danh mục chất thải nguy hại không thể tùy tiện vận chuyển. Trong khi, hiện nay trên địa bàn tỉnh không có đơn vị đủ chức năng để thu gom, xử lý bao gói thuốc BVTV sau sử dụng. Hơn nữa, lại thiếu kinh phí và nhân lực để thu gom, xử lý. Do đó, muốn làm được điều này rất cần sự hỗ trợ kinh phí thực hiện của tỉnh”.

Cũng rơi vào tình trạng tương tự, đến nay huyện Châu Thành cũng đã có khoảng 40 hố chứa chai lọ, bao bì thuốc BTVT, với khối lượng ước tính gần 1 tấn nhưng đến nay vẫn chưa tổ chức thu gom và đem tiêu hủy đúng quy định. Bà Lê Thị Thùy Như, Phó phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Châu Thành, thông tin: Từ khi Thông tư 05 ra đời quy định giao việc trực tiếp thu gom tác BVTV cho các địa phương làm huyện vô cùng lúng túng. Bởi đây là quy định khá mới mẻ, vì rất ít đơn vị xử lý mà chỉ duy nhất có Nhà máy xi măng Holcim mới có đủ chức năng làm việc này. Do ít đơn vị nên việc liên hệ rất tốn nhiều thời gian. Mặc dù, phòng đã tham mưu UBND huyện cho chủ trương kinh phí để thực hiện, nhưng chủ trương đã có 4 tháng mà vẫn chưa hoàn chỉnh hợp đồng.

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh, hiện nay chưa có địa phương nào tổ chức thu gom để đem đi xử lý rác BVTV đúng quy định. Qua thống kê, chỉ trong năm 2017, số lượng bao bì, vỏ chai thuốc BVTV đã qua sử dụng lên đến 7 tấn. Do đó, Sở Tài nguyên và Môi trường đã làm công văn trình UBND tỉnh để chỉ đạo các địa phương bố trí kinh phí để tổ chức thu gom, xử lý theo đúng quy định.

Bài, ảnh: THANH THÚY

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>