Nguy cơ sạt lở

10/04/2019 | 07:53 GMT+7

Hiện nay, tình hình sạt lở đã xuất hiện một số nơi ở huyện Châu Thành. Nguy cơ sạt lở đất ven sông sẽ càng cao khi bước vào mùa mưa.

Điểm sạt lở ở ấp Phú Lộc, xã Phú Hữu, cơ bản được khắc phục xong.

Theo nhận định của ngành chức năng, tình hình sạt lở xuất hiện nhiều vào cuối mùa khô hoặc mùa mưa, ở những tuyến sông có nền đất yếu, dòng chảy mạnh. Trên địa bàn huyện Châu Thành A, hàng năm sạt lở xảy ra chủ yếu ven tuyến sông Ba Láng. Lúc này, người dân và chính quyền địa phương thường xuyên theo dõi diễn biến tình hình sạt lở đất ven bờ ở những điểm nguy cơ cao. Ông Hồ Thanh Triết, Chủ tịch UBND xã Tân Phú Thạnh, huyện Châu Thành A, thông tin: “Hiện nay, có sự chênh lệch cao giữa mặt nước và bờ sông vào những lúc thủy triều rút. Bước vào cao điểm mùa mưa, nguy cơ sạt lở càng cao, nhất là ở những đoạn phương tiện thủy lớn lưu thông nhiều trên sông”.

Còn ở huyện Châu Thành, từ đầu năm đến nay đã xảy ra 9 điểm sạt lở ven các tuyến kênh Ngã Cạy, Mái Dầm, Kênh Nhỏ, kênh Giàn Gừa… Tổng chiều dài mất đất khoảng 150m, kinh phí khắc phục trên 800 triệu đồng. Theo đánh giá của Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện, sạt lở tiếp tục tiềm ẩn nhiều rủi ro, diễn biến phức tạp, đặc biệt là trên các tuyến kênh cấp 1, cấp 2 và đầu mùa mưa sạt lở có thể cao hơn trung bình nhiều năm. Ven một số tuyến như Mái Dầm, Cái Côn, Cái Dầu có nguy cơ sạt lở rất cao do biến đổi dòng chảy. Một số vụ sạt lở gần đây ở huyện Châu Thành gây thiệt hại đáng kể, ảnh hưởng đến đời sống người dân.

Trong 3 tháng đầu năm, huyện Châu Thành xảy ra 9 điểm sạt lở đất bờ sông.

Vụ sạt lở đất ven sông Mái Dầm, thuộc địa bàn ấp Phú Lộc, xã Phú Hữu, huyện Châu Thành, xảy ra vào ngày 22-1, chiều dài sạt lở 19m, rộng 4m. Chính quyền địa phương đã cử lực lượng hỗ trợ khắc phục, gia cố lại phần lộ giao thông bị sụp trong thời gian sớm nhất để phục vụ đi lại cho người dân địa phương. Ông Đinh Công Lợi, ở ấp Phú Lộc, cho hay: “Theo tôi, nguyên nhân xảy ra vụ sạt lở là do việc lấy đất ven kênh tạo ra hàm ếch. Cứ như vậy mà tình trạng xói mòn, sạt lở xảy ra. Vụ lở đất bờ kênh vừa rồi đã gây thiệt hại không chỉ phần đường giao thông, mà còn ảnh hưởng vào phần đất của tôi. Thấy bà con đi lại khó khăn nên tôi hiến thêm một phần đất làm đường đi cho học sinh và người dân trong xóm. Hiện nay, việc khắc phục đoạn đường giao thông phía trước mới cơ bản chứ chưa hoàn chỉnh, mong ngành chức năng gấp rút triển khai”.

Hay mới ngày 30-3 vừa qua, xảy ra vụ sạt lở bờ kênh tại hộ Trần Thị Xuân Loan, kênh Xẻo Chồi, ấp Long Lợi A, xã Đông Phước A, chiều dài sạt lở 21m, sâu vào bờ nơi rộng nhất 3m. Sạt lở mất đất ta-luy ven lộ giao thông nông thôn và tạo hàm ếch dưới mặt lộ dài 15m, rộng 1m, sâu 2,5m. Nguyên nhân được xác định là do ảnh hưởng bởi dòng chảy, ước thiệt hại 12 triệu đồng. Theo ngành chức năng, ở huyện Châu Thành, địa hình sông sâu nước chảy mạnh, nền đất yếu nên dễ xảy ra tình trạng sạt lở ở nhiều tuyến kênh. Mặt khác, do các tuyến lộ giao thông nông thôn nằm sát mé sông, nếu muốn di dời phải giải phóng mặt bằng. Khi sạt lở xảy ra tốn nhiều chi phí khắc phục trong khi kinh phí rất hạn chế…

Ngay từ đầu năm, huyện Châu Thành đã xây dựng kế hoạch ứng phó, đẩy mạnh tuyên truyền qua nhiều hình thức như pano, áp phích, trên phương tiện thông tin đại chúng. Khảo sát lại những điểm có nguy cơ sạt lở cao cắm bảng cảnh báo cho người dân lưu ý khi di chuyển. Đặc biệt, hạn chế tối đa việc nạo vét lòng kênh, nghiêm cấm xây dựng nhà ven sông trên địa bàn toàn huyện. Tập trung đưa nhiều giải pháp trong xây dựng giao thông nông thôn, hạn chế xây dựng lộ giao thông sát mé sông, đồng thời khuyến khích trồng cây giữ đất bờ sông, chống xói mòn.

Ông Nguyễn Văn Kiệt, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Châu Thành, thông tin: Về lâu dài, huyện đã tham mưu các ngành, các cấp di dời các tuyến đê bao vào trong cách xa tuyến kênh để đảm bảo giao thông, đi lại của bà con và hạn chế tối đa sạt lở. Vận động người dân thực hiện kè sinh thái để hạn chế xói mòn, sạt lở ta-luy ảnh hưởng lộ giao thông. Đối với các điểm sạt lở cao như ở Cái Côn, Mái Dầm, ngành đang đề xuất đề án di dời dân cư, xây dựng tuyến đê bao Mái Dầm, có giải pháp tham mưu thực hiện kè Mái Dầm để bảo vệ đất đai, đời sống người dân và hạn chế sạt lở. Cụ thể, đối với điểm Cái Côn sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân di dời vào tuyến đê bao Mái Dầm và chắn sóng, hạn chế tác động dòng chảy. Đối với điểm sạt lở ở Mái Dầm, tỉnh đã được hỗ trợ kinh phí bước đầu để xây dựng kè, di dời, đê bao Mái Dầm để hạn chế tình trạng sạt lở xảy ra.

Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh xảy ra 11 điểm sạt lở (huyện Châu Thành 10 điểm, thị xã Ngã Bảy 1 điểm) với tổng chiều dài 247m, diện tích mất đất 1.073m2, ước tổng thiệt hại 422 triệu đồng.

 

Bài, ảnh: KỲ ANH

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>