Quyết liệt phòng, chống thiên tai

22/05/2019 | 08:02 GMT+7

Nhằm thích ứng biến đổi khí hậu và hạn chế thiệt hại cho người dân, nhất là vào đầu mùa mưa như hiện nay, ngành chức năng tỉnh đã và đang thực hiện nhiều biện pháp trong phòng, chống thiên tai.

Nhiều địa phương trong tỉnh đang tăng cường gia cố đê bao, cống đập để đề phòng lũ dâng cao.

Triển khai ứng phó

Một trong những thiên tai gây ảnh hưởng lớn đến đời sống, sản xuất cho người dân trên địa bàn tỉnh là tình hình sạt lở bờ sông. Đặc biệt, trong những năm gần đây, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, cộng với nhiều tác nhân khác nên vấn đề sạt lở bờ sông ngày càng diễn ra nghiêm trọng về mức độ thiệt hại và quy mô, từ đó đe dọa đến sự sống của không ít người dân. Ông Trần Thanh Toàn, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi, Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn (Ban chỉ huy) tỉnh, thông tin: Chỉ tính riêng năm 2018, toàn tỉnh xảy ra 22 điểm bị sạt lở bờ sông, trong đó huyện Châu Thành có 19 điểm, huyện Phụng Hiệp 2 điểm và huyện Châu Thành A có một điểm; với tổng chiều dài sạt lở là 406m, diện tích mất đất 2.475m2, ước tổng thiệt hại gần 1,6 tỉ đồng. Còn từ đầu năm 2019 đến nay, toàn tỉnh đã xảy ra đến 16 điểm sạt lở tại huyện Châu Thành, Châu Thành A và thị xã Ngã Bảy, với tổng chiều dài sạt lở là 396m, diện tích mất đất 2.026m2, ước thiệt hại gần 884 triệu đồng.

Tình hình sạt lở bờ sông đang diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương trong tỉnh.

Nhận định về nguyên nhân gây sạt lở, ông Tống Hoàng Khôi, Chủ tịch UBND huyện Châu Thành, cho biết: Sở dĩ Châu Thành thường xuyên xảy ra sạt lở bờ sông một phần là do mực nước lớn và ròng có sự chênh lệch khá lớn (khoảng 4m), từ đó tạo sự xói mòn. Bên cạnh đó, khi làm lộ giao thông nông thôn, nhiều địa phương trong huyện thường lấy đất cặp mé sông để đắp ta-luy, đồng thời làm lộ sát dòng sông nên dễ dẫn tới việc bị sạt lở. Qua khảo sát của các địa phương thì toàn huyện còn 27 tuyến nằm trong diện nguy cơ sạt lở cao. Trước tình hình này, địa phương đã tiến hành xây dựng đề án di dời người dân ra khỏi vùng nguy cơ sạt lở cao nhằm bảo vệ tính mạng và tài sản. Đồng thời, huyện cũng khẩn trương khắc phục những điểm đã sạt lở và chỉ đạo các xã, thị trấn có giải pháp làm lộ giao thông tránh sạt lở.

Cùng với huyện Châu Thành, để ứng phó sạt lở, thời gian qua, Ban chỉ huy tỉnh còn phối hợp với các địa phương thực hiện nhiều giải pháp khác. Cụ thể là phối hợp với huyện Phụng Hiệp xây dựng 2 mô hình kè sinh thái chống sạt lở tại thị trấn Búng Tàu và thị trấn Cây Dương, với chiều dài 315m; đồng thời xây dựng một mô hình kè sinh thái chống sạt lở tại thị xã Ngã Bảy với chiều dài 65m. Tổng kinh phí thực hiện 3 mô hình trên là 350 triệu đồng từ nguồn xã hội hóa. Bên cạnh đó, Ban chỉ huy tỉnh còn chỉ đạo các địa phương rà soát, kiểm tra các điểm có nguy cơ sạt lở cao để cắm biển cảnh báo sạt lở cho người dân biết tránh xa vùng sạt lở nguy hiểm. Riêng những nơi có vật kiến trúc, nhà cửa thì vận động người dân di dời đến nơi an toàn nhằm tránh thiệt hại về người và tài sản.

Ông Huỳnh Văn Vũ, Phó Chủ tịch UBND huyện Phụng Hiệp, cho hay: Từ khi mô hình kè sinh thái được triển khai đã mang lại nhiều hiệu quả trong việc phòng, chống sạt lở, từ đó nhận được sự đồng tình, ủng hộ của người dân. Để tiếp tục phát huy mô hình và từng bước khắc phục tình trạng sạt lở trên địa bàn huyện, thời gian qua, huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn nhân rộng thêm mô hình kè sinh thái với chiều dài 4.500m.

Ngoài sạt lở bờ sông thì tình hình mưa, giông lốc cũng là mối đe dọa không nhỏ cho người dân mỗi khi mùa mưa, bão về. Do mức độ thiệt hại gây ra tương đối cao và không dự báo trước được nên trước mùa mưa bão, Ban chỉ huy tỉnh đã chỉ đạo các địa phương tăng cường tuyên truyền, vận động Nhân dân cảnh giác, trong đó chủ động chằng chống những căn nhà thiếu an toàn, kiểm tra và mé nhánh các cây cao gần nhà dễ đổ ngã, cũng như sửa chữa những đường dây điện không an toàn… nhằm đảm bảo ổn định trong suốt mùa mưa, bão. Bên cạnh đó, các địa phương còn chuẩn bị đội xung kích ở cơ sở nhằm sẵn sàng ứng phó khi có thông báo diễn biến thời tiết xấu, từ đó kịp thời xử lý nhanh theo phương châm “4 tại chỗ” để giúp người dân khắc phục hậu quả do thiên tai xảy ra.

Ông Nguyễn Văn Vui, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Vị Thủy, cho hay: Trên địa bàn huyện cũng thường xuyên xảy ra giông lốc làm tốc mái, sập nhà dân. Tuy nhiên, nhờ có thành lập đội xung kích cơ sở nên khi xảy ra sự cố thì khoảng 15 phút là có lực lượng chức năng đến hiện trường để giúp người dân khắc phục hậu quả, từ đó giảm nhẹ thiệt hại. Ngoài ra, vào cao điểm mùa mưa bão, các cán bộ lãnh đạo từ huyện đến ấp không được tắt điện thoại để khi có xảy ra sự cố thì người dân hoặc lãnh đạo cấp trên có thể liên lạc được và đến hiện trường xử lý kịp thời...

Cùng với các giải pháp ứng phó thiên tai thì công tác phòng, chống xâm nhập mặn cũng được các ngành, các cấp từ tỉnh đến cơ sở thực hiện rất hiệu quả bằng nhiều việc làm thiết thực, từ đó nước mặn không gây ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân dù mùa khô năm nay có thời điểm nồng độ mặn tại huyện Long Mỹ lên đến 12,8‰ và tại thành phố Vị Thanh là 10,3‰. Trong đó, ngoài thực hiện các công trình và phi công trình thì một trong những giải pháp phòng, chống mặn hiệu quả và được đánh giá cao là Ban chỉ huy tỉnh phối hợp với dịch vụ viễn thông nhắn tin qua điện thoại về nồng độ mặn hàng ngày cho các lãnh đạo từ tỉnh đến những địa phương bị xâm nhập mặn sau khi có kết quả đo. Nhờ biết sớm nên công tác chỉ đạo, điều hành được kịp thời và phù hợp với mọi tình huống.

Ông Lê Tiến Châu, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, thông tin: “Từ đầu mùa khô đến nay, hàng ngày tôi và nhiều đồng chí ở các sở, ngành và địa phương đều nhận được tin nhắn thông báo tình hình độ mặn tại một số điểm chính trên địa bàn tỉnh, nhất là ở hai địa phương thường chịu ảnh hưởng nặng của tình hình xâm nhập mặn. Tôi cho rằng, đây là việc làm thiết thực, cần thiết và hiệu quả nên tiếp tục duy trì, phát huy hơn trong thời gian tới”.

Ứng dụng công nghệ 4.0 vào phòng, chống thiên tai

Từ hiệu quả của việc nhắn tin trong phòng, chống xâm nhập mặn nên lãnh đạo tỉnh và nhiều sở, ngành, chính quyền địa phương cho rằng cần tăng cường hơn việc ứng dụng công nghệ 4.0 vào phòng, chống thiên tai trong thời gian tới. Ông Trương Cảnh Tuyên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Ban chỉ huy tỉnh, đề xuất: Văn phòng Ban chỉ huy tỉnh sớm nghiên cứu tạo group trên Zalo với các thành viên là Ban chỉ huy từ tỉnh đến cơ sở. Từ group này, khi có thông báo gì hoặc có tình huống thiên tai xảy ra thì đăng lên để các thành viên nhanh chóng được tiếp cận thông tin và Ban chỉ huy tỉnh sẽ chỉ đạo giải quyết các vấn đề được kịp thời hơn.

Ngoài ứng dụng công nghệ trên, nhiều sở, ngành tỉnh đề xuất UBND tỉnh xem xét lắp đặt thêm những điểm quan trắc tự động về đo nồng độ mặn, mực nước thủy triều tại những vùng thường xuyên chịu ảnh hưởng của tình hình xâm nhập mặn hàng năm như huyện Long Mỹ và thành phố Vị Thanh. Bởi hiện tại, toàn tỉnh chỉ có 3 điểm đo mặn tự động nên chưa đáp ứng yêu cầu, trong khi lực lượng phụ trách kiểm tra mặn ở cơ sở rất mỏng. Bên cạnh đó, tỉnh cần thuê chuyên gia, nhà khoa học nghiên cứu về tình hình sụp lún đất tự nhiên trên địa bàn tỉnh, từ đó xây dựng bản đồ quy hoạch những vùng sạt lở để có biện pháp ứng phó hiệu quả, hạn chế rủi ro cho người dân.

Ông Lê Tiến Châu, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, cho biết: Những đề xuất trên là rất phù hợp và cần thiết đối với tỉnh nên sẽ sớm có giải pháp thực hiện. Nhưng trước khi thực hiện thì nhiệm vụ trước mắt là các sở, ban, ngành tỉnh và chính quyền địa phương sớm xây dựng kế hoạch phòng, chống thiên tai tại đơn vị, địa phương mình để chủ động ứng phó vì hiện nay đã vào đầu mùa mưa, bão và dự báo tình hình thời tiết năm nay diễn biến rất bất thường, nhất là lũ, giông lốc. Do đó, các địa phương sớm chỉ đạo cơ quan chuyên môn tổ chức rà soát lại hệ thống đê bao, cống đập để có giải pháp nâng cấp, tu bổ nhằm phòng ngừa thủy triều cao đột ngột. Đặc biệt, cần tăng cường hơn công tác tuyên truyền phòng, chống thiên tai bằng nhiều hình thức, nội dung phong phú và công việc này phải có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị chứ không riêng cơ quan nào. Bởi thời gian qua, công tác tuyên truyền chưa phong phú nên chưa tạo được ý thức sâu cho người dân.

Bên cạnh những nhiệm vụ trên, Ban chỉ huy tỉnh đề nghị các địa phương phối hợp với Ban an toàn giao thông tiến hành giải phóng chà, nò, đăng đáy, vật cản trên sông nhằm tạo thông thoáng dòng chảy để tiêu thoát lũ nhanh; đồng thời kiểm tra các bến đò dọc, đò ngang đảm bảo an toàn trong mùa mưa, lũ. Khuyến cáo người dân chỉ xuống giống lúa vụ 3 (Thu đông) ở những nơi đạt tiêu chí số 3 (về thủy lợi) trong xây dựng nông thôn mới...

Theo Đài khí tượng thủy văn tỉnh, năm 2019 trên Biển Đông có khả năng xuất hiện từ 9-11 cơn bão, trong đó có khoảng 4-5 cơn ảnh hưởng đến đất liền nước ta, tập trung nhiều ở khu vực Trung bộ, Bắc Trung bộ và không loại trừ khả năng ảnh hưởng đến Nam bộ. Từ giữa tháng 8 đến đầu tháng 11, lũ sẽ ảnh hưởng trên sông Hậu và đạt đỉnh cao nhất năm xuất hiện vào giữa đến cuối tháng 10. Cụ thể, tại trạm Vị Thanh có khả năng đạt từ 0.75-0.80m và ở mức xấp xỉ năm 2018; còn tại Phụng Hiệp đạt từ 1.55-1.65m, xấp xỉ năm 2018 và cao hơn trung bình nhiều năm. Bên cạnh đó, các địa phương cần đề phòng những đợt triều cường cuối năm trùng với thời gian gió mùa Đông Bắc hoạt động mạnh, mực nước thủy triều có thể dâng cao bất thường và diễn biến phức tạp.

 

Bài, ảnh: HỮU PHƯỚC

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>