Quyết liệt phòng, chống xâm nhập mặn

21/03/2019 | 08:29 GMT+7

Trước tình hình xâm nhập mặn diễn ra gay gắt, nồng độ mặn ở mức cao nên ngành chức năng và người dân trong tỉnh đang tích cực thực hiện nhiều giải pháp phòng, chống để hạn chế ảnh hưởng đến sản xuất và sinh hoạt.

Nhiều cống ngăn mặn trên địa bàn thành phố Vị Thanh và huyện Long Mỹ đã được đóng lại để kiểm soát mặn.

Đóng nhiều cống ngăn mặn

Do ảnh hưởng từ Biển Tây nên trong những ngày qua, nước mặn với nồng độ khá cao đã xâm nhập vào nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh, nhất là ở thành phố Vị Thanh và huyện Long Mỹ. Trong đó, độ mặn cao nhất đã ở mức 10,8‰, cao hơn 5-6‰ so với cùng kỳ. Tuy độ mặn ở mức cao nhưng nhờ ngành chức năng từ tỉnh đến cơ sở và người dân địa phương chủ động thực hiện nhiều giải pháp trọng tâm nên nước mặn được kiểm soát tốt.

Điển hình là ở thành phố Vị Thanh, thực hiện theo sự chỉ đạo của UBND tỉnh và thành phố, ngay từ đầu mùa khô năm 2019, đơn vị đã yêu cầu cán bộ chuyên môn chủ động tiến hành phòng, chống xâm nhập mặn theo kế hoạch. Đặc biệt, cán bộ của Trạm Thủy lợi đảm bảo công tác đo nồng độ mặn 2 lần/ngày nhằm kịp thời phát hiện độ mặn cao để đóng các cống và thông báo cho người dân biết mà chủ động phòng, chống hiệu quả. Theo nhận định của cơ quan chuyên môn thành phố, so với năm trước thì năm nay nồng độ mặn diễn biến thất thường và ở mức rất cao. Trong đó, độ mặn cao nhất trên địa bàn thành phố đo tại ngã ba sông Nước Trong là 10,3‰ vào sáng ngày 18-3 vừa qua. Bên cạnh đó, độ mặn đo tại nhiều điểm chính khác vào đỉnh điểm cũng dao động từ 8-10‰. Tuy nhiên, điều đáng mừng là kết quả đo mặn vào sáng ngày 20-3 đã giảm 2‰ tại mỗi điểm so với 2 ngày trước. 

Người dân vùng mặn cần có giải pháp sử dụng nước ngọt hợp lý trong thời điểm xâm nhập mặn như hiện nay.

Ông Nguyễn Bé Sáu, Phó phòng Kinh tế thành phố Vị Thanh, cho biết: Trước tình hình nồng độ mặn đang ở mức cao nên để ngăn mặn xâm nhập vào nội đồng gây ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống người dân, hiện thành phố Vị Thanh đã tiến hành đóng 13 cống hở và 22 cống ngầm trong tổng số 106 cống trên địa bàn (trong đó có 55 cống hở và 51 cống ngầm). Tới đây, thành phố sẽ thường xuyên đo nồng độ mặn và trên tinh thần mặn cao đến đâu sẽ đóng cống đến đó.

Cùng với ngành chức năng thì người dân thành phố cũng đang quyết liệt ứng phó với mặn để bảo vệ thành quả lao động của mình. Đang đi kiểm tra lại hệ thống cống, đập xung quanh nhà, ông Võ Văn Hà, ở ấp Thạnh An, xã Hỏa Tiến, thành phố Vị Thanh, cho hay: “Khoảng nửa tháng trước, khi nghe cán bộ thủy lợi thành phố thông báo mặn ngoài sông lớn trước nhà vượt mức 1,5‰ là tôi và bà con trồng khóm nơi đây đã bít các ống bọng lại để ngăn nước từ bên ngoài vào và trữ nước ngọt lại bên trong để phục vụ tưới tiêu cho rẫy khóm. Giờ độ mặn có hôm ở mức hơn 10‰ nên công việc kiểm tra các cống, bọng được tôi thực hiện liên tục. Bởi, nếu lỡ để xảy ra sơ suất làm cho nước mặn vào mương thì rất khó cho việc canh tác khóm bây giờ và thời gian tới. Hơn nữa, khoảng một thiên khóm (1.000 trái) trên diện tích gần 1ha của gia đình đang chờ thu hoạch thì công tác phòng, chống mặn là công việc trọng tâm trong lúc này”.

Giống như thành phố Vị Thanh, ngành chức năng huyện Long Mỹ cũng đang gấp rút ngăn mặn. Ông Lê Hồng Việt, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Long Mỹ, thông tin: Độ mặn đo được trong những ngày gần đây tại một số điểm chính trên địa bàn xã Lương Nghĩa, Lương Tâm, Xà Phiên, Vĩnh Viễn, Vĩnh Viễn A, dao động từ 5-10‰, trong đó độ mặn cao nhất đo tại cống Ba Cô, xã Lương Nghĩa đã ở mức 10,8‰. Trước tình hình này, hiện địa phương đã tiến hành đóng 34 cống ngăn mặn, trong đó có 21 cống cải tiến. Ngoài ra, địa phương cũng chỉ đạo ngành chức năng và người dân đắp nhiều đập thời vụ ngăn mặn ở những nơi có nồng độ mặn vượt mức 1,5‰. Mặt khác, đơn vị còn thường xuyên vận động người dân tự chủ động ứng phó mặn xung quanh nhà mình và thông báo tình hình xâm nhập mặn hàng ngày trên phương tiện thông tin đại chúng. Nhìn chung, mọi công tác ứng phó mặn được thực hiện tốt theo kế hoạch, nhờ vậy tuy nồng độ mặn đang ở mức cao nhưng được địa phương và người dân kiểm soát, từ đó chưa ghi nhận sự ảnh hưởng của mặn đến sản xuất và đời sống người dân.

Dù không chịu ảnh hưởng mặn với nồng độ cao như hai địa phương trên, nhưng để chủ động ứng phó xâm nhập mặn thì những ngày qua, ngành chức năng của huyện Vị Thủy cũng quyết liệt thực hiện nhiều công việc. Ông Trương Văn Trí, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Vị Thủy, cho hay: Là địa phương có diện tích trồng lúa tương đối lớn của tỉnh (gần 17.300ha), hơn nữa cây lúa rất dễ bị tổn thương với nước mặn. Do đó, để tránh tình trạng nước mặn xâm nhập vào nội đồng nên thời gian qua đơn vị tiến hành kiểm tra và tu sửa các cống ngăn mặn trên địa bàn. Đồng thời, phân công cán bộ thường xuyên đo nồng độ mặn, nhất là ở địa bàn giáp ranh với thành phố Vị Thanh và khi độ mặn đạt mức cao sẽ tiến hành đóng các cống lại.

Qua kết quả đo mặn trong những ngày qua tại một số điểm chính trên địa bàn huyện Vị Thủy thì nồng độ mặn cao nhất chỉ ở mức 0,3‰. Thế nhưng, để bảo vệ cho vụ lúa Đông xuân tại một số vùng chuẩn bị thu hoạch thì địa phương này đã đóng 6/18 cống ngăn mặn và chủ yếu là tại địa bàn giáp ranh với thành phố Vị Thanh. “Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục theo dõi sát sao nồng độ mặn và sẽ tiếp tục đóng các cống khi cần thiết”, ông Trương Văn Trí, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Vị Thủy, thông tin thêm.

Khả năng nồng độ mặn còn tăng

Theo nhận định của ngành chức năng, nếu thời gian tới thời tiết tiếp tục nắng nóng, không có mưa thì tình trạng xâm nhập mặn sẽ diễn ra ngày càng nhanh và khốc liệt, các địa phương cần sẵn sàng các phương án đối phó hạn, mặn bằng công trình cũng như phi công trình. Đặc biệt, trong điều kiện nắng nóng gay gắt như hiện nay nên nguồn nước ngọt trữ trong các mương vườn, kênh rạch rất nhanh bốc hơi nên sẽ sớm cạn kiệt. Do đó, ngành chức năng tỉnh khuyến cáo người dân cần sử dụng nguồn nước một cách hợp lý, trong đó tiếp tục phát huy các mô hình sử dụng nước tiết kiệm, hạn chế việc khai thác mạch nước ngầm ồ ạt sẽ dễ dẫn đến tình trạng sụt lún.

Ông Trần Thanh Toàn, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh, cho hay: Để kịp thời ứng phó với tình trạng mặn đang xâm nhập từng ngày từ Biển Tây vào địa bàn với nồng độ cao, ngành chức năng tỉnh và các địa phương chịu ảnh hưởng trực tiếp từ mặn đang tăng cường thực hiện các giải pháp phòng, chống. Trong đó, nhiệm vụ trọng tâm là thường xuyên cập nhật thông tin về diễn biến mặn bằng cách đo nồng độ trên các tuyến sông, kênh chính được xác định mặn sẽ xâm nhập vào địa bàn, đồng thời kiểm tra hệ thống cống, đập ngăn mặn theo nguyên tắc mặn tới đâu, đóng cống tới đó. Bên cạnh đó, các địa phương vùng mặn cũng đang đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các công trình nạo vét kênh, mương nội đồng để trữ nước ngọt, cũng như tu sửa bờ bao, cống đập phục vụ cho công tác phòng, chống hạn, mặn; đặc biệt là tỉnh sẽ sớm đưa vào vận hành 3 trạm quan trắc nước mặn tại huyện Long Mỹ và thành phố Vị Thanh để nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo mặn cho người dân...

Qua kết quả đo mặn vào sáng ngày 20-3 của ngành chức năng huyện Long Mỹ và thành phố Vị Thanh, độ mặn tại một số điểm chính vẫn đang ở mức rất cao. Trong đó, tại thành phố Vị Thanh, độ mặn đo ở ngã ba sông Nước Trong là 8,8‰, cống Kênh Lầu 8,5‰, đầu kênh Năm 3,5‰; còn tại huyện Long Mỹ, độ mặn ở cống Ba Cô là 10,8‰, Hóc Pó 10,4‰, nhà thờ Bào Ráng 10,1‰, UBND xã Lương Nghĩa 9,8‰, kênh Mười Thướt 8,6‰, kênh Thanh Thủy 7,3‰…

 

Bài, ảnh: HỮU PHƯỚC

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>