Tăng cường ứng phó thiên tai

12/07/2018 | 08:33 GMT+7

Huyện Châu Thành đang tăng cường các giải pháp ứng phó thiên tai, nhất là đối với các khu vực thường xuyên chịu ảnh hưởng bởi sạt lở trên địa bàn.

Ngành nông nghiệp huyện dự đoán khả năng sạt lở, giông lốc sẽ còn diễn ra phức tạp trong mùa mưa bão.

Châu Thành có nhiều sông lớn tiếp giáp với sông Hậu. Một số khu vực chịu ảnh hưởng trực tiếp của dòng chảy, biên độ thủy triều lớn nhất là vào mùa mưa bão, lũ. Hiện có 2 khu vực được cảnh báo nguy cơ sạt lở cao là đầu vàm sông Mái Dầm và đầu vàm sông Cái Côn. Mới đây, một vụ sạt lở đất bờ sông xảy ra ở ven sông Mái Dầm, thuộc địa bàn ấp Phú Xuân, thị trấn Mái Dầm. Đoạn này dài khoảng 20m, ăn sâu vào bờ khoảng 6m, ước thiệt hại ban đầu về đường đi, nhà cửa, vật kiến trúc… khoảng 100 triệu đồng.

Bùi ngùi nhìn dòng nước chảy siết, ông Võ Long, ở ấp Phú Xuân, thị trấn Mái Dầm, chia sẻ: “Nhà tôi cũng chịu ảnh hưởng bởi đợt sạt lở vừa qua, phần nhà bếp phải tháo dỡ bỏ. Trước đó, nơi này cũng có con đường đi nhưng bây giờ bị sụp mất. Tôi rất lo, nếu lở đất tiếp thì không biết sinh sống ra sao bởi không còn chỗ ở khác”.

Sông Mái Dầm chịu ảnh hưởng của chế độ bán nhật triều không đều của Biển Đông thông qua sông Hậu. Nhất là khu vực đầu nguồn tiếp giáp với sông Hậu có dòng chảy mạnh, nhiều tàu thuyền tải trọng lớn qua lại nên sạt lở xảy ra thường xuyên và nghiêm trọng. Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Châu Thành, từ năm 2014 đến 2016, sông Mái Dầm đã xảy ra 13 điểm sạt lở với chiều dài 269m, diện tích mất đất 1.832m2, riêng năm 2016 có 8 điểm sạt lở gây thiệt hại lớn về tài sản, hoa màu, cây ăn trái của người dân và cơ sở hạ tầng nông thôn.

Ông Trần Thanh Phong, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Mái Dầm, thông tin: “Thị trấn đã chủ động huy động lực lượng tháo dỡ một phần của 3 căn nhà và mái che, hàng rào để giảm tải trọng bên trên nền đất, hạn chế nguy cơ sạt lở tiếp tục xảy ra. Về lâu dài, khu vực này được dự báo có nguy cơ xảy ra sạt lở bởi ảnh hưởng dòng chảy của sông Mái Dầm”.

Còn tại khu vực sạt lở ở đầu vàm Cái Côn thuộc ấp Phú Thạnh, thị trấn Mái Dầm, chính quyền địa phương đã bố trí vốn, đang làm đường tránh khu vực sạt lở bên trên cho người dân đi lại với chiều dài khoảng 500m, đang thi công phần nền hạ. Khi tuyến này hoàn thành sẽ hạn chế hoạt động lưu thông của người dân địa phương ngoài khu vực mé sông, góp phần giảm tải trọng tác động lên nền đất yếu.

Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Châu Thành, hiện trên địa bàn đã xảy ra 17 điểm sạt lở, giảm 2 điểm so với cùng kỳ, thiệt hại khoảng 811 triệu đồng. Tổng diện tích mất đất khoảng 332m2. Chính quyền địa phương đã khắc phục được 11 điểm sạt lở và trong tháng này sẽ khắc phục tiếp 4 điểm. Còn 2 điểm lớn ở đầu sông Mái Dầm và khu vực đầu sông Cái Côn đang chờ xin ý kiến ngành chuyên môn và tỉnh. Huyện Châu Thành nằm gần sông Hậu, triều cường lên xuống nhanh làm bào mòn gây hàm ếch sâu ở một số tuyến kênh. Hiện người dân đã thực hiện trồng cây chống sạt lở, tuy nhiên với khu vực có những hàm ếch quá sâu như điểm sạt lở ở đầu vàm Cái Côn thì giải pháp trồng cây khó mang lại hiệu quả như kỳ vọng.

Ông Nguyễn Văn Trương, Phó phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Châu Thành, cho biết: Chúng tôi khuyến cáo người dân thực hiện phương án bốn tại chỗ. Đối với những điểm sạt lở lớn ở Mái Dầm và Cái Côn, kiến nghị các ngành, tỉnh có giải pháp hỗ trợ khắc phục giúp ổn định cuộc sống người dân vùng sạt lở. Tuyên truyền khuyến cáo người dân thường xuyên theo dõi khu vực sinh sống, nhất là những nơi đã cảnh báo nguy cơ cao. Từ nay đến cuối năm, đơn vị tiếp tục phối hợp với các ngành, Đài Truyền thanh huyện để tuyên truyền người dân không được chủ quan, phải thường xuyên cập nhật diễn biến thời tiết; còn đối với các địa phương cũng cần tập trung cho công tác phòng chống thiên tai. Dự đoán khả năng sạt lở, giông lốc, bão sẽ còn diễn biến phức tạp trên địa bàn huyện Châu Thành trong thời gian tới. Nhất là sạt lở có nguy cơ tiềm ẩn, bởi hiện Châu Thành có 22 tuyến mà trên đó có những điểm có nguy cơ xảy ra sạt lở bất kỳ lúc nào. Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Châu Thành cũng đã công bố số điện thoại đường dây nóng trực 24/24h để tiếp nhận tin báo của người dân về diễn biến thiên tai, sạt lở qua số điện thoại: 02933.948.542 hoặc 02933.948.527.

Bài, ảnh: NGUYÊN ANH

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>