Thiên tai diễn biến phức tạp

25/09/2017 | 07:41 GMT+7

Hệ lụy từ biến đổi khí hậu mà điển hình là sạt lở, lốc xoáy đang ngày càng tác động lớn đến đời sống của người dân.

Hiện anh Phạm Văn Hòa đã lợp lại mái tôn bị giông lốc cuốn bay.

Sau gần 3 tháng trở lại khu vực sạt lở ven sông Cái Côn, thuộc ấp Phú Thạnh, thị trấn Mái Dầm, huyện Châu Thành, cuộc sống của người dân đã ổn định. Công tác khắc phục hậu quả, xây dựng kè mé đã hoàn tất, nhưng nỗi ám ảnh vụ lở đất gây ra đối với nhiều gia đình vẫn chưa nguôi. Người dân sinh sống khu vực này chỉ mong tình trạng này đừng bao giờ lặp lại. Thế nhưng, biến đổi dòng chảy, biến đổi khí hậu, thiên tai là điều không thể lường trước được. Sự cố xảy ra gây ảnh hưởng trực tiếp đời sống của 13 hộ dân nên UBND tỉnh đã chỉ đạo ngành nông nghiệp triển khai đoạn kè chắn sóng bằng cừ tràm, cừ dừa ở khu vực sạt lở, hạn chế đến mức thấp nhất nguy cơ sạt lở diễn biến phức tạp hơn. Động thái này còn nhằm mục đích giúp hiện trạng bờ sông đã bị tổn thương do biến đổi dòng chảy làm xói mòn được che chắn sóng, bảo vệ và bồi lắng.

Theo ông Nguyễn Văn Đồng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, ngay từ đầu mùa mưa thì thiên tai, sạt lở đã diễn biến hết sức phức tạp, gây ảnh hưởng lớn đến đời sống của người dân. Hiện đoạn kè ở khu vực sạt lở dọc sông Cái Côn đã được thực hiện xong. Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp còn phối hợp với các địa phương cho khảo sát lại các điểm có nguy cơ sạt lở trên địa bàn tỉnh để có biện pháp cảnh báo nguy cơ, rào chắn kịp thời.

Còn tại huyện Phụng Hiệp, chiều ngày 6-9 sau khi cơn mưa kèm theo lốc xoáy đi qua đã làm sập 12 căn nhà và tốc mái 50 căn nhà của người dân ở các xã Hòa An, Tân Long và xã Hiệp Hưng. Sau khi sự việc xảy ra, địa phương đã bố trí lực lượng hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả, dọn dẹp cây gãy ngã, ngắt nguồn điện đề phòng sự cố. Sức tàn phá của cơn lốc khiến nhiều người dân hết sức hoảng sợ.

Anh Phạm Văn Hòa, ở ấp 1, xã Hòa An, huyện Phụng Hiệp, nhớ lại: “Hôm đó tôi vừa đi làm về, trời còn chưa dứt hạt mưa thì cơn giông ập đến bất ngờ. Chỉ chưa đầy 10 giây, toàn bộ mái tôn nhà tôi bị gió lốc “nhổ” bật lên không trung. Sức gió mạnh đến mức khiến tôn bay xa mấy chục mét. Cây mít trước nhà tôi mới trồng chừng 1 năm cũng bị tấm tôn rơi xuống làm đứt ngang thân. Nghĩ lại thật may mắn, vì lỡ mấy tấm tôn đó xắn trúng người tôi hay người đi đường thì hậu quả rất nặng nề”.

Trận lốc xảy ra còn gây ảnh hưởng đến sản xuất của người dân, những vườn cây nằm trong luồng cơn lốc đi qua bị gãy đổ, gây thiệt hại về kinh tế. Khoảng 2.000m2 đất sau nhà được chị Võ Tuyết Mai, ở ấp 1, xã Hòa An, tận dụng trồng chuối cau cũng trở nên xác xơ sau cơn lốc. Chị Mai ước tính có khoảng 150 cây chuối trong giai đoạn cho trái bị gãy đổ. “Nhiều cây bị gió quật cúp cổ, cúp thân nên tôi buộc phải đốn bỏ. Bây giờ trong vườn còn một số cây hư đọt, tôi phải dùng cây chống lên để nuôi buồng cho trái già. Tôi sợ giông lốc xuất hiện tiếp nên vừa thuê người cưa ngã mấy cây dừa trồng gần nhà, đề phòng mưa gió đổ ngã. Thời tiết ngày càng phức tạp, tôi chỉ mong không còn cơn lốc xoáy nào đi qua đây nữa. Bây giờ cứ trời kéo mây đen là thấy sợ”, chị Tuyết Mai lo lắng.

Theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, hiện trên địa bàn tỉnh Hậu Giang thường xuất hiện nắng nóng liên tục nhiều ngày, buổi chiều hay có mưa lớn trên diện rộng. Trong cơn mưa thường kèm theo các yếu tố thời tiết cực đoan bất thường như giông lốc, sấm sét. Trước diễn biến ngày càng phức tạp của thời tiết, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh đề nghị ngành chuyên môn ở các địa phương thường xuyên theo dõi, cập nhật diễn biến thời tiết để kịp thời cảnh báo cho người dân. Mưa giông thường đi kèm sấm sét nên người dân cần tránh xa vật kim loại, không trú ẩn ở những nơi có tàn cây lớn. Chủ động chằng chống nhà cửa, tỉa bớt tán cây xung quanh nhà để đảm bảo an toàn.

Thống kê từ Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, tổng thiệt hại do thiên tai, bao gồm cả sạt lở, lốc xoáy gây ra từ đầu năm đến nay trên 6,3 tỉ đồng. Giông lốc đã làm sập 88 căn nhà, tốc mái 1 phòng học; mưa dông kèm theo sấm sét làm 1 người chết. Toàn tỉnh đã xảy ra 25 điểm sạt lở, trong đó vụ sạt lở đất ven sông Cái Côn, thuộc địa bàn ấp Phú Thạnh, thị trấn Mái Dầm, huyện Châu Thành, được xem là một trong những vụ ảnh hưởng nhiều nhất từ đầu năm đến nay, ước tính thiệt hại về tài sản khoảng 980 triệu đồng.

 

Bài, ảnh: KỲ ANH

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>