Thiên tai diễn biến phức tạp

13/07/2018 | 06:49 GMT+7

Mặc dù mới bắt đầu vào mùa mưa, nhưng tình hình thời tiết trên địa bàn tỉnh đang diễn biến rất phức tạp, khó lường và ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân.

Tình hình sạt lở bờ sông những tháng đầu năm 2018 trên địa bàn tỉnh xảy ra rất nghiêm trọng. Ảnh: HỮU PHƯỚC

Giông lốc, sạt lở bờ sông xảy ra liên tục

Theo Văn phòng Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) tỉnh, so với năm 2017 thì tình hình giông lốc vào đầu mùa mưa năm nay đang diễn ra gay gắt và mức độ ảnh hưởng nghiêm trọng hơn, nhất là những cơn mưa lớn thường kèm theo gió mạnh làm sập và tốc mái nhiều căn nhà của người dân. Đặc biệt, đã nhiều năm qua, thiên tai không gây thiệt hại về người nhưng chỉ mới đầu mùa mưa năm nay đã xảy ra tình trạng này. Cụ thể, trong ngày 11-7 vừa qua, mưa lớn kèm theo giông lốc đã làm sập hoàn toàn và tốc mái nhiều căn nhà của người dân tại nhiều địa phương trong tỉnh, như: huyện Châu Thành A, Châu Thành, Vị Thủy, Phụng Hiệp... từ đó gây không ít thiệt hại và lo lắng cho người dân.

Ông Trần Thanh Lâm, Chủ tịch UBND huyện Châu Thành A, thông tin: Mưa lớn kèm theo giông lốc trong ngày 11-7 đi qua địa bàn xã Tân Hòa, Trường Long Tây, thị trấn Cái Tắc và thị trấn Rạch Gòi đã làm sập hoàn toàn 3 căn nhà và tốc mái 5 căn nhà của người dân. Đặc biệt, tại thị trấn Rạch Gòi có một căn nhà bị sập và làm chết một người, nguyên nhân là do chân ghế đá treo giằng màn phía trước nhà văng vào trúng ngực. Ngay sau khi xảy ra sự việc, các ngành, các cấp từ huyện đến ấp tiến hành đến hỗ trợ người dân lợp lại mái nhà, dọn dẹp, di dời đồ đạc đến nơi an toàn và hiện đã cơ bản khắc phục được tình hình. Tới đây, địa phương sẽ hỗ trợ bà con tiền xây dựng lại nhà cửa, cũng như hỗ trợ cho trường hợp có người bị chết do thiên tai gây ra.

Còn ở huyện Phụng Hiệp, ông Lê Như Lê, Phó Chủ tịch UBND huyện Phụng Hiệp, cho hay: Mưa lớn kèm theo gió mạnh trong ngày 11-7 đã làm sập hoàn toàn 2 căn nhà, tốc mái 6 căn, dẫn tới từ đầu năm đến nay làm sập nhà 3 căn, tốc mái 7 căn. Hiện những trường hợp nhà tốc mái đã được lợp lại, riêng nhà sập thì lực lượng chức năng của địa phương cũng tiếp người dân di dời đồ đạc đến nơi an toàn để chuẩn bị cất lại nhà. Tới đây, địa phương sẽ vận động mạnh thường quân hỗ trợ thêm phần nào cho bà con xây nhà được kiên cố hơn nhằm phòng, chống giông lốc. Tuy nhiên, hiện trên địa bàn huyện còn khoảng 10% hộ nghèo nên nhà ở tạm bợ tương đối nhiều và đa phần bà con sống rải rác ven các tuyến sông, ngoài đồng nên mỗi khi mùa mưa bão về đều đặt ra nhiều lo ngại cho địa phương.

Giông lốc xảy ra ngày 11-7 đã làm nhiều ngôi nhà bị tốc mái. Ảnh: N.HẰNG

Anh Nguyễn Văn Út, ở ấp 5, xã Hòa An, huyện Phụng Hiệp, cho biết: Khoảng 10 giờ sáng ngày 11-7 là có mưa giông, gió xoáy làm tốc mái toàn bộ căn nhà. Tôi tranh thủ thời gian để khắc phục, dự tính trong ngày 13-7 là lợp lại mái nhà. Mùa mưa mấy năm gần đây thấy giông lốc ngày càng mạnh, bởi vậy nhà cửa bây giờ phải làm chắc chắn lại”.

Còn tại địa bàn huyện Vị Thủy, mưa giông kèm theo gió mạnh vào ngày 11-7, cũng gây ra thiệt hại. Cụ thể, tại xã Vĩnh Tường đã có 3 căn nhà bị tốc mái hoàn toàn, thuộc địa bàn ấp Vĩnh Thuận, xã Vĩnh Thuận Tây; ấp Vĩnh Hòa và ấp Vĩnh Phú, xã Vĩnh Tường. Tại xã Vĩnh Thuận Tây, gió giật làm tốc mái 3 phòng học, 1 nhà kho, 1 nhà vệ sinh, ước thiệt hại khoảng 30 triệu đồng. Trong ngày, địa phương đã hỗ trợ người dân khắc phục xong thiệt hại.Sau cơn giông vào khoảng 9 giờ của 2 ngày trước, phần mái nhà của bà Nguyễn Thị Ánh, ở ấp Vĩnh Hòa, xã Vĩnh Tường, huyện Vị Thủy, bị tốc mái. Phần tôn bị lốc xoáy cuốn rớt xuống đất. Bà Ánh kể: “Lúc đó gió xoáy mạnh, tôi ở bên ngoài chạy nhanh vào trông đứa cháu nhỏ sợ sự cố. Sau khi mái tôn bị cuốn thì đồ đạc trong nhà bị ướt hết. Do sự việc xảy ra quá bất ngờ nên gia đình rất lúng túng nhưng được bà con xung quanh và chính quyền địa phương giúp đỡ kịp thời. Tôi cũng đã mua tôn lợp lại căn nhà nhưng vẫn chưa có tiền trả cho người bán”.

Bên cạnh giông lốc thì tình hình sạt lở bờ sông qua 6 tháng đầu năm 2018 cũng diễn ra liên tục, diện tích mất đất khá lớn, đe dọa trực tiếp đến đời sống và tính mạng của người dân. Nếu trong năm 2017, trên địa bàn tỉnh xảy ra 28 vụ sạt lở thì chỉ 6 tháng đầu năm 2018 đã xảy ra 20 điểm và mức độ sạt lở của từng điểm ngày càng quy mô, phức tạp hơn. Là địa phương đang xảy ra nhiều điểm sạt lở bờ sông nhất của tỉnh, ông Tống Hoàng Khôi, Chủ tịch UBND huyện Châu Thành, cho biết: Từ đầu năm đến nay, tình hình sạt lở bờ sông trên địa bàn huyện liên tục xảy ra và tính đến thời điểm này đã có 17 điểm, chủ yếu ở các tuyến kênh, như: Cái Côn, Mái Dầm, Ngã Sáu, Thạnh Đông, Phú Thạnh… ước thiệt hại trên 800 triệu đồng. Ngoài ra, qua kiểm tra thì địa phương còn xác định có 49 điểm có nguy cơ sạt lở cao nên đây thật sự là một vấn đề đáng lo lắng của huyện trong lúc này.

Ngoài huyện Châu Thành, tình hình sạt lở bờ sông còn xảy ra ở huyện Phụng Hiệp, với 2 điểm ở xã Tân Long; huyện Châu Thành A xảy ra một điểm ở xã Tân Phú Thạnh. Ông Trần Thanh Lâm, Chủ tịch UBND huyện Châu Thành A, thông tin thêm: Ngoài một điểm đã sạt lở trên tuyến sông Ba Láng, hiện địa phương còn khoanh vùng được 10 điểm có nguy cơ sạt lở cao, với 9 hộ (32 nhân khẩu) bị ảnh hưởng. Do đó, vấn đề đặt ra lúc này là huyện đang gấp rút triển khai các giải pháp liên quan nhằm tránh bị ảnh hưởng về người và tài sản khi có sự cố xảy ra.

Cấp bách phòng, chống thiên tai

Từ diễn biến thực tế về thiên tai đang diễn ra gay gắt trên địa bàn tỉnh trong 6 tháng đầu năm, cộng với dự báo của Đài Khí tượng - Thủy văn khu vực Nam bộ là diễn biến của bão, áp thấp nhiệt đới, mưa lớn, triều cường, giông lốc, sạt lở trong năm 2018 ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long sẽ phức tạp, khó lường. Chính vì vậy, công tác chủ động thực hiện các giải pháp phòng, chống đang được các ngành có liên quan của tỉnh, chính quyền các địa phương cấp bách triển khai.

Ông Nguyễn Văn Đồng, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh, Phó trưởng Ban chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh, cho biết: Hiện Ban chỉ huy đã kiện toàn, đồng thời phân công nhiệm vụ cho từng thành viên gắn với từng địa phương cụ thể để có sự chỉ đạo, hỗ trợ kịp thời khi có tình huống xấu xảy ra. Đặc biệt, UBND tỉnh vừa ban hành chỉ thị về công tác PCTT-TKCN năm 2018 trên địa bàn tỉnh với 22 nội dung trọng tâm liên quan đến các sở, ban, ngành từ tỉnh đến huyện, thị xã, thành phố để chủ động phòng, chống và ứng phó kịp thời, có hiệu quả, giảm thiểu mức độ thiệt hại do thiên tai gây ra.

Một trong những nội dung quan trọng của chỉ thị là yêu cầu các địa phương khẩn trương khắc phục những điểm sạt lở, có kế hoạch di dời những hộ dân nằm trong vùng có nguy cơ sạt lở cao đến nơi ở an toàn. Bên cạnh đó, sớm gia cố, duy tu sửa chữa các tuyến đê bao ngăn lũ, triều cường nhằm bảo vệ tốt cho vùng lúa, mía, cây ăn trái, nuôi trồng thủy sản và hoa màu. Đặc biệt, tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến kiến thức, kinh nghiệm thực tiễn về kỹ năng phòng, chống thiên tai dưới nhiều hình thức nhằm nâng cao ý thức hơn nữa cho người dân trong việc chủ động tự phòng, tránh thiên tai được an toàn, hiệu quả.

Ông Nguyễn Thế Tự, Phó phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phụng Hiệp, khuyến cáo người dân chủ động mé nhánh cây gần nhà để tránh gãy đổ gây nguy hiểm. Đối với những nhà yếu, bà con cần chằng chống lại cho chắc chắn hơn, vì thời tiết năm nay biến đổi bất thường nên việc phòng là chính. Tuy nước lũ chưa về nhưng bà con cần giữ trẻ kỹ lưỡng, không để trẻ chơi gần kênh, mương dễ trượt chân té dẫn đến tai nạn đuối nước.Ông Tống Hoàng Khôi, Chủ tịch UBND huyện Châu Thành, cho biết: Hiện địa phương đã tiến hành kiểm tra tất cả các tuyến kênh và những điểm có nguy cơ sạt lở cao để có giải pháp khắc phục. Trước mắt là vận động bà con di dời đến nơi an toàn, đồng thời thực hiện một số công trình chống sạt lở như kè sinh thái… Bên cạnh đó, tổ chức rà soát tình trạng nhà ở của người dân ở từng cấp độ để có biện pháp vận động bà con chằng chống nhằm ứng phó với thiên tai được tốt hơn…

H.PHƯỚC - N.HẰNG

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>