Tích cực phòng, tránh thiên tai

03/06/2020 | 17:28 GMT+7

Theo dự báo, năm 2020 thiên tai sẽ diễn ra bất thường, không theo quy luật nên công tác phòng, chống gặp nhiều khó khăn. Để giảm thiểu thiệt hại thấp nhất cho người dân, Hậu Giang đã và đang thực hiện nhiều giải pháp để phòng, tránh.

Tuyến lộ nông thôn bị sụp lún ở huyện Châu Thành A rất nguy hiểm.

Đề phòng bão, áp thấp nhiệt đới

Theo Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, dự báo của Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam bộ, Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Hậu Giang, năm 2020 số lượng bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên Biển Đông có khả năng ở mức xấp xỉ trung bình nhiều năm (khoảng 11-13 cơn), trong đó khoảng 5-6 cơn ảnh hưởng đến nước ta. Cần đề phòng những cơn bão, áp thấp nhiệt đới hoạt động vào các tháng cuối mùa mưa vào tháng 10, 11, 12 ảnh hưởng đến khu vực Nam bộ. Đặc biệt chú ý tính bất quy luật của bão sẽ tăng cao vào những tháng giữa và cuối năm, có khoảng 2-3 cơn bão ảnh hưởng đến các tỉnh Nam bộ. Thời kỳ bắt đầu mùa mưa vào giữa tháng 6-2020. Thời kỳ kết thúc mùa mưa năm 2020 vào khoảng nửa đầu tháng 11-2020, tổng lượng mưa dao động từ 1.250mm đến 1.450mm. Khi xuất hiện mưa thường kèm theo giông lốc với cường độ lớn cục bộ, xảy ra ở nhiều nơi và các hiện tượng thời tiết nguy hiểm. Cần đề phòng giông lốc, sét đánh vào thời kỳ chuyển mùa, các tháng đầu mùa mưa.

Mực nước trên hệ thống kênh, rạch trong tỉnh cũng biến đổi theo triều và từ giữa tháng 8-2020 đến đầu tháng 11-2020, ảnh hưởng triều cường Biển Đông và lũ trên sông Hậu. Đỉnh lũ cao nhất năm xuất hiện vào đầu đến giữa tháng 10-2020, tại trạm Vị Thanh có khả năng từ 0,76-0,80m ở mức xấp xỉ năm 2019, tại thành phố Ngã Bảy 1,55-1,65m, có khả năng xấp xỉ và cao hơn năm 2019. Ngành chức năng đề nghị người dân cần đề phòng các đợt triều cường cuối năm trùng với thời gian gió mùa Đông Bắc hoạt động mạnh, mực nước triều có thể dâng cao bất thường và diễn biến phức tạp.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang Trương Cảnh Tuyên cho rằng: Thiên tai năm 2020 sẽ tiếp tục có những diễn biến phức tạp, khó lường. Để chủ động phòng,  phống, ứng phó kịp thời và có hiệu quả, giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, các sở, ban, ngành và UBND cấp huyện tiến hành tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2019. Trên cơ sở đó đảm bảo sát với thực tế và diễn biến của từng loại thiên tai. Xây dựng kế hoạch ngắn hạn, trung hạn và dài hạn tại địa phương, đơn vị mình về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn. Củng cố, kiện toàn tổ chức, bộ máy Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các cấp; trong đó cơ cấu những thành viên có điều kiện tham gia tốt nhất và phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên để tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương, thủ trưởng đơn vị trong công tác chỉ đạo, điều hành thực hiện nhiệm vụ phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn ở mỗi cấp, mỗi ngành, đảm bảo kịp thời chỉ đạo triển khai các biện pháp phòng, tránh, ứng phó hiệu quả trước, trong và sau khi thiên tai xảy ra, nhất là sạt lở, giông lốc, bão, áp thấp nhiệt đới xảy ra trên địa bàn.

Sạt lở đất gây ảnh hưởng rất lớn đến đời sống người dân trên địa bàn tỉnh.

Tập trung ứng phó

Theo Thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, đơn vị thường xuyên chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc và hướng dẫn các sở, ban, ngành và UBND cấp huyện thực hiện tốt kế hoạch, phương án chủ động phòng, chống, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai. Điều chỉnh, bổ sung hoàn chỉnh các phương án phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn sát hợp với tình hình thực tế của tỉnh. Hướng dẫn cấp sở, ngành, huyện triển khai, chỉ đạo, điều hành và thực hiện nhiệm vụ phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; khắc phục hậu quả sự cố thiên tai, tai nạn, thảm họa tại các địa phương. Kiểm tra, đôn đốc, xem xét đề xuất đầu tư, sửa chữa công trình, diễn tập, huấn luyện và cấp phương tiện, trang thiết bị phục vụ công tác phòng chống, ứng phó, khắc phục thiên tai của các địa phương, đơn vị. Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến kiến thức, kinh nghiệm thực tiễn, kỹ năng phòng, chống thiên tai, biến đổi khí hậu dưới nhiều hình thức cho cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, học sinh, sinh viên và người dân trong tỉnh, nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm hơn nữa trong việc chủ động tự phòng, tránh thiên tai được an toàn, hiệu quả.

Bên cạnh đó, yêu cầu Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, cấp huyện tổ chức trực ban nghiêm túc theo quy định công tác trực ban, họp giao ban phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trên địa bàn tỉnh để kịp thời nắm bắt thông tin hai chiều giúp cho lãnh đạo tỉnh, các ngành, các cấp và Nhân dân kịp thời ứng phó với thiên tai. Xây dựng kế hoạch chi tiết, đầy đủ, kịp thời để ứng phó có hiệu quả khi có tình huống bão đổ bộ vào tỉnh Hậu Giang. Đảm bảo tốt việc chằng chống nhà cửa, hầm trú ẩn tại chỗ và có phương án sơ tán dân tránh bão một cách an toàn trước khi bão đổ bộ vào. Đồng thời, kiểm tra và kiện toàn trang thiết bị phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, trang thiết bị thông tin liên lạc từ tỉnh xuống cơ sở và dự trù kinh phí phục vụ cho công tác chỉ đạo, kiểm tra khắc phục hậu quả thiên tai trong suốt mùa mưa, lũ, bão năm 2020.

Ông Trần Chí Hùng, Giám đốc Sở NN&PTNT, Phó Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hậu Giang, cho hay: Sẽ tăng cường, nâng cao hiệu quả hoạt động của các thành viên Ban chỉ huy của các ban, ngành tỉnh và các huyện, thị xã, thành phố để đảm bảo cho công tác sẵn sàng chỉ đạo, chỉ huy từ phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả và tái thiết được chủ động, nhanh chóng, chính xác, hiệu quả, nhất là các thành viên được phân công địa bàn, lĩnh vực phụ trách. Kiện toàn tổ chức bộ máy Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn cấp tỉnh và cấp huyện để đưa vào hoạt động trước mùa mưa bão năm 2020, đáp ứng yêu cầu của công tác phòng, chống thiên tai ngày càng diễn biến phức tạp, khó lường. Nâng cao năng lực, tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị cho lực lượng tham mưu chỉ đạo cho ban chỉ huy của các ban, ngành và các huyện, thị xã, thành phố, đảm bảo tính chuyên nghiệp, luôn luôn sẵn sàng ứng trực, kịp thời với các tình huống thiên tai có thể xảy ra để ứng phó với thiên tai một cách hiệu quả nhất. Bên cạnh đó, rà soát hệ thống truyền tin, thông tin liên lạc, ứng dụng khoa học công nghệ phục vụ công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức phòng, chống thiên tai, thông tin kịp thời tới các địa phương, tổ chức, người dân trong vùng thiên tai về diễn biến thiên tai, giải pháp ứng phó, nhất là thông tin tới người dân vùng sâu, vùng xa, vùng thường xuyên xảy ra thiên tai.

Ngoài ra, tăng cường công tác tập huấn, hội thảo về công tác phòng, chống thiên tai ở các cấp cơ sở cho lực lượng nòng cốt, khi xảy ra thiên tai thì lực lượng này là người trực tiếp cứu hộ, cứu nạn, khắc phục thiên tai giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản. Tiến hành giải phóng chà, nò, đăng đáy, vật cản trên sông…, tạo thông thoáng dòng chảy tiêu thoát lũ nhanh, đồng thời kiểm tra các bến đò dọc, đò ngang đảm bảo an toàn trong mùa mưa, lũ. Khuyến cáo người dân bồi trúc bờ bao bảo vệ sản xuất nông nghiệp, chỉ xuống giống lúa vụ 3 ở những nơi đạt tiêu chí 3 nông thôn mới về thủy lợi...

Ông Trần Thanh Toàn, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, cho biết: Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã chuyển sang mùa mưa thường xuyên xuất hiện các loại hình thiên tai như mưa, giông lốc, sét đánh. Để chủ động đối phó với các tình huống thiên tai xảy ra, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh đề nghị UBND huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các bộ phận chuyên môn kiểm tra, tổng hợp, theo dõi các điểm xung yếu về sạt lở trên các tuyến kênh, sông để cắm biển cảnh báo vùng, khu vực sạt lở nguy hiểm để người dân và phương tiện qua lại phòng tránh an toàn. Trong mùa mưa thiên tai thường xuất hiện bất thường, vì vậy khi có thiên tai xuất hiện như giông lốc, sét đánh thì người dân tìm nơi trú ẩn an toàn tránh xa vật mang kim loại, không trú ẩn ở những nơi có tàn cây lớn. Khuyến cáo các hộ dân chằng chống nhà cửa, cắt tỉa các cành cây xung quanh nhà để đảm bảo an toàn, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại.

Tổng thiệt hại do thiên tai gây ra trên địa bàn tỉnh từ đầu năm đến nay hơn 1,456 tỉ đồng. Trong đó, sạt lở tính đến thời điểm này xảy ra 19 điểm, tổng chiều dài 467m, diện tích mất đất 2.128m2; ước tổng thiệt hại 1,433 tỉ đồng. Chiều dài sạt lở so với cùng kỳ năm 2019 tăng 114m, diện tích mất đất giảm 68,5m2, thiệt hại tăng 501,1 triệu đồng. Giông lốc làm sập 2 căn nhà dân ở huyện Vị Thủy và huyện Châu Thành A; ước thiệt hại 23,3 triệu đồng.

 

Bài, ảnh: HOÀI THU

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>