Tích cực ứng phó thiên tai

15/07/2019 | 00:01 GMT+7

Dù ngành chức năng dự báo tình hình mưa, bão, lũ năm nay vẫn ở mức tương tương trung bình nhiều năm (TBNN), tuy nhiên các hiện tượng thiên tai lại diễn biến bất thường và khốc liệt hơn nên công tác chủ động thực hiện các giải pháp phòng, chống là cần thiết.

Nông dân Hậu Giang canh tác lúa Thu đông ở những vùng có đê bao khép kín.

Không chủ quan

Theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ và các nhà chuyên môn, mùa mưa chính vụ năm nay ở các tỉnh, thành Nam bộ sẽ xuất hiện từ tháng 7 và kết thúc vào đầu tháng 12, với lượng mưa tương đương TBNN, riêng trong tháng 9 lượng mưa có thể tăng từ 20-30% so với các tháng khác. Về tình hình bão, áp thấp nhiệt đới năm 2019 có khả năng ở mức xấp xỉ TBNN, trong đó có khoảng 4-5 cơn bão sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến nước ta, riêng các tỉnh, thành khu vực Nam bộ thì có khoảng 2-3 cơn bão ảnh hưởng trực tiếp. Đối với tình hình lũ trên sông Mekong ít có khả năng lên sớm do lượng mưa năm nay ít. Dự báo cuối tháng 7 này, mực nước trên sông ở Tân Châu, Châu Đốc có thể đạt mức 2,7m, sang tháng 8 lên 3,2m và đỉnh lũ năm nay sẽ xuất hiện vào cuối tháng 9 sang đầu tháng 10, với mức 3,5m, thấp hơn khoảng 40-50cm so với năm 2018. Riêng Hậu Giang, tỉnh sẽ chịu ảnh hưởng của lũ cuối vụ; trong đó đỉnh lũ sẽ xuất hiện ở Hậu Giang vào đầu và kéo dài đến giữa tháng 10, với mực nước đo tại trạm Vị Thanh có thể đạt 0,76-0,80m, còn ở trạm thị xã Ngã Bảy là 1,55-1,65m.

Ông Nguyễn Huy Khôi, Viện Quy hoạch Thủy lợi miền Nam, cho biết: Dù dự báo tình hình mưa, lũ, bão năm nay chỉ tương đương TBNN và thậm chí thấp hơn cùng kỳ năm 2018, tuy nhiên đây chỉ là dự báo nên các địa phương khu vực Nam bộ không nên chủ quan, lơ là mà cần chủ động đề ra các giải pháp phòng, chống. Bởi, trước tình hình biến đổi khí hậu đã làm cho thời tiết không còn theo quy luật mà luôn diễn biến bất thường, đặc biệt là tính bất quy luật của bão thường xuất hiện nhiều vào những tháng giữa và cuối năm tại các tỉnh của khu vực Nam bộ. Riêng đối với tỉnh Hậu Giang, tuy dự báo mức thủy triều năm nay trên địa bàn tương đương TBNN nhưng Hậu Giang cần đề phòng vì hiện toàn tỉnh còn nhiều diện tích đất sản xuất nông nghiệp chưa có hệ thống đê bao kiên cố, nhất là vùng gần sông Hậu vì nước thủy triều có thể dâng cao bất thường và diễn biến phức tạp.

Việc cơ quan chuyên môn khuyến cáo ngành chức năng và người dân Hậu Giang không được chủ quan, lơ là trong phòng, chống thiên tai là hoàn toàn có cơ sở, bởi do ảnh hưởng của cơn bão số 2 vừa qua, trên địa bàn tỉnh thường xuyên xuất hiện mưa dầm kèm theo gió lớn đã gây ngập úng, làm đổ ngã thiệt hại nhiều diện tích lúa Hè thu trong giai đoạn trổ chín, đồng thời làm tốc mái và sập không ít căn nhà của người dân. Theo thống kê nhanh của ngành chức năng tỉnh, ảnh hưởng của bão số 2 vừa qua, trên địa bàn tỉnh có 2 căn nhà dân bị sập hoàn toàn và một căn nhà bị tốc mái hoàn toàn, ước thiệt hại 30 triệu đồng. Về lúa Hè thu, có hơn 2.100ha bị đổ ngã từ 10-80%, tỷ lệ thiệt hại năng suất lúa từ 5-30%.

Thực hiện nhiều công việc ứng phó

Nhằm giảm thiểu thiệt hại trong sản xuất do ảnh hưởng của thiên tai nên ngay từ đầu mùa mưa, ngành chức năng có liên quan của tỉnh và người dân đã chủ động thực hiện nhiều công việc ứng phó. Ông Trần Thanh Toàn, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) tỉnh, cho biết: Hiện Ban Chỉ huy PCTT-TKCN từ tỉnh đến huyện, thị xã, thành phố của tỉnh đã thực hiện công tác kiện toàn, trong đó có phân công từng thành viên của Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh phụ trách cụ thể từng địa phương trong tỉnh để có sự theo dõi, đôn đốc thực hiện các công việc có liên quan. Bên cạnh đó, Ban Chỉ huy PCTT-TKCN từ tỉnh đến cấp huyện trong tỉnh còn xây dựng xong kế hoạch, phương án ứng phó thiên tai phù hợp với từng đơn vị. Đồng thời, thực hiện nhiều cuộc tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng của tỉnh về tác hại, giải pháp ứng phó khi có thiên tai xảy ra cho người dân biết. Đặc biệt là công tác vận động người dân thường xuyên phát quang xung quanh nhà để không bị tàng cây lớn đổ ngã vào nhà.

Người dân Hậu Giang đang chủ động gia cố nhiều tuyến đê bao, cống đập để bảo vệ vườn cây ăn trái, lúa trước mùa mưa, lũ.

Ngoài công việc trên, các địa phương trong tỉnh đã và đang phối hợp với Ban An toàn giao thông tỉnh tiến hành giải phóng chà, nò, vật cản trên sông… nhằm tạo sự thông thoáng dòng chảy để việc tiêu, thoát nước khi có lũ được nhanh. Bên cạnh đó, ngành chức năng còn kiểm tra, nhắc nhở các bến đò ngang, đò dọc về việc đảm bảo an toàn trong đưa rước khách vào mùa mưa lũ. Bên cạnh đó, ngành thủy lợi tỉnh đang phối hợp với các địa phương tiến hành kiểm tra, rà soát lại hệ thống đê bao, cống đập, các trạm bơm điện, dầu để có kế hoạch nâng cấp, sửa chữa, cũng như vận động người dân chủ động bồi trúc đê bao tại vườn cây ăn trái, lúa, mía, vùng nuôi trồng thủy sản để đảm bảo hoạt động tốt khi có mưa bão xảy ra.

Ông Lê Văn Đời, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh, thông tin: Kế hoạch mà ngành nông nghiệp tỉnh đề ra trong vụ lúa Thu đông sắp tới là toàn tỉnh sẽ xuống giống khoảng 37.000ha, phấn đấu đạt 39.000ha. Những vùng khuyến cáo nông dân canh tác lúa Thu đông là những khu vực có đê bao khép kín triệt để và có trạm bơm nhằm hạn chế thiệt hại cho người dân khi có mưa bão. Ngoài ra, đơn vị sẽ chỉ đạo các cơ quan chuyên môn của ngành thường xuyên theo dõi, cập nhật thông tin dự báo thời tiết để kịp thời đưa ra giải pháp và thông báo cho người dân biết nhằm chủ động ứng phó, bảo vệ mùa màng hiệu quả…

Ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt - Bộ NN&PTNT, cho rằng: Bộ NN&PTNT khuyến cáo các địa phương vùng ĐBSCL cần tăng diện tích lúa Thu đông nhằm đảm bảo vấn đề an ninh lương thực cho vùng nói riêng và cả nước nói chung, cũng như để bù đắp lại sản lượng cho vụ lúa Đông xuân 2018-2019 và vụ lúa Hè thu 2019 do đạt năng suất thấp. Thế nhưng, không vì áp lực trên mà các địa phương đề ra diện tích xuống giống quá khả năng của mình và nên tự cân đối như thế nào cho phù hợp, trong đó tuyệt đối không xuống giống lúa Thu đông tại những nơi chưa đạt tiêu chí số 3 về thủy lợi trong xây dựng nông thôn mới.

Bài, ảnh: HỮU PHƯỚC

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>