Triển khai nhiều giải pháp phòng, chống mặn

08/03/2018 | 08:42 GMT+7

Trao đổi với phóng viên Báo Hậu Giang về dự báo tình hình xâm nhập mặn trong mùa khô 2018 của các cơ quan khí tượng thủy văn, cũng như xác định những vùng có nguy cơ ảnh hưởng hạn, mặn, thiếu nước sinh hoạt; đồng thời đưa ra những giải pháp chủ động phòng, chống xâm nhập mặn trên địa bàn tỉnh, ông Trần Thanh Toàn, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi, Chánh Văn phòng Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) tỉnh, cho biết:

Ông Trần Thanh Toàn (bìa phải), Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh, kiểm tra độ mặn thực tế tại cầu Kênh Năm, xã Hỏa Tiến, thành phố Vị Thanh.

- Theo dự báo của cơ quan khí tượng thủy văn, hiện tượng ENSO đang duy trì lệch về trạng thái lạnh nên mùa mưa ở khu vực Nam bộ kết thúc muộn, mưa trái mùa xảy ra nhiều trong mùa khô với lượng mưa dự báo cao hơn trung bình nhiều năm (TBNN); lượng nước thượng nguồn sông Mekong về qua sông Tiền, sông Hậu ở mức cao nên khả năng xâm nhập mặn mùa khô năm nay ở mức TBNN. Riêng tại Hậu Giang, cũng xuất hiện mưa trái mùa và gần nhất là ngày mùng 3 tết. Dự báo, tình hình nước mặn sẽ xâm nhập vào địa bàn tỉnh bắt đầu từ tháng 2-2018 và cao điểm từ tháng 3 đến tháng 5-2018.

Năm nay tình hình hạn hán, xâm nhập mặn sẽ ảnh hưởng vào địa bàn tỉnh như thế nào, thưa ông ?

- Nhiều khả năng nước mặn sẽ xâm nhập muộn ở huyện Long Mỹ, một phần huyện Vị Thủy, Phụng Hiệp, thị xã Long Mỹ và thành phố Vị Thanh từ biển Tây theo ngã ba sông Cái Lớn và từ Biển Đông qua ngã ba sông Ngan Dừa, sông Nước Trong. Ngoài ra, trên sông Hậu, nước mặn có thể vượt qua kênh Cái Côn, Mái Dầm và từ Đại Hải của tỉnh Sóc Trăng qua các trục kênh cấp 2 uy hiếp huyện Châu Thành, một phần huyện Phụng Hiệp và thị xã Ngã Bảy.

Bên cạnh đó, qua rà soát thì dự kiến toàn tỉnh có khoảng 28.000-34.000ha lúa Đông xuân 2017-2018 và Hè thu 2018 ở huyện Châu Thành, Châu Thành A, một phần huyện Phụng Hiệp, Vị Thủy và thị xã Ngã Bảy bị ảnh hưởng hạn hán; khoảng 12.000-16.000ha lúa Đông xuân và Hè thu ở huyện Long Mỹ, một phần huyện Vị Thủy, Phụng Hiệp, thị xã Long Mỹ và thành phố Vị Thanh bị ảnh hưởng xâm nhập mặn. Vùng thiếu nước ngọt cho người dân chủ yếu ở huyện Long Mỹ, Vị Thủy, Phụng Hiệp, thị xã Long Mỹ và thành phố Vị Thanh.

Xin ông thông tin cụ thể về diễn biến nồng độ mặn đo được trong những ngày gần đây trên địa bàn tỉnh ?

- Từ đầu năm 2018 đến nay, cán bộ chuyên môn ở các địa phương thường xuyên kiểm tra nồng độ mặn ở những điểm chính và báo cáo kết quả về Văn phòng Ban chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh để theo dõi. Qua kiểm tra, độ mặn cao nhất là 2,7‰ xuất hiện vào ngày 1-3 tại cống Ba Cô, xã Lương Nghĩa, huyện Long Mỹ, nhưng đến ngày 5-3 thì độ mặn tại đây đã giảm xuống còn 0,8‰, các điểm còn lại trên địa bàn huyện Long Mỹ cũng chỉ dao động từ 0,1-0,5‰. Còn trên địa bàn thành phố Vị Thanh, độ mặn cao nhất tính từ đầu năm đến nay là 0,7‰, hiện tại dao động từ 0,3-0,4‰.

Mùa khô năm 2018 này, Hậu Giang sẽ thực hiện những công trình phòng, chống hạn và xâm nhập mặn như thế nào, thưa ông ?

- Nhằm đảm bảo thực hiện công tác phòng, chống hạn, xâm nhập mặn có hiệu quả về mặt công trình, năm 2018 này, Hậu Giang sẽ tập trung làm nhiều công trình cấp bách như: đắp đập thời vụ 109 cái; nâng cấp, sửa chữa 7 cống ngăn mặn; nạo vét kênh cấp 2, cấp 3 ở vùng bị hạn và xâm nhập mặn là 15 công trình.

Để công tác phòng, chống hạn và xâm nhập mặn đạt hiệu quả, hiện Ban chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh đã đề ra các giải pháp như thế nào, thưa ông ?

- Hiện Văn phòng Ban chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh thường xuyên phối hợp với Đài khí tượng thủy văn khu vực và tỉnh để nắm bắt tình hình và xây dựng kế hoạch dự báo, cảnh báo về tình hình xâm nhập mặn, xây dựng các trạm đo mặn, đo mực nước tại các cửa sông chính nhằm kiểm soát mặn từ Biển Đông và Biển Tây vào địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, có kế hoạch phối hợp với các dịch vụ viễn thông nhắn tin độ mặn qua điện thoại di động cho các thành viên Ban chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh, huyện, thị xã, thành phố và chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn trên địa bàn bị ảnh hưởng mặn. Đồng thời, phối hợp với các địa phương tổ chức rà soát số hộ bị thiếu nước ngọt sinh hoạt, nhất là hộ nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách, đồng bào dân tộc thiểu số để kịp thời thực hiện giải pháp hỗ trợ. Ngoài ra, Văn phòng Ban chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh đề nghị các địa phương cần chủ động thực hiện các giải pháp trong phòng, chống hạn hán và xâm nhập mặn theo kế hoạch. Trong đó đẩy mạnh việc kiểm tra, rà soát hệ thống đê bao, cống, đập ngăn mặn để khi có mặn ở mức 1,5‰ thì tiến hành đóng tất cả các dòng kênh vào nội đồng. Trước khi mặn về với nồng độ cao thì chính quyền địa phương cần tuyên truyền, vận động người dân dùng mọi biện pháp, dụng cụ tích trữ nước ngọt nhằm đảm bảo đủ nước sinh hoạt và phục vụ sản xuất trong mùa hạn, mặn. Đồng thời, xác định rõ các vùng có khả năng bị xâm nhập mặn để đề xuất kế hoạch nạo vét các tuyến kênh tạo nguồn tưới, trữ ngọt nhằm phục vụ tốt cho vụ lúa Đông xuân và Hè thu trên địa bàn…

Xin cảm ơn ông !

HỮU PHƯỚC thực hiện

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>