Ủ rơm rạ thành phân hữu cơ: Tiết kiệm chi phí, giữ sạch môi trường

18/06/2018 | 08:13 GMT+7

Là tỉnh sản xuất nông nghiệp nên lượng rơm rạ sau mỗi vụ thu hoạch lúa rất lớn. Thế nhưng, phần lớn người dân đều đốt bỏ ngay trên cánh đồng gây lãng phí và ô nhiễm môi trường.

Trong vụ tới, gia đình ông Lê Văn Các sẽ tiếp tục sử dụng rơm rạ để ủ phân hữu cơ để bón cho vườn cây của gia đình.

Theo số liệu thống kê, với khoảng 70% dân số làm nông nghiệp và lúa là cây trồng chính, do vậy lượng rơm rạ sau thu hoạch rất lớn. Lượng rơm rạ dư thừa được nông dân xử lý bằng biện pháp đốt ngay trên đồng đã làm ô nhiễm môi trường sống và hệ sinh thái đồng ruộng, đặc biệt ở các vùng nông thôn. Thế nhưng, người dân lại không biết rơm rạ bị đốt cháy vừa lãng phí, vừa ảnh hưởng xấu đến môi trường.

Thấy được những tác hại trên, nhằm giúp nông dân nâng cao hiệu quả sản xuất, đảm bảo sản phẩm an toàn và phát triển bền vững, Trung tâm Khuyến nông Hậu Giang đã tiến hành tổ chức thử nghiệm mô hình “sử dụng phế phẩm nông nghiệp ủ phân hữu cơ bón cho cây ăn trái” trên địa bàn huyện Phụng Hiệp. Theo đó, mô hình sẽ tiến hành xử lý rơm, rạ dư thừa sau thu hoạch bằng chế phẩm sinh học thành phân bón hữu cơ phục vụ sản xuất nông nghiệp tại một số xã trên địa bàn huyện Phụng Hiệp.

Là một trong những hộ được chuyển giao mô hình ủ phân hữu cơ vi sinh sử dụng chế phẩm sinh học Biofert UPC của Trung tâm Khuyến nông Hậu Giang, ông Lê Văn Các, ở ấp Phương Quới B, xã Phương Bình, huyện Phụng Hiệp, đã sử dụng để bón cho vườn cây ăn trái của gia đình. Ông Các chia sẻ: “Từ nhiều năm nay, việc chăm sóc vườn của gia đình tôi cũng sử dụng các loại phân hóa học nên tốn rất nhiều chi phí. Thế nhưng, trong năm 2017 vừa qua, được cán bộ khuyến nông của địa phương phổ biến kỹ thuật, hỗ trợ chi phí, gia đình tôi đã thử nghiệm trên 400 cây dừa. Do không có trồng lúa nên gia đình đã tiến hành xin rơm của các hộ khác để ủ phân hữu cơ bón cho cây dừa. Qua tính toán thì với việc sử dụng phân hữu cơ này sẽ tiết kiệm được 20-30% chi phí trong sản xuất. Hiện nay, cây dừa đang phát triển tốt và đang cho trái chiếng”.

Với gần 2ha vườn, năm nay gia đình ông Các sẽ tiếp tục tận dụng rơm rạ để ủ phân bón cho toàn bộ diện tích của gia đình vừa tiết kiệm chi phí, vừa bảo đảm chất lượng cây trồng. Hơn nữa, từ khi thực hiện mô hình này cho đến nay, tình trạng đốt rơm rạ bừa bãi không còn, từ đó góp phần làm giảm thiểu ô nhiễm.

Mặc dù, không nằm trong mô hình được hỗ trợ như những hộ dân khác, thế nhưng nhiều năm nay, gia đình ông Phạm Văn Thành, ở ấp 5, xã Hòa An, huyện Phụng Hiệp, đã không còn đốt rơm rạ ngoài đồng sau mỗi vụ thu hoạch lúa. Ông Thành bộc bạch: “Xuất phát từ việc người dân đốt rơm rạ quá mức nên sau khi được hướng dẫn về cách tận dụng rơm rạ để làm phân hữu cơ bón cho cây nên tôi đã áp dụng trên diện tích của gia đình. Thật sự với cách xử lý này, mặc dù tốn thời gian, thế nhưng không chỉ giảm được lượng phân hóa học sử dụng, tăng năng suất, chất lượng cây trồng mà còn giảm thiểu tác nhân gây ô nhiễm môi trường ở khu vực nông thôn.

Ông Trần Trung Tính, Trưởng trạm Khuyến nông huyện Phụng Hiệp, cho biết: Việc nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ sinh học vào xử lý các phế thải từ nông nghiệp được coi là hướng đi đúng, góp phần đảm bảo nền sản xuất nông nghiệp bền vững, an toàn sản phẩm và hạn chế ảnh hưởng xấu đến môi trường. Phân bón hữu cơ được tạo ra từ rơm rạ đã giảm thiểu được lượng phân hóa học, từ đó giúp đất tơi xốp, cây phát triển tốt hơn. Do vậy, trong thời gian tới, địa phương sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền đến nông dân để giúp bà con hiểu rõ hơn về tác dụng của việc dùng chế phẩm sinh học vào xử lý rơm rạ sau thu hoạch, góp phần nâng cao năng suất cây trồng, tăng thu nhập cho nông dân và bảo vệ được môi trường sống xung quanh.

Bài, ảnh: THANH THÚY

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>