Ứng phó với bão số 16: An toàn về tính mạng, tài sản của người dân là ưu tiên số 1

24/12/2017 | 21:03 GMT+7

Đó là ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị trực tuyến ứng phó với bão số 16 (tên quốc tế là Tembin) do Chính phủ tổ chức vào chiều tối ngày 24-12.

Ông Lữ Văn Hùng (đứng), Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND tỉnh, yêu cầu các địa phương tích cực ứng phó với bão số 16.

Cơn bão mạnh chưa từng có

Theo ông Nguyễn Xuân Cường, Bộ Trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, thì cơn bão số 16 là cơn bão “đặc biệt”, vì nó rơi vào thời điểm trái mùa và có cường độ mạnh nhất từng xuất hiện ở Nam bộ. Khi quét qua Philippines đã khiến hàng trăm người chết và mất tích, cho thấy bão số 16 có sức tàn phá rất lớn.

Việc bão số 16 có cường độ mạnh xuất hiện ở Nam bộ vào thời điểm này sẽ gây ra ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất và đời sống của người dân, bởi hiện nay đang là vụ đánh bắt cá nhộn nhịp trên biển và vùng Nam bộ vẫn còn khoảng 2.000ha diện tích lúa đang trong quá trình thu hoạch. Mặt khác, với sức gió giật từ cấp 10 trở lên kết hợp với triều cường dâng cao có thể gây ra sóng biển cao 8-10m, uy hiếp trực tiếp cho hệ thống đê của các tỉnh ven biển, nhất là tại 23 khu vực có nguy cơ sạt lở cao.

“Qua đánh giá của cơ quan chuyên môn thì mức độ rủi ro do bão số 16 gây ra có thể ở cấp 5 – cấp thảm họa. Cho nên, lãnh đạo các địa phương cần quan tâm đặc biệt đến công tác ứng phó cơn bão này”, ông Cường cho biết.

Còn theo lãnh đạo Trung tâm Khí tượng thủy văn Trung ương, điều đáng lo là vùng ĐBSCL ít khi có bão nên kinh nghiệm, sự chủ động ứng phó của chính quyền và nhân dân các địa phương còn hạn chế. Vì thế, các địa phương cần theo dõi sát sao diễn biến của bão số 16 và tuyên truyền, vận động người dân có biện pháp ứng phó hiệu quả, giảm thiểu tối đa thiệt hại về người và tài sản.

Không lơ là, chủ quan

Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh, đây là cơn bão có cường độ rất mạnh, lại đổ bộ vào Nam bộ vốn có rất ít kinh nghiệm ứng phó với bão, nên có thể gây ra thiệt hại khó lường nếu các địa phương và người dân chủ quan, lơ là trong ứng phó. Do đó, trước hết, các địa phương có khả năng bị ảnh hưởng của bão phải thực hiện nghiêm công điện của Thủ tưởng Chính phủ. Trong đó, phải đảm bảo an toàn trên biển, rà soát và hướng dẫn tàu thuyền neo đậu ở nơi an toàn, đảm bảo triệt để việc sơ tán người dân ở những khu vực nguy hiểm do bão gây ra.

“Các địa phương cần phải ứng phó linh hoạt với mọi tình huống có thể xảy ra; nắm chắc thông tin về diễn biến của bão ở địa phương mình để yêu cầu lực lượng cứu hộ, cứu nạn hỗ trợ kịp thời. Tuyên truyền, vận động để người dân cùng vào cuộc ứng phó với bão số 16”, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng nói.

Trước mức độ nguy hiểm của bão số 16, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đề nghị lãnh đạo các địa phương phải tập trung quyết liệt công tác ứng phó với cơn bão này. Thủ tướng yêu cầu Đài Khí tượng thủy văn Trung ương, Bộ Tài nguyên và Môi trường theo dõi sát sao diễn biến của bão để cung cấp các thông tin chính xác, kịp thời giúp địa phương chủ động các biện pháp ứng phó. Thực hiện tốt việc bảo vệ lúa, thủy sản để tránh ảnh hưởng quá lớn về kinh tế. Các địa phương dừng các cuộc họp không cần thiết để ứng phó với bão.

Dẫn lại thảm họa do bão Linda gây ra cho các tỉnh ven biển Nam bộ vào năm 1997 khiến hàng ngàn người chết, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các địa phương không được chủ quan, lơ là trong công tác ứng phó với bão số 16. Trước mắt, cần tập trung quyết liệt việc di dời dân đến khu vực an toàn. Tàu, thuyền khi vào neo đậu thì yêu cầu người dân phải lên bờ. Các cơ quan báo, đài tích cực tuyên truyền về diễn biến của bão để người dân theo dõi, ứng phó.

Đánh giá cao công tác chuẩn bị của các địa phương, nhưng Thủ tướng Chính phủ cho rằng, vẫn còn tình trạng chính quyền ở một vài nơi và người dân có tư tưởng chủ quan trước diễn biến của bão số 16. “Nên điều cần thiết là các địa phương phải tích cực tuyên truyền để người dân hiểu rõ mức độ nguy hiểm của cơn bão này và có ý thức bảo vệ tính mạng, tài sản của mình. Sau bão, lực lượng công an, quân đội cần giúp dân khắc phục kịp thời hậu quả do bão gây ra”, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo.

Hậu Giang nỗ lực ứng phó với bão

Được dự báo sẽ chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão số 16 nên tỉnh Hậu Giang đang triển khai quyết liệt các biện pháp ứng phó. Ông Nguyễn Văn Đồng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, thông tin, theo dự báo thì tâm bão sẽ đi vào tỉnh Cà Mau với sức gió mạnh nhất giật cấp 13, phạm vi ảnh hưởng khoảng 100km. Như vậy, nhiều huyện, thị, thành của tỉnh Hậu Giang sẽ bị ảnh hưởng với sức gió có thể giật cấp 10, gây ra hậu quả khôn lường. Về thời gian, bão sẽ đi vào đất liền khoảng 1 giờ sáng ngày 26-12, đến khoảng 2-3 giờ sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến tỉnh Hậu Giang.

Quang cảnh điểm cầu Hậu Giang dự Hội nghị trực tuyến ứng phó với bão số 16 do Chính phủ tổ chức.

Với dự báo này thì chỉ còn ít thời gian nữa bão sẽ đổ bộ vào đất liền nên cả hệ thống chính trị của tỉnh đang khẩn trương thực hiện các biện pháp ứng phó. Trong đó, tập trung di dời các hộ nghèo, cận nghèo ở các địa phương đến nơi an toàn, vì đa phần nhà cửa của họ còn tạm bợ khó chống chọi nỗi với mưa to gió lớn. Theo số liệu từ Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, toàn tỉnh có khoảng hơn 15.000 hộ cần được di dời, với 57.000 khẩu.

Để tập trung cao nhất cho công tác ứng phó với bão số 16, tỉnh cũng đã thành lập các bộ phận chỉ đạo đặt tại huyện Châu Thành, huyện Châu Thành A, huyện Phụng Hiệp, huyện Long Mỹ, huyện Vị Thủy, thành phố Vị Thanh, thị xã Ngã Bảy để chỉ đạo, hỗ trợ cho các địa phương trong công tác ứng phó với bão. Bên cạnh đó, các cơ quan báo, đài của tỉnh sẽ liên tục phản ánh diễn biễn của bão số 16 để cung cấp kịp thời các thông tin cần thiết cho người dân.

Để chủ động ứng phó với bão số 16, ông Lữ Văn Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND tỉnh, yêu cầu Sở Giao thông vận tải và Công an tỉnh lưu ý các bến đò ngang trên địa bàn tỉnh nên tạm dừng hoạt động từ trưa ngày 25-12 đến khi hết bão. Đối với việc di dời 15.000 hộ dân phải thực hiện hoàn thành trước 17 giờ ngày 25-12. Các cơ quan, địa phương, đơn vị ngừng hết các cuộc họp để tập trung lo ứng phó với bão.

“Cả hệ thống chính trị của tỉnh phải dồn sức ứng phó với bão nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại về tính mạng và tài sản của nhân dân khi bão vào đất liền”, ông Lữ Văn Hùng chỉ đạo.

TRƯỜNG SƠN ghi nhận

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>