Vụ ô nhiễm nguồn nước ở Long Mỹ: Tiếp tục truy tìm nguyên nhân

07/05/2019 | 07:57 GMT+7

Trước bức xúc của người dân xung quanh sự cố ô nhiễm môi trường trên các sông thuộc hai địa bàn huyện Long Mỹ và thị xã Long Mỹ, đặc biệt là sông Cái Lớn, mới đây UBND tỉnh cùng các ngành có liên quan đã tiến hành khảo sát thực tế.

Ông Lê Tiến Châu (đội nón, đứng giữa), Chủ tịch UBND tỉnh, khảo sát thực tế tại Nhà máy đường cồn Long Mỹ Phát.

Nước sông bớt ô nhiễm

Qua khảo sát thực tế vào ngày 6-5, tình hình nước sông đã ổn định trở lại. Tuy nhiên, theo chân đoàn khảo sát đến tận Nhà máy đường cồn Long Mỹ Phát, hình ảnh trước mắt chúng tôi là khu vực cống xả thải ra sông Cái Lớn, nguồn nước khu vực này vẫn còn khá đen và bốc mùi. Đi dọc vào bên trong, chúng tôi thấy ngôi nhà được che chắn bởi một lớp màng to bao trùm cả ngôi nhà. Đó là nhà của chị Nguyễn Thị Thúy, cạnh nhà máy, ở khu vực 5, phường Thuận An, thị xã Long Mỹ. Chị Thúy chia sẻ: “Che chắn màng để bớt bụi và mùi hôi. Chứ bình thường nhà máy hoạt động là bụi và hôi lắm”.

Tiếp tục theo lối mòn vào tận Nhà máy đường cồn Long Mỹ Phát thì khu vực xử lý nước thải cũng đã khá cũ kỹ. Khu vực nước thải qua hệ thống xử lý cũng khá sậm màu. Tuy nhiên, theo giải thích của lãnh đạo nhà máy thì nguồn nước này sẽ được tái sử dụng lại mà không thải ra môi trường. Ông Nguyễn Văn Chính, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Mía đường cồn Long Mỹ Phát, khẳng định: “Qua quan sát hôm sự cố môi trường ngày 2-5 vừa qua, bản thân tôi cũng rất bức xúc. Vì không phải nhà máy làm tốt hoàn toàn vì trong thời gian sản xuất cũng có xảy ra những vi phạm. Đơn cử như trong quá trình sản xuất có xảy ra tình trạng sơ sót làm đường trào ra ảnh hưởng đến môi trường. Hơn nữa, hệ thống xử lý nước thải cũng còn nhiều yếu kém. Thế nhưng, không thể nào mà để một lượng lớn nước thải ra môi trường như thế. Bởi nhà máy đã hoạt động từ tháng 9-2018 đến nay, nếu xảy ra sự cố thì đã là từ tháng 9 chứ không chờ đến tháng 5 này. Do đó, có thể có một nguồn thải lớn khác đang thải ra môi trường. Vì thế, chúng tôi rất cần lãnh đạo tỉnh cùng các ngành chức năng sớm tìm ra nguyên nhân cụ thể”.

Ông Lê Văn Khởi, Chủ tịch UBND huyện Long Mỹ, cho biết: Sự việc xảy ra từ hôm 24-3 đã ảnh hưởng trực tiếp đến 4 xã trên địa bàn huyện với 6 hộ bị ảnh hưởng. Trong khi đó, các hộ dân này chỉ có thu nhập chính từ việc nuôi cá. Do đó, nếu không quy trách nhiệm thì thiệt hại của các hộ dân rất lớn.

Đồng quan điểm, ông Lê Văn Tông, Bí thư Thị ủy Long Mỹ, cho rằng: Trên tuyến sông Cái này có rất nhiều tác nhân gây ô nhiễm, nhưng phải xác định tác nhân chính gây ảnh hưởng. Bởi đây không phải lần đầu các tuyến sông trên địa bàn thị xã bị ô nhiễm mà sự việc này đã kéo dài từ nhiều năm nay. Đặc biệt sự cố ngày 2-5 vừa qua thật sự rất nghiêm trọng. Vì thế, rất mong các ngành chức năng đưa ra biện pháp xử lý.

Ô nhiễm đã rõ ràng

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh, sau khi có phản ánh, ngày 24-3, ngành cũng đã phối hợp cùng các ngành chức năng có liên quan tiến hành khảo sát thực tế, nguồn thải chủ yếu xuất phát từ sông Cái Lớn, sau đó di chuyển dần xuống các xã lân cận. Đến ngày 2-5, đã lên thị xã Long Mỹ ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân. Trên cơ sở đó, ngành rà soát tất cả các nguồn gây ô nhiễm. Qua thống kê, các nguồn thải công nghiệp có khả năng gây ô nhiễm như: chợ, xưởng sản xuất nấm rơm, lò giết mổ, Nhà máy đường cồn Long Mỹ Phát… Bà Lê Thị Kim Diệu, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh, cho biết: Chất lượng nguồn nước ô nhiễm rõ ràng rồi. Do đó, phải có bước tiếp theo để xác định cụ thể, phân lập lại các nguồn thải. Hiện nay, công trình bảo vệ môi trường của Công ty TNHH mía đường cồn Long Mỹ Phát còn rất nhiều hạn chế. Hơn nữa, Báo cáo đánh giá tác động môi trường (DTM) của doanh nghiệp thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt, do đó trong thời gian tới, ngành sẽ phối hợp với Bộ mới có thể giải quyết dứt điểm.

Ảnh chụp khu vực Nhà máy đường cồn Long Mỹ Phát từ trên cao với những vệt nước màu đen bao quanh sau cơn mưa vào chiều ngày 3-5.

Phát biểu tại buổi khảo sát, ông Lê Tiến Châu, Chủ tịch UBND tỉnh, khẳng định: Hậu Giang đang trong thời gian thu hút đầu tư nên luôn tạo mọi điều kiện cho các doanh nghiệp, tuy nhiên hoạt động cũng phải tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật. Do đó, sau sự cố môi trường lần này, tỉnh đã chỉ đạo vào cuộc thực hiện các biện pháp nghiệp vụ. Do có nhiều tác nhân gây ô nhiễm, mà Nhà máy đường cồn Long Mỹ Phát là một trong những đối tượng bị nghi vấn, do đó trước mắt trong khi chờ kết quả cuối cùng, tỉnh đề nghị công ty phải dừng hoạt động. Về 2.500 tấn mía của người dân đang tập kết tại đây, tỉnh ghi nhận và sẽ có hướng chỉ đạo trong thời gian tới.

Ông Lê Tiến Châu, Chủ tịch UBND tỉnh, cho rằng: Nguồn nước sinh hoạt bước đầu được đảm bảo, nhưng vấn đề còn lại là cần phải tìm ra nguyên nhân gây ô nhiễm đến nơi đến chốn, khắc phục hậu quả không chỉ trước mắt mà còn lâu dài. Do đó, đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường, Công an tỉnh tiếp tục tìm ra nguyên nhân; thống kê cho được thiệt hại của người dân. UBND huyện, thị xã Long Mỹ nắm lại toàn bộ các nguồn có khả năng gây ô nhiễm môi trường, chậm nhất trong tuần này phải có kết quả. Đồng thời, vận động người dân sinh sống dọc hai tuyến sông không vứt rác xuống sông để hạn chế ô nhiễm môi trường.

Qua phân tích nhanh các thông số tại một số vị trí nước mặt ngày 2-5-2019 trên sông Cái Lớn đoạn qua thị xã Long Mỹ cho kết quả như: Thông số TSS: kết quả vượt quy chuẩn quy định từ 1,9-2,6 lần; thông số COD: kết quả vượt quy chuẩn quy định từ 2,3-4,4 lần; thông số P-PO43-: kết quả vượt quy chuẩn quy định từ 1,6-3,5 lần; hàm lượng oxy hòa tan trong nước rất thấp, dao động từ 0-0,7 mg/l, trong khi quy chuẩn quy định 5 mg/l (kết quả được so sánh với giá trị Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước mặt QCVN 08-MT:2015/BTNMT cột A2).

 

Bài, ảnh: THANH THÚY

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>