Hướng tới điểm đến an toàn, thân thiện

01/03/2016 | 14:14 GMT+7

Dẫn đầu cả nước về thu hút du khách nhưng đến nay hoạt động du lịch tại TP Hồ Chí Minh vẫn chưa phát huy hết tiềm năng, thành phố đang hướng tới là điểm đến an toàn, thân thiện, văn minh.

Cạnh tranh kém

Du khách khi đến tham quan, du lịch tại TP Hồ Chí Minh từ trước đến nay vẫn chỉ loanh quanh ở những khu vực quen thuộc như: Nhà thờ Đức Bà, Dinh Thống Nhất, địa đạo Củ Chi... Nếu du khách muốn đi mua sắm, giải trí trong thành phố, cũng chỉ loanh quanh ở các con đường, trung tâm mua sắm như: Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Đồng Khởi, Nguyễn Huệ, Lê Thánh Tôn... Các sản phẩm du lịch mới được đầu tư khai thác như du lịch đường sông nội đô dọc kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè cũng chưa khiến du khách mặn mà, vì quá đơn điệu, ít điểm đến văn hóa - lịch sử, công tác triển khai chưa bài bản…

Du lịch TP Hồ Chí Minh đang hướng đến điểm đến thân thiện, an toàn, văn minh với du khách (ảnh chụp du khách đang đi tham quan khu vực Nhà hát thành phố).

Ông Lê Đình Tú, Giám đốc Công ty TNHH du lịch Minh Tú chia sẻ: “TP Hồ Chí Minh nói riêng và Việt Nam nói chung, đang bị vướng vào tình trạng khách du lịch tới rồi “một đi không trở lại”. Nguyên nhân là do môi trường du lịch của TP Hồ Chí Minh vẫn chưa tạo được ấn tượng tốt cho du khách, tình trạng mất an toàn, du khách bị cướp giật đồ giữa đường vẫn xảy ra, tình trạng chèo kéo khách mua hàng vẫn tồn tại ở các điểm tham quan du lịch, các điểm đến du lịch văn hóa - lịch sử của thành phố chưa được kết nối và còn quá đơn điệu”.

Ông Lê Văn Khoa, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh: Để phát triển và đưa du lịch trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn của thành phố, ngành du lịch thành phố cần tập trung nghiên cứu và triển khai các giải pháp đột phá và đồng bộ. Trong đó, cần thúc đẩy tăng trưởng du lịch theo hướng bền vững, tạo chuyển biến mạnh về chất lượng dịch vụ, sản phẩm du lịch. Bên cạnh đó, cũng cần có những quy hoạch để định hướng phát triển cụ thể, thiết thực, chú trọng xây dựng môi trường du lịch an toàn cho du khách khi đến thành phố.

Theo thống kê của ngành du lịch, lượng khách quốc tế đến TP Hồ Chí Minh trong năm 2015 ước đạt khoảng 4,7 triệu lượt, tăng 7% so với cùng kỳ, đạt 100% kế hoạch năm. Tổng doanh thu ngành du lịch bao gồm lữ hành, khách sạn, nhà hàng trên địa bàn, đạt khoảng 94.600 tỉ đồng, tăng 10% so với năm 2014. Hiện nay, TP Hồ Chí Minh vẫn là địa phương dẫn đầu cả nước về thu hút khách quốc tế, chiếm đến hơn 50% lượng khách nước ngoài đến Việt Nam. Nhưng nếu so với những năm trước, lượng khách quốc tế đến thành phố lại đang có dấu hiệu giảm dần.

Ông Nguyễn Hữu Thọ, Chủ tịch Hiệp hội du lịch TP Hồ Chí Minh nhìn nhận, các năm trước, lượng khách quốc tế đến TP Hồ Chí Minh thường chiếm hơn 60 -70% tổng lượng khách của cả nước, nhưng hiện nay tỷ lệ này đang giảm, chỉ còn khoảng 50%. Nguyên nhân chủ yếu nhất vẫn do thành phố đang chịu nhiều sức cạnh tranh mạnh mẽ từ các tỉnh, thành trong cả nước nói riêng và khu vực nói chung.

"Khó khăn của du lịch TP Hồ Chí Minh đang là cơ hội cho nhiều điểm đến ở những địa phương khác. Thành phố đang thiếu những sản phẩm hấp dẫn du khách, buộc các hãng lữ hành phải tìm kiếm, hướng du khách tham quan đến những địa điểm ngoài thành phố để thay thế. Lâu nay, lợi thế lớn nhất của du lịch TP Hồ Chí Minh là vai trò trung tâm cửa ngõ của cả nước, nhưng lợi thế này cũng đã có sự thay đổi, do các địa phương có thế mạnh về du lịch như Đà Nẵng, Kiên Giang, Cần Thơ, Khánh Hòa... đã được đầu tư nâng cấp thành sân bay quốc tế, hoặc du khách tự thuê máy bay bay thẳng mà không cần trung chuyển", ông Thọ cho hay.

Nhiều giải pháp đồng bộ

Ông Võ Anh Tài, Tổng Giám đốc Công ty Dịch vụ lữ hành Saigontourist cho rằng, nếu ngành du lịch TP Hồ Chí Minh không thay đổi để có sự đột phá trong cách làm, thì khó bắt kịp các tỉnh thành trong nước, chưa nói đến các quốc gia trong khu vực như Campuchia, Thái Lan... Những việc cần làm ngay và triệt để là tạo một môi trường an toàn, thân thiện cho du khách khi tham quan, đặc biệt ở các nơi công cộng. Ngoài ra, cũng cần phải thay đổi thái độ của người làm du lịch, chú trọng tạo sự khác biệt trong từng sản phẩm, tạo cho du khách cảm giác thoải mái, an toàn nhất khi đến thành phố.

TP Hồ Chí Minh nổi tiếng với các điểm du lịch Nhà thờ Đức Bà, Dinh Độc lập, Bến Nhà Rồng…(ảnh chụp du khách đang tham quan Nhà thờ Đức Bà, quận 1).

Hiện nay, TP Hồ Chí Minh có 1.065 doanh nghiệp lữ hành, bao gồm: 578 doanh nghiệp lữ hành quốc tế, 437 doanh nghiệp lữ hành nội địa, 42 đại lý du lịch và 8 văn phòng đại diện du lịch nước ngoài tại Việt Nam. Với một lượng lớn các công ty chuyên làm về du lịch như vậy, thì việc cùng nhau xây dựng hình ảnh thành phố an toàn, thân thiện là rất cần thiết để giữ chân du khách khi tới thành phố. Trong năm 2016, thành phố cũng đặt mục tiêu phấn đấu đón khoảng 5,1 triệu lượt khách quốc tế và 21,8 triệu lượt khách trong nước. Vì vậy, ngay đầu năm 2016, UBND TP Hồ Chí Minh đã tập trung tăng cường triển khai nhiều giải pháp đồng bộ như quảng bá, xúc tiến du lịch vào các thị trường trọng điểm, mở rộng hợp tác liên kết và kêu gọi đầu tư, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, tạo môi trường thuận lợi thu hút đầu tư phát triển du lịch…

Ông Lã Quốc Khánh, Phó Giám đốc Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh cho biết: “Năm 2016, ngành du lịch TP Hồ Chí Minh xác định mục tiêu xây dựng, nâng cao hình ảnh “Thành phố Hồ Chí Minh - điểm đến thân thiện, hấp dẫn, an toàn” trong lòng du khách. Để thực hiện mục tiêu này, ngành du lịch thành phố sẽ tiếp tục tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm và dịch vụ du lịch. Trong đó đẩy mạnh phát triển du lịch đường thủy, đặc biệt là du lịch đường thủy nội đô; kích cầu du lịch, thúc đẩy thị trường du lịch nội địa và các thị trường du khách quốc tế. Đồng thời, tăng cường quảng bá xúc tiến, hợp tác quốc tế, chủ động hội nhập và cạnh tranh có hiệu quả với du lịch khu vực”.

“Đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường du lịch, ứng xử văn minh, lịch sự nhằm xây dựng hình ảnh tốt đẹp về điểm đến, con người TP Hồ Chí Minh. Tích cực chủ động phối hợp liên ngành để giải quyết có hiệu quả tình trạng chèo kéo, đeo bám du khách và hạn chế thấp nhất tình trạng cướp giật, xâm hại tài sản, đảm bảo an toàn cho du khách khi đến thành phố. Triển khai có hiệu quả hoạt động của các trạm thông tin và hỗ trợ du khách nhằm đảm bảo cung cấp thông tin, tư vấn về du lịch và trợ giúp kịp thời cho du khách trong mọi tình huống”, ông Khánh chia sẻ thêm.

Theo Lê Nghĩa - Hoàng Tuyết/ baotintuc.vn

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>