Hiệu ứng tích cực từ nguồn học liệu mở

26/08/2016 | 08:41 GMT+7

Sau  gần 3 năm nghiệm thu, đến nay đề tài “Xây dựng nguồn học liệu mở phục vụ giảng dạy và học tập cho các trường THPT tỉnh Hậu Giang (giai đoạn 2011-2013)” do thạc sĩ Nguyễn Hùng Nhiên, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo làm chủ nhiệm đã phát huy hiệu quả tích cực, góp phần nâng cao chất lượng dạy và học cho giáo viên, học sinh.

Được bổ trợ kiến thức từ nguồn học liệu mở, các em học sinh Trường THPT Lê Quý Đôn luôn chăm chú nghe giáo viên giảng bài.

Theo thầy Nguyễn Trọng Hiếu, giáo viên dạy môn vật lý ở Trường THPT Lê Quý Đôn, thị xã Ngã Bảy, trong bối cảnh kinh tế - xã hội phát triển mạnh mẽ đã kéo theo nền giáo dục không ngừng nâng cao để phù hợp với nhu cầu thực tiễn. Cho nên, vào năm 2011, một số thầy, cô ở Trường THPT Lê Quý Đôn, bắt tay thiết lập nguồn học liệu mở thông qua việc xây dựng trang web học trực tuyến E-learning trên nền Moodle tích hợp để thay đổi phương pháp dạy học, với mục đích củng cố và nâng cao kiến thức, cũng như khơi gợi năng lực cảm nhận, tư duy sáng tạo cho các em học sinh. 

Tuy nhiên, lúc bấy giờ, kênh thông tin đa dạng nên ít khi thầy, cô tích hợp kiến thức, thông qua việc soạn giáo án điện tử, thiết lập quay video, âm thanh, làm tư liệu minh họa, phục vụ nâng cao chất lượng bài giảng. “Hiện sử dụng công nghệ thông tin vào việc giảng dạy là điều rất cần thiết. Bởi các môn học có liên quan đến vấn đề hình vẽ thì việc xây dựng nguồn học liệu mở bằng video, có âm thanh sẽ khơi gợi năng lực cảm nhận, làm cho các em tiếp thu bài học nhanh hơn”, thầy Hiếu khẳng định.

Tương tự, thầy Lê Văn Hiệp, dạy môn ngữ văn ở Trường THPT chuyên Vị Thanh, thành phố Vị Thanh, chia sẻ: Thật ra, xét đến cùng thì tất cả các phương pháp giảng dạy đều có cái hay riêng. Cụ thể, trước đây nếu dạy theo cách học truyền thống, thầy giảng trò nghe, tạo sự tương tác mạnh giữa giáo viên và học sinh tại buổi học. Còn hiện tại việc thiết kế bài giảng có kèm theo âm thanh, hình ảnh sẽ làm cho buổi học thêm trực quan sinh động, tạo hứng thú cho thầy và trò, nâng cao hiệu quả học tập.

Việc thiết lập nguồn học liệu mở, phục vụ cho công tác giảng dạy không khó và giúp lưu giữ kiến thức trong quá trình học tập bằng những đoạn video, âm thanh ngắn. Đồng thời, đây là nguồn tư liệu quý và khách quan trong học tập, kích thích sự năng động của bản thân học sinh. Bởi, khi các em học cuối cấp THPT có nhu cầu ôn lại kiến thức, thì có thể tự phân chia thời gian hợp lý để chọn lọc kiến thức thông qua nghe lại bài giảng ở nhà, hay bất cứ nơi đâu có kết nối mạng. Ngoài ra, nguồn học liệu mở được xem như là kênh thông tin kiến thức phụ trợ thêm để các em học sinh sử dụng làm bài tập hay học lý thuyết, nâng cao kiến thức cho mình.

Trên thực tế, việc xây dựng nguồn học liệu mở đôi lúc chưa phát huy hết hiệu quả vốn có của nó, bởi tính tương tác giữa giáo viên và học sinh chưa cao, do học sinh chỉ nghe một chiều. Mặt khác, nguồn học liệu mở chỉ dừng lại gợi ý vấn đề nhiều hơn. “Theo tôi, nguồn học liệu mở có thêm phần phản hồi thông tin, giải quyết các câu hỏi trực tuyến trên mạng sẽ càng nâng cao hiệu quả giảng dạy, học tập của thầy và trò”, thầy Hiệp chia sẻ thêm.

Phó Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Vị Thanh Lưu Văn Lập, thông tin: Xây dựng giáo án điện tử, hay lồng ghép trình chiếu một vài đoạn video, âm thanh trong các buổi học, luôn được các thầy cô sử dụng để nâng cao kết quả dạy và học. Nhất là khi tham gia thực hiện đề tài “Xây dựng nguồn học liệu mở phục vụ giảng dạy và học tập cho các trường THPT tỉnh Hậu Giang (giai đoạn 2011-2013)”, do thạc sĩ Nguyễn Hùng Nhiên làm chủ nhiệm, đã cung cấp đa dạng, phong phú nguồn tư liệu tham khảo, nhằm giúp các em học tốt hơn.

“Tới đây, đội ngũ cán bộ nhà trường sẽ tiếp tục phát huy và sử dụng nguồn học liệu mở để phục vụ cho công tác giảng dạy. Bởi nguồn học hiệu mở này không chỉ cung cấp kiến thức, mà còn nâng cao kỹ năng tích hợp, chọn lọc thông tin của học sinh; góp phần đổi mới trong phương pháp giảng dạy tích cực, một trong những nhân tố quyết định chất lượng nguồn nhân lực được đào tạo từ nền giáo dục tiên tiến, hiện đại”, thầy Lập cho hay.

Trong khuôn khổ đề tài thực hiện thí điểm tại 4 điểm trường THPT trên địa bàn tỉnh như: Trường THPT chuyên Vị Thanh và Trường THPT Vị Thanh (thành phố Vị Thanh); Trường THPT Nguyễn Minh Quang và Trường THPT Lê Quý Đôn (thị xã Ngã Bảy). Riêng quá trình nghiên cứu, nhóm tác giả chỉ xây dựng nguồn học liệu cho 2 môn là vật lý và ngữ văn 12.

 

Bài, ảnh: CHÍ CÔNG

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>