Liên hoan Ảnh nghệ thuật khu vực ĐBSCL lần thứ 31: Nhiều nhân tố triển vọng

28/09/2016 | 07:49 GMT+7

Liên hoan Ảnh nghệ thuật khu vực ĐBSCL được tổ chức thường niên, là sân chơi của các tay máy chuyên và không chuyên trong khu vực. Đến đây, họ được học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm để có được một tác phẩm nghệ thuật chuyển tải thông điệp cuộc sống...

Tác phẩm “Thu hoạch nghêu” của Dương Văn Hưởng đoạt HCB.

Tác phẩm đã “chất” hơn !

Năm nay, Liên hoan do Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam phối hợp với Hội Văn học Nghệ thuật Kiên Giang tổ chức. Sau một năm miệt mài săn lùng khoảnh khắc đẹp, những nghệ sĩ nhiếp ảnh lại có cơ hội giới thiệu sản phẩm của mình với mọi người. Nghệ sĩ nhiếp ảnh (NSNA) Chí Sử, Phân hội trưởng Phân hội Nhiếp ảnh, Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh Hậu Giang, chia sẻ, tham gia giải này nhiều năm, mỗi năm là thấy những nét mới. Mới không chỉ ở cách “thai nghén” đề tài, thể hiện, mà còn ở cách cảm nhận cuộc sống mới mẻ, táo bạo. Sau mỗi chuyến đi, những người tham gia như anh dù có được hay không được giải chưa phải là chuyện quan trọng nhất, mà chính được xem tác phẩm của đồng nghiệp để tự rút ra cho mình những kinh nghiệm mới chính là điều hay nhất. Không chỉ NSNA Chí Sử, những ai từng đến với cuộc chơi này đều có cùng suy nghĩ và đây cũng chính là điều làm nên “chất” của liên hoan hàng năm. Hơn nữa, sự nhiệt huyết của những tay máy kỳ cựu, sự xông xáo của những tay máy trẻ cũng giúp cho liên hoan có được một lượng ảnh nhiều và chất lượng cũng được cải thiện một cách khá toàn diện.

Năm nay, 396 tác giả đã mang đến liên hoan trên 2.800 ảnh, phản ánh một cách sinh động, sắc nét nét đẹp của đất và người ĐBSCL. Đề tài đa dạng, từ vẻ đẹp thiên nhiên, đất nước, con người đến thành tựu kinh tế, kỹ thuật, quốc phòng, an ninh, giao lưu và hội nhập quốc tế; những tấm gương điển hình trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, đến những nét đẹp trong đời sống văn hóa tinh thần trong cộng đồng các dân tộc sinh sống trong khu vực; chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng hiện đại, xây dựng nông thôn mới… Một bức tranh đa chiều, đa sắc đã tái hiện lại một cách đầy đủ, sắc nét, mang đến cho người xem nhịp thở của cuộc sống. Cùng với sự đầu tư tìm tòi, suy nghĩ để tìm ra cho mình một đề tài, một góc phù hợp nhất để bấm máy, đến việc có sự can thiệp của những kỹ thuật chỉnh sửa hiện đại trong giới hạn cho phép, đã làm nên những tác phẩm nghệ thuật đẹp lung linh.

Sự vươn lên của những tay máy trẻ

Điều làm nên sức hút của kỳ liên hoan này còn là sự vươn lên của những tay máy trẻ. Ngay cả hai huy chương vàng danh giá ở thể loại ảnh màu và ảnh đen trắng cũng thuộc 2 tay máy chưa có nhiều kinh nghiệm. Thế nhưng với họ, niềm đam mê đã giúp họ khám phá, sự mới lạ đã giúp họ dấn thân và thể hiện một cách vô tư, không áp lực. Tham gia chưa lâu, nhưng tác giả Từ Thế Duy (tỉnh Kiên Giang) lại có niềm đam mê khám phá mãnh liệt. Tác phẩm “Khám phá” là cả một quá trình thai nghén. Anh Thế Duy chia sẻ: “Tôi biết, anh chị đam mê chụp ảnh phải đầu tư suy nghĩ và rất cực để làm nên một tác phẩm ưng ý. Trong một lần đến hang Sơn Trà, cách thành phố Rạch Giá không xa, tôi thấy nó như một bức tranh thủy mặc, nhưng cái chính là phải canh giờ đến chụp để có được ánh sáng đẹp nhất. Không biết bao lần tôi đã đến đây, ngắm nghía, chụp rồi lại không vừa ý. Cuối cùng, tấm ảnh này tôi ưng ý nhất. Thế nhưng, hoàn toàn bất ngờ vì giải thưởng ngoài  sức tưởng tượng này”. Chính niềm đam mê cộng với góc nhìn mới, táo bạo đã giúp tác phẩm của anh được Hội đồng Giám khảo đánh giá cao. Tác phẩm này còn được trao giải nhất “Nét đẹp Kiên Giang”, do UBND tỉnh Kiên Giang, đơn vị đăng cai tổ chức liên hoan trao tặng. Tác giả Phạm Việt Phúc (tỉnh Trà Vinh) chia sẻ về tác phẩm “Việc trên cao”, cũng giống như Từ Thế Duy, là cả một quá trình chuẩn bị. Tuy nhiên, có những khoảnh khắc anh phải chụp ngay bởi để lỡ rồi không thể kéo ngược thời gian…

Đánh giá về chất lượng ảnh của lần liên hoan này, NSNA Lý Hoàng Long, Chủ tịch Hội đồng Giám khảo Liên hoan, chia sẻ: “ĐBSCL có rất nhiều cảnh đẹp từ đời sống con người, đến phong cảnh. Tuy nhiên, để thể hiện nét đẹp để mọi người cảm nhận được quả không đơn giản. Vì thế, chúng tôi luôn tìm kiếm và phát hiện những tay máy có góc nhìn mới lạ. Các tác phẩm đoạt giải cao năm nay thuộc những người trẻ và họ đáp ứng được khá tốt các tiêu chí nghệ thuật đặt ra”.

NSNA Lý Hoàng Long, Chủ tịch Hội đồng Giám khảo Liên hoan: Cần đột phá, có cách nhìn mới hơn !

“Vùng đồng bằng, sản xuất nông nghiệp là chính nên các tác giả cũng quanh quẩn trong những đề tài này, ít có sự đột phá, cách nhìn không mới. Thế nên, cái cần của những tay máy này chính là cân nhắc trong quá trình tìm kiếm đề tài và thể hiện tác phẩm, sao cho thoát ra khỏi những góc nhìn cũ, thổi vào đó hơi thở của đời sống, cộng với tài năng, cùng cái tâm của người làm nghệ thuật. Có như thế, ảnh nghệ thuật của ĐBSCL mới có cơ hội vươn cao, vươn xa…”.

 

Bài, ảnh: VĨNH TRÀ

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>
Liên kết hữu ích