Có nên nhân rộng mô hình trồng tràm - tiêu ?

29/09/2016 | 07:15 GMT+7

Hiện mô hình trồng tràm - tiêu kết hợp đang được nông dân nhiều nơi trong tỉnh nhân rộng do hiệu quả kinh tế bước đầu mà nó mang lại. Tuy nhiên, mô hình này hiện chưa được cơ quan chuyên môn khuyến khích nhân rộng.

Mô hình tràm - tiêu đã giúp nhiều nông hộ ở huyện Vị Thủy ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế gia đình.

Mô hình triển vọng

Sau khi được tham quan thực tế các mô hình trồng tràm kết hợp với tiêu ở tỉnh bạn Kiên Giang, bà Nguyễn Thị Nâu, ở ấp Hòa Quới A, xã Hòa An, huyện Phụng Hiệp, quyết định thử nghiệm mô hình trên phần đất khoảng 2.000m2 của gia đình mình. Mặc dù chỉ mới một năm tuổi, nhưng nhờ sự chăm sóc bài bản nên vườn tiêu nhà bà Nâu đang phát triển tươi tốt, còn những gốc tràm trong vườn cũng trên đà sinh trưởng mạnh.

“Ban đầu, tôi chỉ biết thông tin qua lời truyền miệng, qua các phương tiện truyền thông. Nhưng khi dự định trồng thì tôi trực tiếp đến nông hộ để được chia sẻ kinh nghiệm thực tế. Tôi chọn mô hình này vì thấy được hiệu quả lâu dài. Trong đó, cây tràm để bao lâu đốn cũng được, còn về hạt tiêu sau thu hoạch nếu chưa bán được vẫn có thể bảo quản lại trong thời gian dài. Hơn nữa, đất của tôi bị phèn nặng, bất kỳ loài cây có múi nào cũng khó sinh trưởng tốt. Do vậy, tôi nghĩ trồng tràm - tiêu là lựa chọn phù hợp nhất”, bà Nâu tâm đắc.

Chia sẻ câu chuyện khởi nghiệp từ hai bàn tay trắng của mình, anh Nguyễn Thanh Nhàn, ở ấp 3, xã Vị Thanh, huyện Vị Thủy, phấn khởi cho biết mô hình tràm -tiêu đã nhanh chóng giúp anh vươn lên thoát nghèo. Theo đó, với tài sản vỏn vẹn chỉ có 1 công đất ban đầu, anh Nhàn đã thử kết hợp song hành dây tiêu và cây tràm cừ. Sau thời gian tìm tòi học hỏi và áp dụng vào thực tế sản xuất, giờ đây anh Nhàn đã có thu nhập vài trăm triệu đồng mỗi năm từ việc bán hạt tiêu. Hiện nay, anh đã phát triển diện tích trồng tràm - tiêu lên khoảng 1,5ha, trong đó có gần một nửa diện tích đã cho thu hoạch.

Anh Nhàn chia sẻ: “Lúc mới trồng, tôi chỉ nghĩ rằng chỉ có một công đất, cứ thử trồng, nếu thất bát thì mình bán tràm, chắc cũng không đến nỗi thua lỗ nặng. Lần hồi nhiều năm, tôi không ngờ rằng cây tràm và dây tiêu kết hợp mang lại hiệu quả kinh tế khá đến vậy. Bởi cây tràm bám rễ sâu xuống đất, còn tiêu thì hút chất dinh dưỡng ở lớp đất mặt, bám vào lớp vỏ tràm vươn lên. Cứ như thế, tràm cao đến đâu, dây tiêu cũng vươn mình đến đó. Mỗi vụ, cứ thấy từng chùm tiêu trĩu hạt là tôi mê lắm, cứ ở miết trong vườn cả ngày không muốn vô nhà”.

Nhưng còn tự phát

Theo nhận định của ngành chuyên môn, trong thời gian tới, có khả năng diện tích tràm - tiêu được trồng tự phát trong dân sẽ tiếp tục tăng. Nhất là ở những vùng đất sản xuất nông nghiệp kém hiệu quả như vùng phèn, mặn khó canh tác lúa hoặc cây ăn trái… Tính đến thời điểm này, diện tích trồng tràm - tiêu của toàn tỉnh đã lên đến gần 30ha, tập trung nhiều ở huyện Vị Thủy, Long Mỹ. Do đó, ngành chức năng đang lúng túng bởi mô hình vẫn chưa có khuyến cáo nhân rộng, nhất là không nằm trong định hướng quy hoạch chung của ngành nông nghiệp giai đoạn 2015-2020.

Ngoài ra, mô hình sản xuất còn manh mún, chưa có sự liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp nên đầu ra sản phẩm chủ yếu là tiêu thụ nhỏ lẻ. Thông tin từ Chi cục Kiểm lâm tỉnh, hiện đơn vị này đang xây dựng đề tài khoa học công nghệ “Nghiên cứu tính hiệu quả, bền vững của mô hình tràm - tiêu trên địa bàn tỉnh Hậu Giang”. Mục tiêu của đề tài này là nghiên cứu về sự cộng sinh giữa tràm và tiêu, đánh giá thực tế hiệu quả kinh tế; nghiên cứu tính bền vững, năng suất, chất lượng của hạt tiêu Hậu Giang so với các tỉnh khác; góp phần tạo ra sự liên kết trong sản xuất giữa các hộ dân, hộ dân với doanh nghiệp.

Tiến sĩ Lê Hoàng Xuyên, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Hậu Giang, thông tin: “Chúng tôi thấy rằng cần phải có một đề tài để điều tra, đánh giá cụ thể về mô hình tràm - tiêu. Trên cơ sở đó, nắm rõ năng suất, sản lượng và có so sánh với các mô hình khác bằng số học một cách khoa học trên cùng địa bàn, cùng một đơn vị diện tích canh tác. Mặt khác, dựa trên cơ sở khoa học của đề tài, ngành chuyên môn mới có thể mạnh dạn hơn trong việc khuyến cáo, đóng góp vào quy hoạch lại trong công tác khuyến lâm nói riêng và việc tái cơ cấu ngành lâm nghiệp nói chung. Về phía Chi cục Kiểm lâm, rất mong Hội đồng Khoa học Công nghệ tỉnh xem xét, hỗ trợ để việc nghiên cứu đề tài sớm được thực hiện”.

Mô hình tràm - tiêu là sự kết hợp điển hình giữa nông - lâm được nông dân vận dụng hiệu quả vào thực tế sản xuất. Từ giá trị mà nó mang lại, nhiều nông hộ đang có xu hướng trồng thử nghiệm và nhân rộng với mong muốn thu về lợi nhuận hấp dẫn. Theo thống kê của ngành kiểm lâm Hậu Giang, nếu năm 2014, tổng số hộ trồng tràm - tiêu trên toàn tỉnh chỉ có 40 hộ, với 9,5ha thì đến nay đã có trên 100 hộ thực hiện mô hình này, với diện tích gần 30ha.

 

Bài, ảnh: KỲ ANH

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>