Đề nghị lập tòa án đặc biệt để xét xử tham nhũng

29/09/2016 | 17:06 GMT+7

Chiều 28-9, tại buổi góp ý Dự án Luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi), luật sư Trương Thị Hòa đề nghị người tham nhũng đã chết vẫn xem xét thu hồi tài sản.

Khoanh vùng đối tượng

Nhận định mức độ tham nhũng hiện nay, ông Phạm Chánh Trực, nguyên Chủ tịch HĐND TPHCM, cho rằng tham nhũng đã xâm nhập vào trong Đảng, Nhà nước từ cấp Trung ương đến cấp cơ sở - nhà dột từ nóc! Đó là cán bộ, đảng viên, công chức có quyền, có vị trí. Theo ông Phạm Chánh Trực, phải “khoanh vùng” rõ đối tượng như vậy luật mới tập trung, không dàn trải. Nhận diện biểu hiện tham nhũng, ông Phạm Chánh Trực cho rằng có nhiều nguyên nhân, từ cơ chế tạo ra đặc quyền đặc lợi; việc chạy theo thành tích, nhiệm kỳ với chủ trương xây dựng công trình, dự án quy mô; xã hội, doanh nghiệp tác động để có thuận lợi và lợi ích cho cá nhân, phe nhóm; cơ chế, chính sách, nhà nước thiếu công khai, minh bạch, dân chủ và pháp luật không đầy đủ; cùng với đó, cơ chế kiểm tra, giám sát của Nhà nước, kể cả Quốc hội kém hiệu lực…

Ụ nổi 83M - một trong những dự án đầu tư của Vinalines gây thiệt hại hàng trăm tỷ đồng.

Phản ánh từ thực tiễn cuộc sống, ông Đỗ Văn Đạo, Phó Giám đốc Sở Nội vụ TPHCM, bức xúc: Mặc dù Chính phủ đã có chủ trương họp trực tuyến để tiết kiệm ngân sách nhưng sao tỉnh này, tỉnh kia, cán bộ cứ bay qua bay lại để họp, đặc biệt là thời điểm cuối năm, không phải để xài tiền thì để làm gì? Hay nói lương công chức ba cọc ba đồng mà ai cũng chen chân vào?
Tiến sĩ Trần Du Lịch cho rằng, Điều 3 về các hành vi tham nhũng có 12 hành vi, trong đó đến 11 hành vi thuộc tội hình sự. Các tội danh này đã quy định trong Bộ luật Hình sự nhưng vẫn không có tác dụng răn đe, hạn chế tham nhũng? “Vấn đề đặt ra là không phải thiếu luật mà cái gốc là việc phát hiện tham nhũng”, Tiến sĩ Trần Du Lịch nhấn mạnh.

Theo đó, luật cần phải quy định cụ thể hơn, rõ hơn về cơ chế, phương thức phát hiện hành vi tham nhũng. Ở một khía cạnh khác, hầu hết các đại biểu có cùng quan điểm, để chống tham nhũng, yêu cầu cơ bản là phải cải cách tiền lương của cán bộ, công chức. “Lương tối thiểu của cán bộ công chức cần phải đủ sống và nuôi một người. Nếu lương không đủ sống mà nói chuyện phòng, chống tham nhũng thì… vô phương!”, ông Phạm Chánh Trực thẳng thắn. Theo một đại biểu, vấn đề tiền lương của cán bộ công chức không đủ sống ai cũng thấy nhưng quan trọng là có quyết tâm làm không.

Lập tòa án đặc biệt xử lý tham nhũng

Luật sư Trương Thị Hòa cho rằng, luật nên có thêm chương về thu hồi và xử lý tài sản không được kê khai. Liên quan đến việc thu hồi tài sản người tham nhũng, Luật sư Trương Thị Hòa đề nghị cần có cơ chế rõ ràng bảo vệ người tố giác tham nhũng. Đồng thời, hợp tác với quốc tế trong công tác phòng, chống tham nhũng. “Vấn đề này luật chưa quan tâm, trong khi đó đồng tiền tham nhũng có thể chảy từ nước này qua nước khác, như hình thức rửa tiền. Do vậy, cơ chế hợp tác để phát hiện, điều tra, đặc biệt là vai trò hợp tác giữa các ngân hàng trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng cũng là vấn đề quan trọng mà luật cần tính đến”, một đại biểu nêu ý kiến. Ông Phạm Chánh Trực đề nghị lập tòa án đặc biệt để xét xử tham nhũng!

Nhiều đại biểu cho rằng, công tác kê khai tài sản thực hiện trong thời gian qua còn rất hình thức. Theo ông Trần Văn Thuận, Phó Trưởng Ban Nội chính Thành ủy, đối tượng kê khai thuộc diện kê khai tài sản quá rộng nên khó kiểm soát được tính minh bạch, thẩm tra, xác minh, dẫn đến hiệu quả công tác này không cao. Một nguyên nhân khác khiến công tác kê khai tài sản không hiệu quả do không có cơ chế kiểm soát tính trung thực trong việc kê khai.

Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH TPHCM Phan Nguyễn Như Khuê:

Chúng ta có 944.000 người thuộc diện phải thực hiện kê khai tài sản, nhưng qua 10 năm chỉ xác minh, làm rõ 1 trường hợp. Chưa nói, hàng năm có thực hiện quy định bắt buộc kê khai tài sản để cập nhật, bổ sung. Như vậy nếu trong 944.000 đối tượng mà chỉ có 1 trường hợp phải xác minh, làm rõ thì số còn lại trở thành tờ khai lưu niệm để bổ sung trong kỷ yếu cán bộ mà thôi.

Phó Giám đốc Sở Nội vụ TPHCM Đỗ Văn Đạo:

Chạy chức, chạy quyền - chuyện này là có nhưng không phát hiện được, vì sao? Tôi đề nghị thực hiện cách thức tuyển dụng công khai minh bạch, như lập ra hội đồng tuyển dụng độc lập như các nước trên thế giới đang thực hiện. Có như vậy mới hạn chế được tình trạng chạy chức chạy quyền.

Tiến sĩ Trần Du Lịch:

Cơ chế tiền mặt gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng. Khi một nền kinh tế còn sử dụng tiền mặt thì rất khó để có thể phòng chống được tham nhũng. Cần phải có cơ chế để làm sao người có tiền mặt không thể sử dụng được.

Theo Vân Anh/sggp.org.vn

 

 

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>