Tình nguyện vì an toàn giao thông nông thôn

03/10/2016 | 05:51 GMT+7

Đảm bảo an toàn giao thông không chỉ là chuyện của ngành chức năng, mà ở các địa phương, nhiều hoạt động thiết thực được xây dựng trên tinh thần tự nguyện, ý thức của người dân.

Tuyến Lộ Hoang Trường Học được Đội tình nguyện giặm vá đường giao thông nông thôn ấp 10, xã Thuận Hưng hoàn thiện và đưa vào sử dụng.

Tại ấp 2, xã Hòa An, huyện Phụng Hiệp, từ lâu ngôi nhà của ông Nguyễn Hoàng Nam đã trở thành gia đình thứ hai của câu lạc bộ thiếu nhi ấp 2. Bởi đây là nơi các em tập hợp để sinh hoạt, vui chơi, nghe những mẩu chuyện kể về Bác Hồ, tham gia hái hoa dân chủ để trắc nghiệm kiến thức, nhất là góp chút sức nhỏ đảm bảo an toàn giao thông xóm ấp. Các hoạt động như quét dọn ven đường, tạo tầm nhìn thông thoáng, hay ra quân thu dọn rác đảm bảo vệ sinh môi trường là công việc mà thành viên trong câu lạc bộ làm thời gian qua. Nguồn kinh phí tổ chức các hoạt động nói trên do gia đình ông Nam tự túc hoàn toàn. Thời gian gần đây, phong trào luôn thu hút các bậc phụ huynh tình nguyện tham gia bảo vệ môi trường và dọn dẹp đường sá.

Ông Nguyễn Hoàng Nam, ở ấp 2, xã Hòa An, người phát động phong trào này, thông tin: “Đến nay, có 50 cháu thiếu nhi tham gia câu lạc bộ này, lớn nhất thì học cấp 2, bé nhất cũng lớp 3, lớp 4, đều đến đây với tinh thần hoàn toàn tự nguyện. Mỗi khi có hoạt động dọn dẹp đường sá gì thì tôi tập hợp vào buổi sáng thứ bảy hoặc chủ nhật. Những ngày đó, nhà tôi đông vui lắm, các cháu đến đây quây quần ăn sáng rồi thư thả xếp hàng, nghiêm túc nhận nhiệm vụ. Đứa lớn cho cầm dao làm cỏ, nhỏ hơn thì cho cầm chổi quét dọn ven đường. Cứ thế, từ khi thành lập vào năm 2012 đến nay, câu lạc bộ thiếu nhi ấp 2 đã có mặt ở các tuyến đường trong ấp để góp sức tạo môi trường giao thông nông thôn thuận tiện, cảnh quan thông thoáng và bảo vệ môi trường. Do các cháu còn nhỏ tuổi, nên tôi phải quản lý chặt chẽ”.

Tương tự, tại xã Thuận Hưng, huyện Long Mỹ, “Đội tình nguyện giặm vá đường giao thông nông thôn ấp 10” cũng là một trong những mô hình được xây dựng dựa trên sự tự ý thức của người dân địa phương để đảm bảo an toàn giao thông. Đội được thành lập vào đầu năm 2015, với 11 thành viên chính thức, tham gia vận động, giặm vá các tuyến đường giao thông xuống cấp trong và ngoài ấp. Nơi nào có đường bị ổ gà, ổ voi, các thành viên trong đội đều vận động người dân địa phương, hay các doanh nghiệp đóng trên địa bàn để xin kinh phí rồi nhanh chóng thực hiện sửa chữa.

Ông Hồ Văn Lăng, thành viên của đội giặm vá đường ấp 10, xã Thuận Hưng, chia sẻ: “Không còn nhớ rõ đội đã làm bao nhiêu tuyến đường, cứ đường hư, cầu hỏng thì mình làm. Bây giờ lên xã nông thôn mới rồi, trách nhiệm nỗ lực giữ vững tiêu chí không chỉ của chính quyền địa phương, mà cần người dân đồng lòng hưởng ứng. Tính từ đầu năm đến nay, chúng tôi đã vận động được chừng 15 triệu đồng phục vụ công tác giặm vá đường, chưa kể nguồn vật tư được hỗ trợ từ UBND xã. Nhất là đầu năm học mới này, đội đã tiến hành kiểm tra lại các tuyến đường trong ấp, sửa chữa kịp thời để các cháu nhỏ đi học dễ dàng hơn. Sau mùa nước nổi năm nay, hoạt động giặm vá sẽ được tiếp tục bởi tuyến đường ven sông Cái Lớn đang có dấu hiệu hư hỏng”.

Khoảng 2 tháng nay, các hộ dân sinh sống ven tuyến Lộ Hoang Trường Học ở ấp 10 đã di chuyển thuận tiện hơn trên con lộ bê tông vừa được đội giặm vá đường ấp 10 xây dựng. Tuyến này có chiều dài chưa đầy 1km, được thực hiện bằng nguồn xã hội hóa và sự hỗ trợ vật liệu xây dựng từ chính quyền địa phương, tổng kinh phí khoảng 40 triệu đồng. “Bà con ven tuyến này ai cũng phấn khởi, lúc làm đường nhà nào cũng chung sức phụ giúp đội xây dựng. Đầu năm học mới này, tôi không còn phải đưa rước mấy đứa con đi học bằng xuồng ghe nữa. Chứ lúc trước, vào mùa mưa, đường sình lầy trơn trợt tụi nhỏ đi học vất vả lắm”, chị Phan Thị An, ở ấp 10, xã Thuận Hưng, mừng rỡ khi nói về con đường trước nhà.

Chủ tịch UBND xã Thuận Hưng Huỳnh Thanh Pháo, đánh giá: “Nhờ đội tình nguyện giặm vá đường giao thông nông thôn này mà các tuyến đường thường xuyên được tu bổ, sửa chữa kịp thời, giúp lưu thông thuận tiện hơn. Công trình nào hư hỏng nặng, xã sẽ hỗ trợ kinh phí thực hiện. Từ những hoạt động nói trên của đội đã góp phần hỗ trợ đắc lực cho địa phương trong việc nâng chất và giữ vững tiêu chí nông thôn mới về giao thông”.

Ngoài ra, vào mùa mưa, Đội tình nguyện giặm vá đường giao thông nông thôn ấp 10 còn tổ chức nhiều đợt phát quang cây cối ven tuyến để tầm nhìn thông thoáng, ra quân dọn dẹp, tạo cảnh quan môi trường nông thôn. Những hoạt động tình nguyện để đảm bảo an toàn giao thông nông thôn nói trên đã và đang góp phần cùng chính quyền địa phương xây dựng nên những tuyến đường nông thôn sạch đẹp và đảm bảo an toàn giao thông trên từng xóm ấp.

Bài, ảnh: KỲ ANH

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>