Bảo vệ, nâng cao vị thế phụ nữ

20/10/2016 | 08:51 GMT+7

Sau nhiều năm triển khai Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới (giai đoạn 2011-2015), Hậu Giang đã đạt được những bước tiến đáng ghi nhận. Các nội dung của Luật Bình đẳng giới; các mục tiêu, chỉ tiêu chiến lược và chương trình quốc gia về bình đẳng giới được quan tâm triển khai thực hiện phù hợp với thực tế và điều kiện kinh tế - xã hội tỉnh nhà.

Tuyên truyền nâng cao kiến thức bình đẳng giới luôn được hội liên hiệp phụ nữ các cấp trong tỉnh quan tâm thực hiện.

Để yêu thương trở về

Nếu như trước đây, cứ cuối giờ chiều đi bốc vác về là ông Nguyễn Văn Q., ở khu vực 2, phường Lái Hiếu, thị xã Ngã Bảy, lại cùng đồng nghiệp nhậu nhẹt đến say mèm. Hôm nào có chuyện bực bội, về đến nhà thì ông Q. lại tìm cớ mắng chửi vợ. Những lúc như thế, vợ chồng cãi vã làm ảnh hưởng đến con cái, hàng xóm xung quanh…

Nắm được tình hình, Hội Liên hiệp Phụ nữ phường đã đến tìm hiểu nguyên nhân, giải thích, khuyên răn vợ chồng ông Q. nên chia sẻ, bày tỏ quan điểm của bản thân để tìm lại tiếng nói chung. Từ sự hỗ trợ nhiệt tình của địa phương, ông Q. đã ít nhậu hơn; bà Thương, vợ ông Q. cũng học cách “cơm sôi bớt lửa” khi cần thiết, không còn tìm cách “ăn thua đủ” với chồng. Hiện tại, cuộc sống gia đình ông Q. đã ấm áp hơn, vợ chồng cùng nhau làm ăn nuôi dạy con cái.

Bà Thương cho biết: “Thường ngày không có rượu ổng hiền lắm, nói gì cũng nghe, chỉ những khi có rượu là biến thành con người khác. Những lúc như thế đáng ra mình là vợ phải biết nhẹ nhàng khuyên nhủ thì tôi lại gắt gỏng khiến cuộc sống gia đình càng thêm bức bối. Cũng nhờ mấy chị bên Hội Liên hiệp Phụ nữ can thiệp, hỗ trợ kiến thức về hôn nhân, gia đình và những điều nên biết chia sẻ, cảm thông cho chồng. Bây giờ thì hai vợ chồng có chuyện gì cũng nói với nhau, chia sẻ cùng nhau nên cuộc sống gia đình hạnh phúc hơn trước”.

Nhờ có sự giúp đỡ, quan tâm của địa phương, hàng xóm, sự sẻ chia, thông cảm cùng nhau tháo gỡ nút thắt trong đời sống mà nhiều cặp vợ chồng như đề cập đã tìm về bên nhau, vun đắp yêu thương. Tuy nhiên, trong thực tế cũng có không ít cặp vợ chồng không thể hàn gắn lại vết thương lòng. Điển hình như trường hợp vợ chồng ông Phan Văn T. và bà Phạm Thị L., ở ấp 1, xã Long Trị, thị xã Long Mỹ.

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo, bà L. lấy chồng khi tuổi đời còn khá trẻ. Vợ chồng ra riêng với hai bàn tay trắng, không có ruộng đất, hàng ngày phải sống bằng nghề làm mướn. Cuộc sống kinh tế khó khăn nên gia đình thường nảy sinh nhiều mâu thuẫn. Chồng bà L. thường xuyên nhậu nhẹt say xỉn, về nhà hay mắng chửi vợ con. Có lần uống say, người chồng đã dùng dao khứa cổ vợ.

Nắm được tình hình, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Long Trị phối hợp với các đoàn thể khác đến đưa mẹ con bà L. đến địa chỉ tin cậy lánh nạn, sau đó tư vấn, động viên, an ủi bà. Từ sự động viên của mọi người, bà L. lấy lại niềm tin trong cuộc sống, mạnh dạn sống ly thân với ông T. để tìm cuộc sống yên ổn hơn. Bà L. nói: “Trước giờ tôi cứ nghĩ ráng sống vì con để nó có một gia đình đầy đủ cha mẹ, nhưng sau khi được mọi người khuyên nhủ, tôi mới biết thà xa nhau để tôi không phải chịu cảnh đòn roi, các con không phải chứng kiến cảnh cha đánh mẹ mà ảnh hưởng đến tâm hồn của chúng”.

Hôn nhân hạnh phúc, vợ chồng tôn trọng nhau là một trong những yếu tố quan trọng góp phần thúc đẩy bình đẳng giới trong xã hội. Nhận thấy được điều đó, thời gian qua, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh cùng với Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh triển khai nhiều mô hình “Ngăn ngừa và giảm thiểu tác hại của bạo lực trên cơ sở giới”; câu lạc bộ “Bình đẳng giới - hôn nhân, gia đình” và thành lập những địa chỉ tin cậy để nắm tình hình, kịp thời động viên, chia sẻ, giúp đỡ, giải quyết những mâu thuẫn giữa vợ chồng, từ đó giúp xây dựng gia đình bình đẳng, ấm no, tiến bộ...

Kết quả, trong 5 năm qua, toàn tỉnh có 40% số nạn nhân của bạo lực gia đình (được phát hiện) được tư vấn về pháp lý và sức khỏe, được chăm sóc tại các cơ sở trợ giúp nạn nhân bị bạo lực gia đình; có 70% số người gây bạo lực gia đình (được phát hiện) được tư vấn tại các cơ sở tư vấn về phòng, chống bạo lực gia đình.

Nâng cao vị thế phụ nữ

Không chỉ vậy, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh còn kết hợp với Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ tham mưu cho cấp ủy đảng xây dựng quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức nữ; tích cực thực hiện chính sách giáo dục, đào tạo, xóa đói giảm nghèo, dạy nghề, tạo việc làm và chăm sóc sức khỏe cho phụ nữ. Qua đó thúc đẩy phụ nữ tiến bộ, thực hiện bình đẳng giới, nâng cao vai trò, vị thế của phụ nữ trong gia đình và ngoài xã hội.

Hội liên hiệp phụ nữ các cấp còn giới thiệu cán bộ nữ ứng cử vào cấp ủy đảng, đại biểu Quốc hội, HĐND, UBND các cấp và giới thiệu cho Đảng xem xét, kết nạp đảng. Giám sát việc thực thi chính sách bình đẳng giới, giải quyết những vụ việc ngược đãi, xúc phạm nhân phẩm phụ nữ, đảm bảo quyền lợi hợp pháp cho phụ nữ. Thời gian qua, thực hiện các chương trình quốc gia về bình đẳng giới đã tạo bước chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, thu hẹp khoảng cách giới và nâng vị thế của phụ nữ. Hiện số cán bộ nữ tham gia Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đạt 13,72%, cấp ủy các huyện, thị, thành phố đạt 10,69%, cấp ủy cơ sở đạt 16,19%. Bà Thái Thu Xương, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, cho biết: “Vấn đề bình đẳng giới rất được quan tâm trong hoạt động của các cấp hội. Chị em đã dần khẳng định vai trò, vị thế phụ nữ, luôn xây dựng hình ảnh người phụ nữ tri thức, có sức khỏe, kỹ năng nghề nghiệp, năng động, sáng tạo, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ khoa học nữ, cán bộ nữ lãnh đạo, quản lý đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa”.

Bà Trần Thị Diễm Hương, cán bộ Ủy ban Kiểm tra Thị ủy Ngã Bảy, cho biết: “Theo tôi, bên cạnh sự quan tâm của lãnh đạo địa phương, đơn vị, bản thân nữ cán bộ phải luôn nêu cao tinh thần tự học, tự rèn về chuyên môn, nghiệp vụ cũng như tác phong, đạo đức nghề nghiệp để nâng cao vị thế của mình”.

Vừa qua, UBND tỉnh ban hành kế hoạch thực hiện Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới đến năm 2020, phấn đấu đến thời gian này, tỷ lệ cán bộ nữ đại biểu Quốc hội ở tỉnh và HĐND 3 cấp phải từ 35% trở lên; 50% trở lên UBND các cấp phải có lãnh đạo chủ chốt là nữ; các cơ quan, đơn vị thuộc tổ chức đảng, chính quyền, tổ chức chính trị - xã hội có tỷ lệ 30% trở lên có nữ lãnh đạo chủ chốt…

Trên cơ sở đó, các cấp ủy đảng, chính quyền cần tăng cường sự quan tâm, phát huy vai trò của nữ giới; tạo điều kiện tốt nhất để chị em phụ nữ khẳng định năng lực, thế mạnh của bản thân. Xây dựng và thực hiện các chương trình đào tạo, bồi dưỡng nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý cho cán bộ, công chức, viên chức ở các sở, ngành và địa phương để tạo nguồn cán bộ, nhất là cán bộ nữ trẻ. Đặc biệt, bản thân phụ nữ phải tự khẳng định mình, phải tham gia tích cực vào các hoạt động kinh tế, xã hội. Sự chuyển biến của bình đẳng giới trong mọi lĩnh vực chỉ được nâng lên khi có sự chung tay góp sức của tất cả các ban, ngành, đoàn thể, của toàn xã hội và nhất định phải có sự phấn đấu của chính phụ nữ.

Bài, ảnh:  NHƯ NGUYỆT

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>