Miền Tây đứng trước sự mong manh dễ tổn thương

21/10/2016 | 06:59 GMT+7

“Biến đổi khí hậu, thiên tai, nhân tai” - cụm từ này gần đây xuất hiện với mật độ khá dày khi các hiện tượng thời tiết cực đoan xảy ra càng nhiều hơn. Và giờ thì cả nông dân và dân thị thành đều chung cảnh ngộ “dở khóc, dở cười” khi mà “thị thành thừa mứa nước ngập, nông dân thì mỏi mòn chờ nước ngọt ngập đồng”!

Lo ngại với tốc độ hạ thấp mực nước trong các tầng nước ngầm ở đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh: HOÀI THANH

“Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) không còn là đất trù phú” - đó là nhận định chung của nhiều nhà khoa học. Sau 3 năm liên tiếp (2014-2016), vắng lũ, hạn - mặn lại hoành hành nghiêm trọng. Mà đỉnh điểm là trận hạn - mặn mùa khô năm 2016 đã gây thiệt hại nghiêm trọng: hàng trăm ngàn héc-ta lúa, mía, hoa màu, diện tích nuôi tôm, cây ăn trái thiệt hại nghiêm trọng. Trong đó, tình trạng khan hiếm nước ngọt cho sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp, sụp lún đất diễn ra nghiêm trọng trên diện rộng. Vấn đề đặt ra là ĐBSCL đang “phí phạm” sử dụng nguồn nước ngọt một cách không căn cơ. Mà hệ lụy của nó trong tương lai rất khó lường.

15 năm trước, ĐBSCL thường chỉ đối mặt với những thách thức đặt ra khi lũ lớn từ sông Mekong tràn về uy hiếp, gây thiệt hại cho sản xuất và đời sống của người dân. Tuy nhiên, tình thế hiện nay đã thay đổi. Liên tiếp 5 năm qua, ĐBSCL gần như không có lũ về, trong khi hạn - mặn gia tăng khốc liệt. Trước đây, người dân chỉ “chạy lũ” di dân cục bộ thời gian ngắn rồi quay về địa phương tiếp tục sản xuất. Tuy nhiên, tác động của hạn - mặn nặng nề hơn: nhiều vùng đất trở nên “sa mạc hóa”. Tình trạng di dân về các đô thị lớn tìm phương kế mưu sinh, bỏ trống đất ngày càng nhiều. “Chúng tôi đến nhiều vùng nông thôn ĐBSCL không khỏi giật mình, vì trai trẻ bỏ quê đi Bình Dương mưu sinh rất nhiều. Chỉ còn phụ nữ và người già bám trụ ở quê”, tiến sĩ Dương Văn Ni (Đại học Cần Thơ) cho biết. Theo tiến sĩ Dương Văn Ni: “Trong cái rủi, có cái may. Những thiệt hại do đợt hạn - mặn gây ra vừa qua là cảnh báo: ĐBSCL không còn là vùng đất trù phú và là cơ hội để tái bố trí lại dân cư cho phù hợp với vùng đất”.

Nghe nhận định của tiến sĩ Ni không biết nên vui hay buồn thêm! Thật ra tiến sĩ Dương Văn Ni là người tâm huyết, đã bỏ nhiều công sức nghiên cứu về sản xuất, hệ sinh thái, tập quán của người dân trong vùng rất kỹ. Tiến sĩ luôn có cái nhìn trung dung về nước mặn và nước ngọt: “Nước mặn nhiều thì nuôi tôm, nước ngọt nhiều thì trồng lúa”!

Song, điều mà tiến sĩ Dương Văn Ni lo lắng là: “ĐBSCL không có phù sa thì chết chắc. Các đập thủy điện thượng nguồn đang giết chết vùng hạ nguồn là từ phù sa chứ không phải nguồn nước. Nếu chỉ bàn mỗi cái về nguồn nước ngọt không thôi là không đủ”! Điều này hoàn toàn chính xác. Bởi theo số liệu của Cục Quản lý tài nguyên nước: 6 công trình thủy điện thuộc lãnh thổ Trung Quốc (Công Quả Kiều, Tiểu Loan, Mãn Loan, Đại Triệu Sơn, Nọa Trác Độ và Cảnh Hồng) đi vào hoạt động từ năm 2010 và 2013 đã gây ra tác động đáng kể lên cả chế độ dòng chảy và chế độ phù sa bùn cát về phía hạ lưu - trong đó có ĐBSCL. Trước khi có 6 đập này, tổng lượng phù sa tới vùng hạ lưu sông Mekong khoảng 85 triệu tấn/năm (cả phù sa lơ lửng và bùn cát đáy). Tuy nhiên, sử dụng mô hình phù sa bùn cát, các nhà khoa học đã tính toán: Tổng lượng phù sa đã sụt giảm mạnh chỉ còn 10,4 triệu tấn/năm (giảm 78%). Đây là một cảnh báo nghiêm trọng về sự phát triển của châu thổ ĐBSCL. ĐBSCL được kiến tạo một phần bởi phù sa bùn, cát bồi đắp từ dòng Mekong hàng ngàn năm qua. Tình trạng đất sụp lún, trượt ngày càng gia tăng ở các tỉnh ven biển ĐBSCL.

Một nỗi lo đi kèm với tình trạng này là người dân trong vùng đang xài hoang phí các tầng nước ngầm. Theo số liệu quan trắc từ năm 1995 đến nay: Tốc độ hạ thấp mực nước trung bình trong các tầng nước ngầm ĐBSCL khoảng 0,15-0,4 m/năm (tùy theo tầng chứa nước và tùy theo từng khu vực). Khu vực có tốc độ hạ thấp mực nước lớn là tại các khu vực tập trung khai thác nước dưới đất quy mô lớn. Cụ thể là tại các thành phố của tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh… Có thể nói việc khai thác tầng nước ngầm ở ĐBSCL còn mang tính tự phát, chưa được phân bổ quy hoạch khai thác một cách hợp lý. Đáng báo động là tình trạng tự phát khai thác nguồn nước dưới đất mặn để nuôi tôm đã và đang gây ra tình trạng ô nhiễm nguồn nước mặt ở các vùng ven biển đã được ngọt hóa. Hệ lụy của nó là gây ra hiện tượng xâm nhập mặn ở ngay các tầng chứa nước khác.

Tiến sĩ Dương Văn Ni cho rằng: Trước đây kỹ năng sống của người dân trong vùng rất hay. Thời chiến tranh, người dân ở bán đảo Cà Mau luôn âm xuống đất một lu chứa nước mưa để dự phòng khi bị bom đạn quét sạch trên mặt đất. Sau giải phóng nhiều gia đình vẫn duy trì lu, kiệu… chứa nước mưa để vượt qua mùa khô hạn. Giờ, các “kỹ năng thích ứng” ấy đang bị mai một quên lãng!

Trong bối cảnh, các khu, cụm công nghiệp, hàng loạt nhà máy “bủa vây”, chực chờ gây ô nhiễm các dòng sông, nguồn nước ngọt cho người dân sinh hoạt và sản xuất trong mùa khô hạn tới đây đang càng mong manh! “ĐBSCL chưa đến nỗi phải xài sang, khai thác nguồn tài nguyên nước ngầm một cách nóng vội đến thế”, tiến sĩ Dương Văn Ni nhận định. Thiết nghĩ, đó cũng là thông điệp để cảnh báo sự “mong manh dễ tổn thương” của châu thổ miền Tây. Cần có một chiến lược toàn diện về sử dụng nguồn nước, gắn với quy hoạch sản xuất nông nghiệp theo hướng tiết kiệm nước ngọt.

CAO PHONG

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>