Áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất lúa: Giảm chi phí, tăng lợi nhuận

16/03/2023 | 05:04 GMT+7

Vụ lúa Đông xuân 2022-2023, nông dân trong tỉnh đẩy mạnh áp dụng khoa học kỹ thuật, đặc biệt là cơ giới hóa vào sản xuất đã mang lại nhiều hiệu quả.

Nông dân ở HTX Bình Hiếu, phường Vĩnh Tường, sử dụng máy để cấy lúa. Ảnh: H.NHÂN

Thay đổi tập quán canh tác

80ha lúa sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP của các thành viên HTX Long Bình 1, xã Long Phú, thị xã Long Mỹ, vừa được thu hoạch cách đây mấy hôm đạt năng suất hơn 800kg/công khiến nông dân phấn khởi. Đây là mô hình ứng dụng cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất lúa theo tiêu chuẩn GlobalGAP do Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp tỉnh thực hiện. Theo đó, đơn vị này hỗ trợ HTX 50% chi phí mua giống lúa ST 24, vật tư nông nghiệp và thiết bị bay không người lái để canh tác. Sau khi thu hoạch, nông dân lợi nhuận 30 triệu đồng/ha.

Ông Lê Quang Hạnh, Giám đốc HTX Long Bình 1, cho biết: Điều đặc biệt khi tham gia mô hình này, nông dân trong HTX được ngành chuyên môn hướng dẫn các kỹ thuật trong sản xuất lúa an toàn như sạ thưa, đồng loạt, né rầy, sử dụng lúa giống cấp xác nhận, giống lúa có năng suất, phẩm chất tốt và chống chịu sâu bệnh. Hướng dẫn nông dân sử dụng phân bón cân đối, hợp lý; dùng thuốc bảo vệ thực vật theo nguyên tắc “4 đúng”, tưới nước tiết kiệm theo từng giai đoạn sinh trưởng, tăng cường áp dụng cơ giới hoá để giảm thất thoát trong khâu thu hoạch, phơi sấy, tồn trữ… Ngoài ra còn tập huấn, đào tạo kỹ thuật vận hành máy móc, thiết bị bay phun thuốc cho nông dân và hướng dẫn ghi chép nhật ký thực hiện dịch vụ, hạch toán thu chi, lợi nhuận hàng tháng.

Thông qua mô hình này để giúp nông dân ứng dụng cơ giới hoá đồng bộ trong sản xuất lúa đạt tiêu chuẩn GlobalGAP nâng cao giá trị sản phẩm lúa và tăng thu nhập ít nhất 10% cho người trồng lúa; giảm nhân công lao động, chi phí trong sản xuất, liên kết tiêu thụ sản phẩm lúa cho người tham gia mô hình; nâng cao giá trị hạt lúa, mở rộng thị trường tiêu thụ.

Còn tại phường Vĩnh Tường, thị xã Long Mỹ, cánh đồng lúa rộng 160ha thuộc Hợp tác xã Nông nghiệp Bình Hiếu vừa thu hoạch xong vụ lúa Đông xuân 2022-2023 với năng suất lúa hơn 1 tấn/công. Đã trải qua cả chục vụ lúa liên tiếp, các hộ nông dân ở khu vực này chỉ chọn thực hiện biện pháp gieo cấy thưa bằng máy cấy, thay cho sạ thưa hay kéo hàng. Đối với các nông dân này, đây là giải pháp sản xuất lúa tiên tiến nhất, gieo cấy thưa bằng máy chỉ tốn lúa giống 50kg/ha để làm mạ. Trong khi sạ thưa cũng tốn từ 100-120kg lúa giống/ha, còn kéo hàng cũng mất 80-90kg/ha. Nếu so với tập quán sạ dày 180-200kg lúa giống/ha trước kia thì đã giảm khá nhiều, nhưng vẫn không hiệu quả bằng giải pháp cấy máy.

Ông Nguyễn Văn Hiện, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Bình Hiếu, cho hay: Cấy bằng máy chỉ mất khoảng 20 phút/công, giảm đáng kể chi phí ngày công và tiết kiệm sức lao động cho nông dân. Mặt khác, cấy bằng máy rất thuận tiện cho việc chăm sóc; lúa ít bị sâu bệnh; tiết kiệm thời gian, giải phóng sức lao động. Nếu như ruộng lúa áp dụng phương pháp cấy thì việc khử lẫn lúa khá dễ dàng cho nông dân, bởi lúa cấy ngay hàng thẳng lối, khoảng cách giữa các cây lúa phù hợp nên khi phát hiện lúa mọc ngoài hàng cấy là biết lúa lẫn ngay từ nhỏ, sẽ dễ dàng nhổ bỏ, còn nếu hộ dân áp dụng sạ lúa lan theo cách truyền thống, phải đợi lúa trổ mới khử lẫn được. Đó là một trong những hiệu quả máy cấy đem lại cho người nông dân khi ứng dụng máy cấy vào sản xuất…

Vụ lúa Đông xuân 2022-2023, các xã viên ở HTX Nông nghiệp Bình Hiếu hợp tác với doanh nghiệp làm 2 giống lúa là Đài Thơm 8, Hương Châu 6. Tất cả đều được cấy bằng máy và chăm sóc theo quy trình làm lúa giống. Ngay khi những chiếc máy gặt đập liên hợp xuống đồng thu hoạch thì ghe tải lớn của doanh nghiệp đã đậu chực chờ sẵn ở bờ sông để chở những bao lúa đầy ắp về nhà máy sấy, chế biến thành phẩm. Vụ này giá vật tư tăng khá cao, giá thuốc bảo vệ thực vật cũng tăng mạnh. Giá công cắt từ 280.000 lên 320.000 đồng/công (công 1.300m2). Nếu lúa bị đổ ngã nhiều thì lên đến 350.000-400.000 đồng/công. Nhưng nhờ áp dụng phương pháp gieo mạ khay và trồng lúa cấy nên lúa rất ít bị đổ ngã, công thu hoạch tăng không nhiều.

Nâng cao hiệu quả sản xuất

Hộ của anh Hồ Văn Hồng, thành viên Hợp tác xã Nông nghiệp Bình Hiếu có 6,5ha đất làm giống lúa Hương Châu 6 cũng vừa thu hoạch xong. Theo tính toán của anh Hồng, vụ này nếu cộng hết mọi chi phí từ giống, vật tư, chăm sóc đến thu hoạch thì mỗi công tốn khoảng 2,5 triệu đồng. Thu hoạch được 1,1 tấn/công, giá bán 6.800 đồng/kg, tổng thu khoảng 7,5 triệu đồng, lời 5 triệu đồng/công.

Anh Hồng cho biết thêm: “Chi phí nông dân bỏ ra để làm lúa cấy ban đầu thấy nhiều nhưng tính kỹ ra lại rẻ. Chi phí công cấy cao so với mướn sạ phun bằng máy nhưng bù lại nông dân đã có lợi nhờ giảm được từ 50-70kg lúa giống/ha. Nhưng cái lợi lớn hơn chính là lúa thưa đều, phát triển nhanh nên giảm được công chăm sóc, giảm chi phí phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Giá phân bón giờ đã lên 1,2-1,3 triệu đồng/bao (DAP) thì cấy thưa để giảm lượng phân bón là hiệu quả nhất. Đến khi thu hoạch năng suất lúa vẫn cao mà chi phí đầu tư giảm nên hạ được giá thành, đảm bảo duy trì được mức lãi như kỳ vọng”.

 Hiện tại HTX đã được Nhà nước hỗ trợ và tự đầu tư 9 máy cấy Kubota (4 hàng) và 3 máy cấy Yamaha (6 hàng), công suất cấy từ 10-15ha/ngày. Mỗi vụ lúa có khả năng đáp ứng dịch vụ làm mạ khay, máy cấy cho xã viên và bà con khu vực lân cận khoảng 200ha. Ngoài ra, còn tận dụng lịch thời gian mùa vụ khác nhau đi làm dịch vụ cho các huyện, thành phố trong tỉnh, kể cả qua tỉnh Kiên Giang khoảng trên 100ha nữa, với giá dịch vụ gieo mạ và cấy ở mức 500.000-520.000 đồng/công.

Đánh giá hiệu quả cách làm này, ông Trần Hoàng Phúc, Trưởng trạm Khuyến nông thị xã Long Mỹ, cho biết thêm: Nông dân trong các mô hình sản xuất lúa chất lượng cao ở thị xã nhờ áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đưa cơ giới hóa vào toàn bộ quá trình canh tác lúa đã giúp bà con nâng cao chất lượng lúa hàng hóa, tăng lợi nhuận. Qua thực tế triển khai mô hình ứng dụng mạ khay, máy cấy trên địa bàn thị xã đã góp phần tăng năng suất lao động, giảm giống lúa, hiệu quả kinh tế cao hơn so với cấy truyền thống. Bên cạnh đó, việc ứng dụng cơ giới hóa khâu gieo cấy lúa giúp nông dân thay đổi tập quán sản xuất lúa nhỏ lẻ, manh mún, thúc đẩy liên kết để hình thành vùng sản xuất cánh đồng lúa lớn.

Toàn tỉnh có khoảng 200.000ha đất trồng lúa/năm. Tỉnh có khoảng 1.400 máy làm đất các loại và khoảng 350 máy gặt đập liên hợp, cơ bản đáp ứng nhu cầu cơ giới hóa trong sản xuất lúa của tỉnh ở 2 khâu cơ bản là thu hoạch và làm đất. Hậu Giang cũng đã xây dựng đề án cơ giới hóa và đã hỗ trợ nhiều máy móc thiết bị cho nông dân.

Thời gian qua, ngành nông nghiệp tỉnh đã đẩy mạnh khuyến cáo nông dân áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất lúa đã làm thay đổi dần tập quán canh tác lúa của người nông dân từ sạ lan, sạ dày sang sạ thưa, sạ hàng, sạ khóm, cấy máy và hướng đến là sạ và phun thuốc bằng máy bay không người lái. Qua đây, đã giúp cho bà con nông dân giảm chi phí đầu vào, nâng cao năng suất, chất lượng, tăng hiệu quả kinh tế và góp phần bảo vệ môi trường sống, cũng như sức khỏe người nông dân. Thời gian tới, ngành nông nghiệp tỉnh sẽ tiếp tục xây dựng nhiều dự án liên quan đến cơ giới hóa vào khâu gieo cấy lúa, nhất là sẽ ứng dụng mô hình canh tác lúa thông minh để làm những điểm trình diễn giúp người dân học tập, ứng dụng và làm theo hướng công nghệ 4.0.

Theo Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, các mô hình áp dụng cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất lúa đã làm thay đổi nhận thức của nông dân về sản xuất nông nghiệp theo hướng áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất đã làm tăng năng suất lao động rất nhiều lần so với lao động thủ công. Đảm bảo kịp thời vụ, khắc phục những khó khăn về thiếu nhân lực trong sản xuất nông nghiệp đặc biệt là vào các thời điểm gieo cấy và thu hoạch; giảm chi phí sản xuất từ 25-40% tùy theo từng khâu cơ giới hóa; giảm đáng kể tỷ lệ thất thoát trong thu hoạch xuống còn dưới 3%, nâng cao chất lượng nông sản. Tăng hiệu quả kinh tế trong sản xuất lúa từ 25-30%. Tăng thu nhập cho người dân trồng lúa, nâng cao hiệu quả trong sản xuất lúa, thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp, giảm thiểu tình trạng nông dân bỏ ruộng. Tạo điều kiện bố trí lao động dư dôi phát triển ngành nghề nông thôn tăng thu nhập cho người dân tiến tới xóa nghèo bền vững.

Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT) cho biết, chỉ riêng việc ứng dụng cơ giới hóa khâu gieo cấy (mạ khay, máy cấy) vào sản xuất lúa tăng năng suất lao động trên 2 lần, giảm chi phí khâu gieo cấy; giảm 25% lượng hạt giống so với phương pháp gieo cấy truyền thống; năng suất lúa bằng hoặc cao hơn so với sản xuất đại trà; tăng hiệu quả kinh tế, khắc phục thời tiết bất thuận khi gieo cấy, nâng cao hiệu quả sản xuất lúa, góp phần đẩy nhanh đưa cơ giới hóa đồng bộ vào sản xuất lúa. Đồng thời tạo tiền đề hình thành các tổ hợp tác dịch vụ cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp, giảm tối thiểu 10% chi phí dịch vụ mạ khay cấy máy so với giá dịch vụ cùng loại trên thị trường.

 

H.THU - H.NHÂN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>