Áp lực trước vụ mía mới

31/07/2019 | 17:42 GMT+7

Dù còn khoảng 2 tháng nữa mới vào vụ thu hoạch của niên vụ mía 2019-2020, thế nhưng trước nhiều yếu tố bất lợi đang diễn ra như nhà máy đường đóng cửa, giá bao tiêu thấp... khiến người trồng mía trên địa bàn tỉnh hoang mang, lo lắng.

Nông dân trồng mía huyện Phụng Hiệp lo lắng vì giá bao tiêu mía thấp và khả năng tiếp tục đối mặt thua lỗ.

Người trồng mía nản lòng

Là một trong số ít hộ dân ở ấp Hiệp Hòa, xã Hiệp Hưng, huyện Phụng Hiệp, còn tiếp tục gắn bó với cây mía và dù gia đình vừa được nhân viên của Công ty Cổ phần Mía đường Cần Thơ (Casuco) triển khai ký hợp đồng bao tiêu với diện tích gần 2ha mía (giống ROC 16), thế nhưng ông Nguyễn Văn Lợi và bà con trồng mía nơi đây không thể hiện sự phấn khởi. Ngược lại, ông Lợi rất buồn vì giá bao tiêu mà Casuco đưa ra chỉ có 700 đồng/kg, mía 10 chữ đường cân tại rẫy. “Tuy chưa bán mía nhưng nông dân trồng mía như tôi cầm chắc là sẽ thua lỗ. Bởi, chi phí đầu tư 1kg mía thường không dưới 700 đồng/kg, chưa kể năm nay giá phân bón, thuốc trừ sâu, dịch bệnh tăng hơn mọi năm nên giá thành sẽ còn cao và không biết tiền mướn nhân công đốn mía sắp tới có tăng lên hay không vì lao động nông thôn lúc này rất khan hiếm. Nhìn chung, mọi chi phí đều tăng, chỉ có giá mía là giảm nên bà con rất nản lòng với cây mía”, ông Lợi bộc bạch.

Theo nhiều nông dân trồng mía trên địa bàn huyện Phụng Hiệp, đã 2 vụ mía liên tiếp vừa qua, bà con chưa được hưởng được niềm vui từ cây mía mang lại vì chỉ huề vốn và thu lỗ sau khi cân mía xong cho thương lái. Trong khi, đây là cây trồng lâu ngày, mỗi năm chỉ thu hoạch một lần và mọi chi tiêu trong gia đình đều trông chờ vào cây mía. Trước tình cảnh trồng mía không có lời trong những năm gần đây nên vùng mía Hậu Giang, nơi có diện tích mía lớn nhất của vùng ĐBSCL đang rơi vào tình cảnh thưa dần diện tích mía do nông dân chuyển sang cây trồng khác. Ngoài ra, trước tình cảnh giá bao tiêu thấp như hiện nay và dự báo tình hình tiêu thụ mía sắp tới tiếp tục gặp nhiều khó khăn, nên không ít nông dân trồng mía tại Hậu Giang đang có định hướng chuyển sang những cây trồng phù hợp khác.

Ông Đỗ Văn Phát, ở ấp Thống Nhất, thị trấn Cây Dương, huyện Phụng Hiệp, chia sẻ: “Tôi  đã gắn bó với cây mía hơn 30 năm nay và chưa bao giờ rơi vào tình cảnh khó khăn như 2 vụ mía vừa qua và sắp đối mặt tiếp với vụ mía “đắng” thứ 3. Do bán mía bị thua lỗ, không có tiền trả cho đại lý bán phân bón, tiền thuê đất nên nhiều hộ xứ này đã bỏ nhà lên thành phố làm công nhân. Riêng tôi, vụ rồi cũng muốn bỏ cây mía nhưng chưa đành. Tuy nhiên, với giá bao tiêu mà nhà máy đường đưa ra thấp như vầy (700 đồng/kg) thì chắc bán mía xong gia đình tôi sẽ chuyển sang trồng hoa màu, trồng chuối để có nguồn lợi nhuận chứ không thể đeo theo cây mía nữa”.

Cùng tâm trạng, ông Nguyễn Văn Lợi, ở ấp Hiệp Hòa, xã Hiệp Hưng, cho biết thêm: “Hai vụ mía liên tiếp vừa qua, gia đình tôi bị thua lỗ hơn 80 triệu đồng sau khi bán mía xong. Sang năm nay tính ráng đầu tư, chăm sóc để phần nào bù đắp lại, nhưng không ngờ tình hình còn tệ hơn. Do đó, chắc phải đến lúc tính chuyện chuyển đổi sang cây trồng khác để có hiệu quả kinh tế lâu dài”.  

Không riêng tại vùng mía lớn nhất tỉnh là huyện Phụng Hiệp mà ở vùng mía thành phố Vị Thanh và thị xã Ngã Bảy hiện cũng có không ít bà con có ý nghĩ tương tự. Ông Trần Văn Ngây, ở ấp Thạnh Lợi, xã Hỏa Lựu, thành phố Vị Thanh, cho hay: “Vụ ép mía sắp tới, Xí nghiệp đường Vị Thanh đóng cửa, còn giá bao tiêu thì ở mức thấp nên dự báo nhiều khó khăn cho bà con trồng mía nơi đây khi vào vụ thu hoạch. Trước tình cảnh này thì số ít nông dân còn bám trụ với cây mía ở ấp này đã tính đến chuyện bỏ mía để chuyển sang trồng bắp, rau màu, cây ăn trái… đang cho hiệu quả kinh tế cao hơn cây mía”.

Trước tình hình nông dân không còn mặn mà với cây mía vì sản xuất không mang lại hiệu quả, thua lỗ nên chuyện chia tay với cây mía là việc làm khó tránh khỏi. Tuy nhiên, khi nông dân bỏ cây mía thì các nhà máy đường sẽ gặp khó vì không có nguồn nguyên liệu hoạt động. Do đó, các nhà máy đường cần có giải pháp phù hợp hơn trong lúc này, nhất là về giá và hình thức thu mua mía như thế nào hợp lý trong đợt thu hoạch mía sắp tới để nông dân có lời, tạo động lực cho bà con tái sản xuất, góp phần giữ vững vùng mía nguyên liệu.

Chưa thống nhất diện tích, sản lượng

Bên cạnh nỗi lo của người trồng mía về giá bao tiêu và chuyện bà con có ý định tiếp tục chuyển đổi đất mía sang cây trồng khác, thì một vấn đề khác cũng đang gây sự quan tâm của dư luận là việc nhà máy đường và ngành chức năng tỉnh chưa thống nhất về số liệu diện tích mía hiện tại, cũng như ước năng suất mía bình quân của tỉnh. Việc lấn cấn này phần nào ảnh hưởng đến kế hoạch sản xuất, phân chia thời điểm thu hoạch mía của các đơn vị. Theo đó, qua thống kê của Sở NN&PTNT tỉnh, niên vụ mía 2019-2020, nông dân Hậu Giang xuống giống được 8.467ha, tập trung ở 3 địa phương là huyện Phụng Hiệp, thị xã Ngã Bảy và thành phố Vị Thanh. Thế nhưng về phía Casuco, sau khi khảo sát, đánh giá thì đơn vị này báo cáo diện tích mía niên vụ 2019-2020 của toàn vùng Hậu Giang chỉ có 6.007ha. Mặt khác, ngành nông nghiệp tỉnh đánh giá năng suất mía bình quân của tỉnh thường dao động từ 90-100 tấn/ha, trong khi phía Casuco ước năng suất mía bình quân của Hậu Giang trong vụ thu hoạch sắp tới chỉ 60 tấn/ha.

Trước những lấn cấn trên và chưa rõ ai đúng, ai sai nhưng dư luận đặt ra nhiều nghi vấn. Với Casuco, từ lý do diện tích mía ít, năng suất thấp khi Casuco tính tổng sản lượng mía của tỉnh chỉ có từ 350.000-400.000 tấn của niên vụ 2019-2020, riêng sản lượng phục vụ cho Casuco khoảng 200.000-250.000 tấn. Do không đủ nguồn nguyên liệu nên Casuco quyết định đóng cửa một trong hai nhà máy đường của mình tại Hậu Giang trong vụ ép mía sắp tới. Chính việc Casuco đóng cửa một nhà máy đường đã đặt ra nhiều lo lắng cho ngành chức năng và người trồng mía, nhất là tại vùng mía thành phố Vị Thanh vì bà con sẽ gặp nhiều khó khăn trong vận chuyển mía nguyên liệu về nhà máy đường Phụng Hiệp để tiêu thụ trước điều kiện giá mía thấp. Ngoài ra, việc Casuco chỉ hoạt động một nhà máy đường còn đặt ra áp lực tiêu thụ mía cho nông dân, đặc biệt là vào thời điểm thu hoạch mía rộ, nước lũ dâng…

Từ những vấn đề bất cập như trên, hiện lãnh đạo ngành nông nghiệp tỉnh đã yêu cầu các đơn vị liên quan của ngành tiến hành rà soát lại tình hình sản xuất mía thực chất của nông dân tại các địa phương, cũng như có sự đánh giá năng suất mía bình quân chính xác hơn để tham mưu cho UBND tỉnh có sự chỉ đạo phù hợp, giúp nông dân an tâm trồng mía.   

   Bài, ảnh: HỮU PHƯỚC

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>