“Bà đỡ” cho cá

14/05/2020 | 08:10 GMT+7

Trong giới sản xuất cá giống thường gọi anh Sáu Liêm (Trần Văn Liêm), ở ấp Xẻo Cao A, xã Thạnh Xuân, huyện Châu Thành A, là “bà đỡ” cho cá. Bởi sự mát tay của anh đã ép đẻ thành công giống cá thát lát còm có giá trị kinh tế cao, cung cấp nguồn giống ổn định cho người nuôi cá thương phẩm trong và ngoài tỉnh.

Anh Liêm chuẩn bị cho đợt ép cá thát lát giống.

Đưa tôi tham quan một vòng cơ sở của mình nằm ẩn giữa màu xanh của vườn cây ăn trái, từng dãy hồ cá xi măng nằm trải dài với những tấm lưới che phía trên, anh Liêm cho biết mỗi năm cơ sở của anh có thể cung ứng cho người nuôi trong và ngoài tỉnh khoảng 15 triệu con cá bột giống thát lát còm, doanh thu hàng năm đạt mức hơn 1,5 tỉ đồng. Chỉ tay về phía nhiều ao nuôi, bể chứa cá giống bố mẹ, cá con, anh nói đó là đàn cá giống anh chuẩn bị chuyển cho người nuôi trong và ngoài tỉnh. Rồi anh mở đầu câu chuyện làm nghề nuôi ép cá giống của mình, anh Liêm cho biết: “Tôi sinh ra trong một gia đình nông dân, cha mẹ tôi ruộng đất không nhiều, việc học hành chữ nghĩa tôi cũng không hơn ai”.

Lớn lên anh chọn công việc làm thuê giao thức ăn cho các trại nuôi cá giống. Có lẽ do tiếp xúc nhiều với các loại cá, tôm nên riết rồi cũng đam mê nghề nghiệp. Cứ mỗi lần giao hàng cho chủ, thấy người ta bắt cá nặn trứng cho sinh sản bằng phương pháp nhân tạo là anh chăm chú đứng xem để học hỏi và rồi ý tưởng sản xuất cá giống cũng bắt đầu từ đó. Sau gần 1 năm (2005) tìm tòi, với bao lần thất bại, anh cũng cho ép nở thành công mẻ cá đầu tiên với 10.000 con cá thát lát bột, anh bán được hơn 40 triệu đồng, anh mừng không kềm được xúc động mà bật khóc vì hạnh phúc. Trong suốt 15 năm làm nghề “bà đỡ” cho giống cá thát lát còm sinh sản nhân tạo anh chưa lần thất bại, chỉ có khó là việc chọn cá bố mẹ. Khi có đàn cá ưng ý, phải mất thời gian dài nuôi vỗ thì mới có đàn cá bố mẹ thành thục, từ đó chọn tiếp khoảng 30-40% số cá bố mẹ tốt nhất để đưa vào cho sinh sản.

Với những người nuôi cá thát lát thương phẩm thì thương hiệu cá giống Sáu Liêm đã trở nên thân thuộc với việc giúp nông dân chủ động được nguồn giống trong nuôi thương phẩm để họ yên tâm làm giàu. Anh Liêm không chỉ bán con giống mà còn đồng hành với người nuôi cá khi có vấn đề về dinh dưỡng, nguồn nước, dịch bệnh có thể gọi anh bất cứ lúc nào. Dù là người ương thành công giống cá thát lát, nhưng anh Liêm không nuôi cá thịt mà chỉ cung ứng cá giống. Bà con đến mua cá giống khi gặp khó khăn về kỹ thuật đều được anh tận tình chỉ dẫn cặn kẽ từ cách chăm sóc, mật độ thả nuôi đến các bệnh thường gặp... Có những người ở tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu, An Giang, Cần Thơ... nghe tiếng Sáu Liêm đã tìm đến để mua cá giống của anh về nuôi và chỉ tin tưởng cá giống do cơ sở anh Liêm cung cấp. Sự gắn bó, gần gũi với nông dân đã giúp anh Liêm nhận được lòng tin của họ, những ý tưởng sinh sản nhân tạo giống cá thát lát của anh hầu hết đều xuất phát từ nhu cầu thực tiễn của người nuôi.

Có khá nhiều người hiểu biết về anh, họ cho rằng trước khi gắn bó với nghề ương cá giống, anh Liêm cũng trải qua một thời gian kinh tế khó khăn. Khi nghe tin anh Liêm đang ép cá thát lát còm đẻ để làm giống, không ít người nói ông này làm chuyện hổng giống ai, nhưng anh Liêm lại nghĩ khác: “Hổng ai làm, mình làm được thì giá trị mới cao, không thử thì làm sao biết mình không làm được”. Vậy là hàng chục cặp cá thát lát bố mẹ hoang dã được anh Liêm mua và thuần dưỡng, sau đó bắt đầu đặt ổ, ép cá lấy trứng. Tất cả đều diễn ra tốt đẹp, anh Liêm mừng nghĩ thầm “phen này thành công cầm chắc”.

Hiện nay, cho dù ở địa phương có nhiều cơ sở khác cũng cung cấp giống cá thát lát còm, nhưng hàng năm cơ sở của anh vẫn xuất bán hàng chục triệu con giống ra thị trường. Đó cũng là nhờ anh biết cách áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất mà trại cá của anh Liêm luôn phát triển, sản lượng mỗi năm một tăng, mức lợi nhuận chủ yếu từ việc ương cá giống. Để đảm bảo chất lượng con giống và năng suất, theo anh Liêm thì ao nuôi cần phải thường xuyên được cải tạo, muốn cá giống sinh trưởng phát triển mạnh và hạn chế dịch bệnh phải cho cá ăn đúng giờ. Ao nuôi phải được vệ sinh theo đúng định kỳ, sau mỗi lứa thu hoạch cá giống, cần tháo hết nước trong ao rồi rải vôi bột khử trùng, hoặc xử lý ao nuôi trước khi thả cá bằng các chế phẩm sinh học.

Theo cán bộ tổ kỹ thuật nông nghiệp xã Thạnh Xuân, với cách làm của anh Liêm mà nhiều năm nay gia đình đã có thu nhập cao từ nghề ương nuôi cá giống. Đồng thời, còn tạo điều kiện cho nhiều bà con trong vùng nuôi trồng thủy sản có thêm phần thu nhập, góp phần không nhỏ vào công cuộc xóa đói giảm nghèo của địa phương trong tiến trình xây dựng nông thôn mới.

Bài, ảnh: QUANG HẢI

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>