Bất lợi vụ lúa Thu đông

23/08/2017 | 07:39 GMT+7

Sau nhiều năm canh tác thuận lợi, vụ lúa Thu đông (lúa vụ 3) năm nay của nông dân trên địa bàn tỉnh phải đối mặt với nhiều khó khăn từ khi xuống giống đến ngày thu hoạch. Chính vì vậy, nhiều người mất vui vì biết rằng khó kiếm được nguồn lợi nhuận như mong muốn.

Điệp khúc “mất mùa được giá” tái diễn với nông dân đang thu hoạch lúa Thu đông trong lúc này.

Năng suất lúa giảm

Hiện nay, nhiều nông dân xuống giống sớm vụ lúa Thu đông tại một số địa phương của huyện Vị Thủy, Châu Thành A và thành phố Vị Thanh đã bước vào thu hoạch rộ. Năm nay, tuy giá lúa đang ở mức từ 5.000-5.050 đồng/kg, tăng khoảng 200 đồng/kg so với cùng kỳ, nhưng do năng suất lúa giảm nên đa phần bà con cắt lúa trong lúc này đều không có lợi nhuận và điệp khúc “mất mùa được giá” lại diễn ra.

Ngồi trên bờ mẫu nhìn máy cắt đang thu hoạch 7 công lúa (giống OM 5451) của gia đình, ông Huỳnh Văn Tới, ở ấp 11, xã Vị Trung, huyện Vị Thủy, cho biết: “Tuy chưa cân lúa nhưng tôi ước tính chỉ đạt năng suất khoảng 500-550 kg/công, vì cả cánh đồng này chưa ai được hơn 600 kg/công, trong khi cùng kỳ năm rồi được 700-750 kg/công. Dù lúa bán được giá 5.050 đồng/kg nhưng với năng suất này thì khó kiếm được đồng lời cao, có hộ chỉ huề vốn, thậm chí còn bị lỗ do chi phí vụ này tăng”.

Theo bà con nông dân, nếu như vụ lúa Thu đông những năm trước, tình hình sản xuất gặp thuận lợi bao nhiêu thì vụ này lại gặp bất lợi bấy nhiêu. Cụ thể, ngay từ khi xuống giống là gặp mưa dầm liên tục phải trực máy bơm nước liên tục và phải sạ thêm lúa giống vào. Đến khi lúa khoảng 30 ngày tuổi thì bị rầy nâu tấn công mạnh và các dịch hại xuất hiện cũng nhiều, khi lúa trổ bông thì đúng ngay đợt mưa dầm do bão nên hạt lúa bị lép. Còn sắp đến ngày thu hoạch thì nước lũ về sớm và dâng cao nên phải lấy máy bơm cạn nước trên đồng mới thu hoạch được… Từ những bất lợi trên dẫn đến năng suất lúa thấp và chuyện nông dân bị thua lỗ trong vụ này là điều khó tránh khỏi.

Ông Nguyễn Văn Mậu, ở cùng ấp 11, xã Vị Trung, chia sẻ: “Thời tiết bất thường làm lúa ngày một khó khăn nên nhiều nông dân không còn tha thiết làm lúa vụ 3 nữa vì không có lời. Nếu vụ Thu đông năm rồi, cánh đồng nơi đây thu hoạch lúa khô ráo chẳng khác nào vụ Đông xuân thì năm nay lũ về sớm trong những ngày qua làm ngập cả cánh đồng. Để máy cắt lúa có thể lên ruộng thu hoạch cho khoảng 10ha tại cánh đồng này, bà con phải dùng 6 máy bơm để rút nước trong ruộng ra ngoài suốt cả ngày lẫn đêm”.

Cùng nỗi lo lũ về sớm, ông Huỳnh Thanh Hải, ở khu vực 4, phường V, thành phố Vị Thanh, thông tin: “Năm nay, lũ về sớm ai cũng bất ngờ và lo lắng, nhất là những hộ chưa cắt lúa như tôi. Hiện tại, 3,4ha lúa của gia đình và nhiều bà con khác nơi đây còn khoảng một tuần nữa mới thu hoạch, nhưng nước lũ đã làm ngập hơn nửa cây lúa trong nhiều ngày qua. Giống như nhiều cánh đồng khác, bà con nơi đây đang chuẩn bị máy bơm để rút nước ra để máy cắt vào thu hoạch thuận lợi”.

Dịch bệnh hoành hành    

Nếu những hộ đang thu hoạch lúa không vui vì năng suất giảm thì những nông dân có lúa trong giai đoạn trổ - chín còn rầu lo hơn vì tình hình dịch hại đang hoành hành, nhất là bệnh cháy bìa lá lúa (bệnh bạc lá) nên khả năng năng suất sẽ còn giảm nhiều hơn đối với những hộ cắt lúa trong lúc này. Ghi nhận tại cánh đồng lúa ở ấp 5, xã Vị Thanh, huyện Vị Thủy vào chiều ngày 21-8, nhiều nông dân nơi đây đang tích cực xịt thuốc nhằm khống chế bệnh cháy bìa lá lây lan sang diện rộng.

Vừa phun thuốc trị bệnh cháy bìa lá xong cho 1,5ha lúa của gia đình được 75 ngày tuổi, anh Nguyễn Thanh Tân, ở ấp 5, xã Vị Thanh, cho hay: “Thông thường, vụ lúa Thu đông cũng hay gặp bệnh cháy bìa lá nhưng chỉ khoảng 5% mà thôi. Riêng năm nay, ruộng của tôi bị gần 100%, cho dù khi mới phát hiện là định kỳ 7 ngày tôi phun thuốc một lần nhưng bệnh không hết mà ngày càng nặng thêm. Tôi đang lo từ nay đến ngày thu hoạch còn đến nửa tháng, nhưng với tình hình này thì tới lúc cắt năng suất lúa sẽ giảm nhiều”.

Mặc dù chưa có số liệu thống kê cụ thể về diện tích bị nhiễm bệnh cháy bìa lá của ngành chức năng, nhưng qua quan sát của chúng tôi, hiện dọc theo tuyến Quốc lộ 61 (đường nối Vị Thanh - Cần Thơ), hai bên đường có rất nhiều ruộng lúa của nông dân bị nhiễm bệnh này, với tỷ lệ phổ biến từ 10-30%, có ruộng gần 100%. Theo ngành chức năng, bệnh cháy bìa lá thường gây hại trên lúa ở giai đoạn làm đòng đến trổ trở về sau và đây cũng là giai đoạn sinh trưởng chủ yếu của lúa Thu đông trên địa bàn tỉnh trong lúc này, với diện tích gần 30.000ha trong tổng số gần 50.000ha đã xuống giống, đây thật sự là mối lo lắng cho bà con.

Ông Trần Ngọc Thể, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh cho rằng, do thời tiết mưa bão thường xuyên nên làm giảm khả năng chống chịu của cây lúa. Vì vậy, nông dân cần có biện pháp bón phân hợp lý và bổ sung thêm phân kali, silic để giúp cây lúa cứng cáp nhằm phòng tránh đổ ngã và khống chế dịch bệnh. Năm nay, điều kiện sản xuất bất lợi nên bà con cần thường xuyên thăm đồng để kịp thời phát hiện và phòng trị hiệu quả các loại dịch hại, đồng thời tranh thủ lúc thời tiết tốt nhanh chóng thu hoạch lúa để giảm thất thoát…

Theo Cục Trồng trọt, trước đây toàn vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) chỉ có 5-6 tỉnh có điều kiện về bờ bao, thủy lợi mới canh tác lúa vụ 3 nhằm tạo nguồn giống tốt cho vụ lúa Đông xuân. Nhưng những năm gần đây, do nhu cầu thị trường, giá cả ổn định ở mức cao nên hiện hầu hết các tỉnh ĐBSCL đều làm lúa vụ 3. Tuy nhiên, do bà con không tuân thủ về quy trình sản xuất, lịch thời vụ nên dịch hại trên lúa ngày một tăng, trong đó dịch rầy nâu và bệnh vàng lùn - lùn xoắn lá sau 10 năm khống chế nay xuất hiện trong vụ này và nguy cơ lây lan sang vụ sau.

Tại Hậu Giang, hiện toàn tỉnh ghi nhận có hơn 4.000ha lúa Thu đông bị nhiễm các loại dịch hại đang được nông dân tích cực phòng trị. Trong đó phổ biến là rầy nâu, bệnh vàng lùn - lùn xoắn lá, chuột, đạo ôn lá, đạo ôn cổ bông, lem lép hạt, cháy bìa lá…    

 

Bài, ảnh: HỮU PHƯỚC

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>