Bó hẹp đầu ra cây sương sáo

30/07/2021 | 14:34 GMT+7

Những năm gần đây, trồng sương sáo đã giúp nhiều nông dân huyện Phụng Hiệp vươn lên khá, giàu. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, giá sương sáo sụt giảm, nhiều nông dân rơi vào thế kho khi đầu ra hạn hẹp.

Ông Trần Công Tịnh, ở thị trấn Búng Tàu, trữ sướng sáo, chờ giá lên.

Huyện Phụng Hiệp là một trong những địa phương tiên phong bỏ mía sang trồng sương sáo của tỉnh. Sương sáo ở đây hợp thổ nhưỡng nên phát triển tốt, có mùi thơm đặc biệt nên được thương lái ưa chuộng. Nắm bắt điều này, bà con nhiều địa phương trong huyện chuyển sang trồng sương sáo, người này giúp đỡ kỹ thuật người kia. Có thời điểm, Phụng Hiệp là vùng trồng sương sáo lớn nhất tỉnh, thương lái đến chở đi bỏ moi khắp miền Tây, lên Thành phố Hồ Chí Minh, sang tận Đài Loan, Campuchia. Theo ông Trần Văn Tuấn, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Phụng Hiệp, người dân ở đây bắt đầu chuyển sang trồng sương sáo khoảng năm 2015, 2016, sau thời gian dài chịu trận vì mía liên tục rớt giá. Huyện hiện có 135ha trồng sương sáo, tập trung nhiều nhất ở xã Hiệp Hưng với khoảng 120ha, còn lại rải rác ở một số xã.

Tiếp chúng tôi vào một ngày đặc biệt, thời điểm dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, mọi hoạt động kinh tế đang chậm lại. Chỉ tay về số sương sáo đã phơi khô ở nhà, ông Trần Công Tịnh, ở thị trấn Búng Tàu, cho biết mới chuyển qua trồng sương sáo khoảng 3 năm trở lại đây, do thấy mía hay các loại rau màu khác không có giá, bỏ công nhiều nhưng lời chẳng bao nhiêu nên ông bàn với gia đình chuyển hẳn sang trồng loại cây này.

Theo ông Tịnh, sau 3 tháng xuống giống thì có thể thu hoạch, cắt xong một đợt, sương sáo lại đâm chồi và phát triển tiếp. Giống cây này nhẹ công chăm sóc, ít bị sâu bệnh. Dù vậy, để có được số sương sáo phơi khô như hiện tại ở nhà, phải bỏ công chăm sóc từ lúc mới gieo hạt. Thời điểm này, người trong phải tưới nước 2 lần vào sáng và chiều để hạt đủ độ ẩm, nảy mầm phát triển. Khâu nhổ cỏ là tốn nhiều công sức nhất, cỏ mọc chen vào những cây này nên người nhổ cỏ 1 ngày không được nhiều, phải tỉ mỉ, có khi tien thuê nhân công cũng tốn bộn tiền.

Nói về hiệu quả kinh tế của sương sáo so với trồng lúa, ông Tịnh nhẩm tính, một công đất trồng sương sáo nếu thu hoạch 2 đợt thì bình quân khoảng 1,5 tấn. Sau khi phơi khô bán cho thương lái, nếu sương sáo được giá 30.000 đồng/kg thì sau khi trừ chi phí khoảng 0,5 tấn, bà con sống khỏe.

Chia tay ông Tịnh, chúng tôi tìm đến nhà ông Nguyễn Văn Mai, ở xã Hiệp Hưng, huyện Phụng Hiệp. Kể với chúng tôi về bước ngoặt chuyển đổi cây trồng của gia đình, 11 năm trước, ở xứ này, đâu đâu người ta cũng trồng mía, nhưng rồi phong trào trồng mía thoái trào đặt bà con vào thế khó: giữ hay bỏ mía. Nhiều người do dự, số khác bấm bụng làm liều và giờ 7 công đất của gia đình ông Mai toàn màu xanh sương sáo chính là câu trả lời thỏa đáng cho bài toán ngày xưa. Cũng như nhiều loại nông sản khác, có lúc thăng lúc trầm, dịch bệnh đã kéo giá sương sáo giảm sâu. Ông Mai cho biết vừa bán hơn 1 tấn cho thương lái hồi tuần trước với giá 10.000 đồng/kg bán xô sương sáo khô; thân khô 8.000 đồng/kg, lá khô 16.000 đồng/kg; còn bán lẻ thì có giá hơn, dao động từ 23.000-24.000 đồng/kg, mức giá này giảm hơn 50% so với năm ngoái.

Hiện, ông Mai còn trữ lại trong nhà khoảng 3 tấn sương sáo khô, do giãn cách xã hội nên chưa có thương lái đến thu mua. Riêng 4 công còn lại đang thu hoạch để phơi khô neo lại, chờ giá lên. Mấy năm trước, mỗi công sương sáo thu được 800 đến 1 tấn khô. Nhưng do năm nay không có giá, phân bón tăng cao nên nông dân hạn chế sử dụng, chi phí làm cỏ cũng tăng cao làm cho nhiều người không mặn mòi khien nên sản lượng sương sao sụt giảm, còn khoảng 600kg khô/công. Không như một vài loại nông sản khác, sương sáo sau thu hoạch được phơi khô nên nếu điều kiện bảo quản tốt có thể trữ 1-2 năm, chờ giá nhích lên để tiêu thụ. Còn tình hình hiện nay, việc lưu thông bị ảnh hưởng do dịch bệnh nên việc vận chuyển, thu mua sương sáo của tiểu thương gặp không ít khó khăn.

Ông Trần Văn Tuấn, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Phụng Hiệp cho biết, tùy theo nhu cầu của thương lái mua thân hay lá sương sáo mà người dân thu hoạch rồi chia ra để bán. Có thời điểm sương sáo được giá, lên tới 45.000-50.000 đồng/kg, có khi 60.000 đồng/kg lá khô, còn thân cây dao động trong khoảng từ 15.000-30.000 đồng/kg tùy thời điểm. Nhưng đó là chuyện của những ngày trước dịch, mùa màng thuận lợi. Cũng như nhiều loại cây trồng khác, giá sương sáo có lúc thăng, lúc trầm, có một thời cây sương sáo làm nhiều hộ ở đây đau đầu vì đầu ra và giá cả. Sương sáo đến ngày thu hoạch già đến nỗi trổ bông khô héo cả cánh đồng, nông dân kêu bán rất khó khăn. Về định hướng sắp tới, khi dịch bệnh được kiểm soát, cuộc sống trở lại bình thường, địa phương tiếp tục khuyến khích bà con tập trung chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả sang cây trồng khác, trong đó có cây sương sáo.

Theo Phòng NN&PTNT huyện Phụng Hiệp, năm nay dịch Covid-19 tái bùng phát gây ảnh hưởng không nhỏ đến việc tiêu thụ sương sáo của bà con địa phương. Nếu như 2 năm gần đây, sương sáo có giá khá cao, khoảng 25.000- 30.000 đồng/kg thân, còn lá 45.000-50.000 đồng/kg thì nay giá rớt xuống còn 11.000-12.000 đồng/kg, có thời điểm còn 6.000-7.000 đồng/kg do việc vận chuyển hàng hóa đến các địa phương, đặc biệt là các mối hàng ở Thành phố Hồ Chí Minh của thương lái gặp khó nên nhiều người cũng không mặn mà thu mua.

 

Bài, ảnh: NGỌC HƯỞNG

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>