Cách làm của một câu lạc bộ khuyến nông

15/06/2018 | 08:47 GMT+7

Cùng liên kết, giúp nhau canh tác lúa để tăng thu nhập, đó là câu chuyện thành công ở Câu lạc bộ (CLB) Khuyến nông Thành Đạt, ở ấp Nhơn Xuân, thị trấn Một Ngàn, huyện Châu Thành A, đã làm được mấy năm nay.

Ông Phạm Văn Trang kỳ vọng CLB sẽ nâng lên HTX, cung cấp lúa chất lượng phục vụ ngày càng nhiều bà con trong và ngoài khu vực. 

Vụ Đông xuân năm 2017-2018, bà con trong CLB trúng mùa được giá với giống lúa OM 5451. Với giá bán 5.600 đồng/kg lúa, ước tính mỗi héc-ta, bà con thành viên CLB thu lời 22 triệu đồng. Có được kết quả đó là nhờ CLB tích cực vận động thành viên ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Ông Phạm Văn Trang, Chủ nhiệm CLB, cho biết: “Vụ Đông xuân 2017-2018 thành viên câu lạc bộ điều chọn giống OM 5451 để sản xuất. Bởi, bà con đều nhận định đây là giống có khả năng chống chịu rầy nâu và bệnh đạo ôn khá, tương đối cứng cây, mềm cơm. Nếu so với các giống khác thì OM 5451 chịu phèn và mặn tốt, thời gian sinh trưởng 88-95 ngày, năng suất cao. Bên cạnh đó, các thành viên còn ứng dụng sạ hàng và kết hợp gieo sạ đồng loạt, bơm tưới cùng lúc nên giảm được rất nhiều chi phí sản xuất và dịch bệnh”.

CLB thành lập từ năm 2007 với số lượng 19 thành viên. Lúc mới thành lập, CLB còn yếu vì thiếu vốn để làm dịch vụ và cung ứng cho hoạt động sản xuất lúa hàng hóa trong nội bộ. Ông Trang nhớ lại: “Khi mới thành lập, mạnh ai nấy làm nên hiệu quả không cao. Sau nhiều lần đi tập huấn theo các lớp khuyến nông, tôi nhận thấy áp dụng khoa học vào sản xuất là rất hiệu quả. Từ đó, tôi ứng dụng phương pháp sạ hàng, chỉ sử dụng 10kg lúa giống/công tầm lớn. Cuối vụ, năng suất lúa của gia đình tôi không kém gì các hộ liền kề, trong khi lúa giống chỉ sử dụng bằng một nửa so với hộ sạ lan. Hơn nữa, vì khoảng cách lúa thưa nên ít bị bệnh, tôi không cần phun xịt thuốc trừ sâu, bệnh nên giảm được nhiều chi phí. Từ đó, tất cả thành viên của CLB đều rất tin tưởng, hùn tiền lại được hơn chục triệu đồng để mua máy sạ hàng làm lúa”.

Kể từ đó đến nay, năm nào CLB cũng tổ chức hội nghị ăn mừng vì hoạt động ngày càng phát triển. CLB giờ có của ăn của để, có tài sản và nguồn quỹ hoạt động. CLB đã có tài sản chung là hệ thống 3 máy sạ hàng, 3 máy dầu bơm nước phục vụ cho bơm tưới, sản xuất. Nguồn quỹ hoạt động hàng năm luôn giữ ổn định ở mức 15 triệu đồng sau khi trừ chi phí bơm tưới, chia cho thành viên vào mỗi dịp cuối năm.

Ông Phạm Văn Hi, thành viên CLB nhớ lại: “Hồi đó, tôi cũng hay sạ lan, với 25kg/công lúa. Nhưng từ khi thấy chú Trang làm có hiệu quả, tôi đã bàn với gia đình sắm luôn một máy sạ hàng để phục vụ cho hơn 2ha ruộng nhà mình”. Không chỉ vậy, đa số thành viên CLB đã không còn sản xuất lúa vụ 3, thay vào đó là để đất trống thả cá, phục hồi dinh dưỡng cho đất. Ông Phạm Văn Viện, thành viên CLB nhận định: “Từ khi vào CLB được học các lớp IPM, làm lúa theo phương pháp 3 giảm 3 tăng, 1 phải 5 giảm và nhiều kiến thức khác nên vụ nào cũng trúng mùa. Bây giờ, tôi chỉ làm lúa 2 vụ rồi vụ 3 thả nước vào ruộng nuôi cá, không cực khổ mà còn có lời nhiều hơn làm lúa”.

Nhờ được “khai sáng” mà nhiều thành viên CLB canh tác lúa có hiệu quả, tăng thu trên chính mảnh ruộng của mình. Thấy vậy, 6 thành viên khác trong ấp cũng đăng ký gia nhập CLB, nâng tổng số thành viên lên 25 người. Ông Phạm Văn Trang, chủ nhiệm Câu lạc bộ Khuyến nông Thành Đạt, cho biết thêm: Gia đình của các thành viên trong CLB rất ủng hộ người thân tham gia vì thấy có lợi, không tốn tiền mà còn hỗ trợ nhau làm lúa. Chúng tôi đang tính đến việc sản xuất ra lúa giống OM 5451 để tự cung cấp lúa chất lượng, giảm giá thành đầu vào cho thành viên. Hiện tại, Ban chủ nhiệm CLB chọn hộ tâm huyết, có kỹ thuật giỏi để dành khoảng 2ha đất làm lúa giống. Trong tương lai, CLB mong muốn sẽ càng lớn mạnh, thu nạp thêm thành viên, nâng lên quy mô HTX và xây dựng nhãn hiệu lúa mang tên riêng của CLB. 

Bài, ảnh: TRÚC LINH

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>