Cải thiện sinh kế với mô hình nuôi lươn đồng

10/08/2017 | 08:17 GMT+7

Kết thúc nghiên cứu, dự án “Ứng dụng kỹ thuật sản xuất giống và phát triển mô hình nuôi thương phẩm lươn đồng” do thạc sĩ Nguyễn Thị Thùy Lam, Chi cục phó Chi cục Thủy sản tỉnh làm chủ nhiệm, đã giúp phát triển phong trào nuôi lươn đồng tại nhiều địa phương trong tỉnh.

Hiện tại, ông Dững mở rộng quy mô nuôi lươn sinh sản bán nhân tạo lên 3.000 con.

Thử nghiệm nuôi lươn thương phẩm với diện tích 12m2, ông Nguyễn Văn Minh, ở huyện Châu Thành A, đã thu lợi nhuận được 10 triệu đồng/vụ. Ông Minh cho biết: “Làm theo mô hình, kỹ thuật nuôi của chủ nhiệm, gia đình tôi cho ăn bằng 100% thức ăn công nghiệp, chỉ sau 10 tháng là thu hoạch. Bể được bố trí gần nhà, dễ chăm sóc, quản lý nhẹ nhàng. Hiện nay, tôi liên hệ với chủ nhiệm mua thêm 1.500 con thả vào bể nuôi tiếp”.

Còn ông Lê Văn Dững, ở ấp 4, xã Vĩnh Thuận Tây, huyện Vị Thủy, thì trải nghiệm với mô hình nuôi lươn sinh sản bán nhân tạo. Sau dự án, ông Dững đã thu được nguồn lãi hơn 100 triệu đồng chỉ với 200m2 nuôi. Đang loay hoay chăm lươn đẻ, ông Dững phấn khởi chia sẻ: “Không ngờ mô hình nuôi lươn này lãi cao như vậy mà kỹ thuật nuôi cũng không khó lắm. Chăm sóc theo kỹ thuật bán nhân tạo chỉ sau 5 tháng là lươn sinh sản. Vụ lươn thử nghiệm, tôi bán được giá 4.000 đồng/con lươn giống. Mỗi ký lươn giống đạt khoảng 200 con”. Còn ông Hồ Thanh Phương, ở xã Đông Phước A, huyện Châu Thành, thì sản xuất lươn giống không đủ bán cho thị trường. Hiện nay, ông Phương tiếp tục nuôi lươn giống sinh sản bằng biện pháp bán nhân tạo vì thị trường lúc nào cũng hút với giá 4.000 đồng/con (loại 300 con/kg).

Theo thạc sĩ Nguyễn Thị Thùy Lam, các mô hình này có ưu điểm là nông hộ nuôi mà không cần diện tích đất nhiều. Bà con có thể tận dụng một phần đất trống xung quanh nhà khoảng 12m2 là đủ để xây bể xi măng, bể bạt hoặc dùng can nhựa thả nuôi. Bên cạnh đó, tùy theo điều kiện gia đình mà nuôi theo hình thức công nghiệp (cho ăn 100% thức ăn công nghiệp); bán công nghiệp (50% thức ăn công nghiệp, 50% thức ăn tự nhiên) hay nuôi bằng 100% thức ăn tươi sống. Nếu người dân áp dụng đúng quy trình kỹ thuật thì hiệu quả kinh tế mang lại đáng kể. Hơn nữa, dự án đã xây dựng được 3 địa điểm sản xuất lươn giống để tạo được một nguồn cung cấp giống chất lượng, giá cả hợp lý.

Được biết, kỹ thuật nuôi được thạc sĩ Nguyễn Thị Thùy Lam tiếp nhận từ Trung tâm Giống nông nghiệp tỉnh An Giang và quy trình nuôi cũng khá đơn giản. Nuôi lươn sinh sản chỉ cần chuẩn bị bể lót bạt có xếp đất sét xung quanh thành bể (độ dày 0,4-0,5m) được buộc chặt với cọc tre hoặc gỗ, chiều cao bể từ 0,8-1,0m. Đất sét nên xếp khoảng 50% diện tích bể, giữa bể để trống. Bể phải có ống nước cấp vào và ống nước ra. Mặt bể thả bèo tây hoặc cây trúc nhỏ, bó thành bó xếp trên mặt nước để che nắng và ngăn ánh sáng, đồng thời làm nơi trú ẩn của lươn. Bố trí từ 8-10 khoảng trống để làm chỗ cho lươn ăn. Cho nước vào bể rồi thả lươn; lươn nuôi được 4-5 tháng thì chọn lươn cho đẻ. Người nuôi có thể làm tổ cho lươn trên nền đất bằng cách khoét nhiều tổ hình trụ dọc theo thành bể. Dưới đáy bể đặt ống nhựa phi 60mm thông ra giữa bể, phía trên dùng một viên ngói để che kín miệng tổ, thay nước 1 lần/ngày để kích thích lươn phát dục.

Còn nuôi lươn thương phẩm thì chia làm 2 giai đoạn: giai đoạn 1: Ương giống đạt kích cỡ 25-30 gram/con; giai đoạn 2: Nuôi thương phẩm đạt kích cỡ 150-250 gram/con. Bể ương giống được xây dựng khu vực có mái che, thoáng mát, tránh ánh nắng gay gắt, hạn chế sự chênh lệch nhiệt độ trong ngày và không gây tác động xấu đến môi trường xung quanh. Bố trí dây ni lông trong bể nuôi dựa theo vách bể để tạo nơi trú ẩn cho lươn. Trong quản lý, chăm sóc bệnh, người nuôi nên quan tâm hiện tượng lươn bỏ ăn, suy nhược và bệnh xuất huyết toàn thân, nấm thủy mi, xuất huyết hậu môn… Biện pháp khắc phục trong giai đoạn này cũng khá dễ là người nuôi cần lưu ý chênh lệch nhiệt độ trong bể (không quá 30C) khi thay đổi nước hoặc ngày đêm do mức nước trong bể thấp; thường xuyên tắm muối, bổ sung vitamin C chống sốc sau khi thay đổi nước…

Theo bà Nguyễn Thị Thùy Lam, mô hình nuôi lươn đồng thương phẩm bằng con giống nhân tạo đã được đơn vị phối hợp với ngành khuyến nông triển khai nhân rộng tại nhiều địa phương trong tỉnh. Hiện nay, nhiều nông hộ ở thành phố Vị Thanh, thị xã Long Mỹ, thị xã Ngã Bảy, huyện Phụng Hiệp, Châu Thành, Châu Thành A thực hiện và đạt hiệu quả tích cực. Hướng tới, ngành sẽ tiếp tục phối hợp với địa phương tăng cường công tác tuyên truyền và mở các lớp tập huấn, hội thảo. Bên cạnh đó, sẽ phối hợp với các phòng chuyên môn khác thuộc Sở NN&PTNT chuyển giao về kỹ thuật, góp phần giúp cho các nông hộ ít đất canh tác trong tỉnh cải thiện sinh kế gia đình.

Bài, ảnh: TRÚC LINH

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>