Cần chủ động ứng phó với thiên tai

02/07/2018 | 07:32 GMT+7

Hàng năm, Hậu Giang chịu tác động lớn bởi biến đổi khí hậu; các hiện tượng thời tiết cực đoan đã gây ảnh hưởng đến đời sống và sản xuất của người dân. Theo dự báo, tới đây thời tiết có khả năng sẽ diễn biến phức tạp hơn. Trao đổi với phóng viên Báo Hậu Giang, ông Nguyễn Văn Đồng (ảnh), Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, cho biết:

- Trong 6 tháng đầu năm 2018, số vụ thiên tai không cao hơn so với những năm trước đây. Đến thời điểm này có 15 điểm sạt lở ở các địa phương; hư hại nhà cửa, hoa màu khoảng 32 hộ, tổng mức thiệt hại gần 2 tỉ đồng. Dự báo trong thời gian còn lại của năm 2018, diễn biến về áp thấp nhiệt đới sẽ trên trung bình nhiều năm. Trong đó, những tháng cuối năm vẫn rất áp lực cho các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, khi lượng mưa năm nay xấp xỉ và cao hơn trung bình nhiều năm, nhưng phân bổ không đều.

Như vậy, theo dự báo, diễn biến thời tiết trong thời gian tới sẽ ra sao, thưa ông ?

- Dự báo các hiện tượng thời tiết cực đoan sẽ còn diễn biến phức tạp trong 6 tháng cuối năm 2018. Hiện tượng dông lốc cục bộ vẫn diễn biến thường xuyên trên địa bàn tỉnh, với thiên tai này thì không thể dự báo được. Cơn bão số 16 (Tembin) cuối năm 2017 vừa qua có thể xem như đợt diễn tập để chúng ta rút kinh nghiệm cho năm nay và những năm tiếp theo. Sấm sét cũng là hiện tượng nguy hiểm khó tránh khỏi, người dân cần chủ động phòng tránh. Mặt khác, Hậu Giang là một trong những tỉnh bị ảnh hưởng trực tiếp bởi biến đổi dòng chảy sông Hậu. Trong khi đó địa chất Hậu Giang mềm yếu nên sạt lở khó tránh khỏi. Phải nói đây là hiện tượng cực kỳ nguy hiểm. Hiện nay, ngành chuyên môn đã xây dựng kế hoạch chung để phòng, chống sạt lở năm 2018 và những năm tiếp theo.

Ông có khuyến cáo như thế nào đối với người dân, các vùng sản xuất nông nghiệp trọng điểm, vùng thường xuyên chịu ảnh hưởng bởi sạt lở trong mùa mưa năm nay ?

- Về vùng sản xuất trọng điểm, đối với khu vực trồng cây ăn trái, người dân cần hết sức lưu ý gia cố bờ bao, bờ thửa để đảm bảo diện tích canh tác. Bởi nếu cây trồng bị thiệt hại thì mất thời gian vài năm bà con mới có thể gây dựng lại vườn. Tương tự, vùng nuôi trồng thủy sản cần chuẩn bị sẵn sàng khi có thông báo lũ. Riêng vùng sản xuất lúa vụ 3 năm nay theo kế hoạch khoảng 49.000ha, hiện đã xuống giống được gần 20%. Dự báo Hậu Giang có lũ, đỉnh lũ khoảng tháng 10, 11 dương lịch, vì thế bà con nông dân cần thường xuyên theo dõi và tuân thủ khuyến cáo theo lịch thời vụ của ngành chuyên môn.

Đối với vùng sạt lở, tới đây Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh sẽ trình UBND tỉnh ban hành chính thức về kế hoạch phòng, chống sạt lở năm 2018 và những năm tiếp theo. Trên cơ sở đó, ngành nông nghiệp tỉnh sẽ phối hợp với các địa phương tuyên truyền, công bố rộng rãi ra dân.

Như vậy, người dân cần làm gì để bảo vệ sản xuất trước tác động của thiên tai, biến đổi khí hậu, thưa ông ?

- Biến đổi khí hậu đã và đang diễn ra trước mắt, vì thế người dân cần tiếp tục theo dõi thông tin, dự báo về diễn biến của biến đổi khí hậu, nước biển dâng trên các phương tiện truyền thông. Khi chuyển đổi cây trồng, vật nuôi cần hạn chế tự phát, tuân thủ khuyến cáo của ngành nông nghiệp, kể cả lịch thời vụ. Có thể nói 15 năm qua, ngành nông nghiệp chưa có sơ suất trong khuyến cáo lịch thời vụ cho bà con, do vậy người dân cần tuân theo để đảm bảo sản xuất. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đang quyết liệt phối hợp với các viện, trường, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh đăng ký các đề tài nghiên cứu khoa học để có cây, con giống thích nghi với biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Hiện Viện Lúa ĐBSCL cũng đã có những dự án thực nghiệm tại Hậu Giang.

Về biện pháp công trình, Hậu Giang là một trong những tỉnh nghiêm túc nhất trong vấn đề xây dựng các chương trình hành động ứng phó biến đổi khí hậu. Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã có các nghị quyết, kế hoạch rất cụ thể. Nhiều dự án đã được triển khai, như: kè Xà No, đê bao Long Mỹ - Vị Thanh… Chúng tôi cũng rất hoan nghênh Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tham khảo ý kiến của các nhà khoa học, nhà quản lý, tham khảo ý kiến người dân trước khi quyết định dự án Cái Lớn - Cái Bé. Riêng bản thân tôi hoàn toàn ủng hộ, khi dự án này hoàn thành sớm sẽ góp phần giúp ổn định cho vùng Tây sông Hậu. Khi đó, chúng ta sẽ phần nào nhẹ lo hiện tượng nước biển dâng do tác động của biến đổi khí hậu gây ra.

Xin cảm ơn ông !

NGUYÊN ANH thực hiện

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>