Canh tác thích ứng biến đổi khí hậu

05/06/2017 | 07:48 GMT+7

Để thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH), thời gian qua, ngành chức năng của tỉnh, chính quyền địa phương và người dân đã có nhiều giải pháp canh tác hợp lý trước tình hình BĐKH ngày một gay gắt, nhất là hạn hán và xâm nhập mặn.

Cán bộ khuyến nông tỉnh tham quan và hướng dẫn người dân quản lý dịch bệnh trên cây mãng cầu xiêm tháp gốc bình bát ở xã Thuận Hòa.

Ông Lê Văn Đời, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Hậu Giang, cho biết: Do đặc thù của tỉnh là vùng chuyên canh nông nghiệp nên rất dễ bị tổn thương bởi tình hình BĐKH. Hiện nay, hầu hết các địa phương trong tỉnh đều bị xâm nhập mặn hay hạn hán gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp. Về lâu dài, tác động của BĐKH lên sản xuất nông nghiệp của tỉnh, như: làm ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng và chất lượng, cơ cấu nông nghiệp như cây trồng, vật nuôi có thể bị thay đổi, giảm đa dạng cây trồng. Trước tình hình trên, thời gian qua, ngành nông nghiệp đã có những hành động cụ thể, tập trung hơn trong việc chỉ đạo phát triển ngành trồng trọt, chăn nuôi; đồng thời phối hợp cùng nông dân xây dựng nhiều mô hình sản xuất điểm nhằm thích ứng BĐKH và đang mang lại nhiều kết quả đáng ghi nhận. Qua đây, giúp cho những hộ ngoài mô hình thấy được kết quả tích cực, từ đó thay đổi tập quán sản xuất để thích nghi với tình hình mới.

Một trong những giải pháp canh tác nhằm ứng phó với tình hình xâm nhập mặn gay gắt hàng năm trên địa bàn huyện Long Mỹ là mô hình “một lúa - 2 tôm sú” đang được người dân vùng ven áp dụng rất thành công. Ông Nguyễn Văn Rạng, một trong nhiều hộ đang áp dụng mô hình này ở ấp 6, xã Lương Nghĩa, huyện Long Mỹ, thông tin: “Do ảnh hưởng của xâm nhập mặn nên khâu sản xuất lúa không được thường xuyên và liên tục như trước đây (2 hoặc 3 vụ/năm) mà chỉ còn một vụ/năm, từ đó làm giảm thu nhập chính cho gia đình, điều này cũng đồng nghĩa với việc giảm chất lượng cuộc sống. Được sự quan tâm của Nhà nước, tôi đã luân canh mô hình 1 vụ lúa và 2 vụ tôm với hình thức nuôi quảng canh. Từ khi chuyển sang hình thức canh tác mới này, cuộc sống gia đình được khấm khá hơn rất nhiều”.

Hiện 3ha đất lúa nằm ngoài tuyến đê bao ngăn mặn Long Mỹ - Vị Thanh của gia đình đều được ông Rạng áp dụng mô hình lúa - tôm. Trong đó, ông xuống giống vụ Đông xuân (khoảng tháng 10 dương lịch) nhằm tránh ảnh hưởng của xâm nhập mặn vào cuối vụ và sử dụng giống lúa F lai. Sau khi thu hoạch lúa, ông đợi khi nước mặn xâm nhập vào với nồng độ từ 6-15‰ sẽ tiến hành thả tôm giống, mật độ từ 2-4 con/m2 và áp dụng hình thức nuôi quảng canh. Từ cách làm này, những năm qua, gia đình ông có tổng nguồn thu nhập gần 102 triệu đồng/3ha/năm.

Theo nhận định của ông Rạng và nhiều nông dân nơi đây, ngoài việc cải thiện nguồn thu nhập, mô hình lúa - tôm còn tận dụng được chất hữu cơ từ thức ăn và phế thải của tôm giúp cho cây lúa phát triển tốt mà không cần sử dụng nhiều phân hóa học và thuốc bảo vệ thực vật, đảm bảo duy trì năng suất bền vững và cân bằng hệ sinh thái đồng ruộng. Từ đó, giảm thiểu tác động môi trường trong điều kiện biến đổi khí hậu, tạo tiền đề trồng lúa hữu cơ và xây dựng nền nông nghiệp sạch trong tương lai.

Nếu nông dân vùng mặn có cách chuyển đổi mô hình “lúa - tôm” thì người dân vùng ngọt cũng có nhiều thay đổi trong canh tác lúa để thích ứng với BĐKH. Điển hình như hộ ông Nguyễn Thanh Điều, ở ấp 7, xã Vị Trung, huyện Vị Thủy, mạnh dạn chuyển đổi phương thức sản xuất, bỏ tập quán canh tác lạc hậu, tiến hành áp dụng kỹ thuật mới trong trồng lúa như giảm lượng giống gieo sạ từ 200 kg/ha (sạ lan) xuống còn 50 kg/ha (cấy máy). Đồng thời, trong quá trình chăm sóc lúa, ông Điều dùng bảng so màu lá lúa để bón phân hợp lý và bón khi đất ẩm nhằm hạn chế thất thoát phân, cũng như giảm số lần dùng thuốc trừ sâu bệnh. Đó là chưa kể khi trồng lúa bằng phương pháp cấy máy nên lúa của ông không bị đổ ngã lúc thu hoạch. Chính vì vậy năng suất lúa cũng cao hơn trước từ 500-800 kg/ha.

Ông Điều cho hay: “Nhờ áp dụng cách làm mới trong canh tác lúa nên khi kết thúc mùa vụ, sau khi trừ các khoản chi phí đầu tư, gia đình tôi có lợi nhuận 34 triệu đồng/ha, cao hơn so với trước kia 9 triệu đồng/ha. Từ những hiệu quả và thành công như trên, trong vụ lúa Hè thu này, tôi đã sử dụng máy cấy lúa để trồng hết diện tích 9,5ha đất của gia đình. Nhìn ruộng lúa của nhà mình sắp thu hoạch, tôi dự đoán sẽ có thêm một mùa bộ thu”.

Ngoài nông dân trồng lúa, những nhà vườn trồng cây ăn trái trên địa bàn tỉnh cũng có nhiều giải pháp trong canh tác để thích ứng với tình hình thời tiết như hiện nay. Một trong những cách làm được ngành chức năng đánh giá cao về mặt hiệu quả là mô hình trồng mãng cầu xiêm tháp gốc bình bát của bà con nông dân vùng phèn, mặn xã Thuận Hòa, huyện Long Mỹ.

Ông Trần Hoài Phong, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) mãng cầu xiêm Thuận Hòa, cho biết: “Sau khi dùng kỹ thuật tháp mãng cầu xiêm vào gốc bình bát và trồng được 3-4 năm, trung bình thu hoạch được 20-25 tấn trái/ha, bán với giá từ 15.000-20.000 đồng/kg, có thu nhập từ 300-500 triệu đồng/ha/năm. Sau khi trừ chi phí, mỗi héc-ta còn lãi từ 200-400 triệu đồng/ha/năm”.

Cũng theo ông Phong, với tổng diện tích sản xuất trong HTX là 24ha, chiếm hơn 50% diện tích mãng cầu xiêm của toàn xã (42ha), sản lượng trái cung ứng cho thị trường đạt khoảng 450 tấn/năm, lợi nhuận thu được khoảng 6 tỉ đồng/năm. Ngoài ra, các thành viên HTX còn làm dịch vụ sản xuất cây giống cung cấp cho bà con tại địa phương và các huyện, tỉnh lân cận với doanh thu 200 triệu đồng/năm. Hiện tại, các thành viên trong HTX rất phấn khởi, ai cũng nhiệt tình chăm lo sản xuất với hy vọng sẽ đạt được những mùa bội thu.

Bên cạnh những mô hình điển hình trên, từng vùng, nông dân trên địa bàn tỉnh còn thực hiện nhiều mô hình khác để ứng phó với BĐKH, như: mô hình trồng cam xoàn kết hợp hệ thống tưới nhỏ giọt và tưới phun của người dân xã Vị Tân, thành phố Vị Thanh; trồng bưởi da xanh xen ổi và sử dụng biện pháp tưới nước tiết kiệm của nông dân xã Lương Tâm, huyện Long Mỹ; trồng mía ứng dụng kỹ thuật thích ứng biến đổi khí hậu của nông dân xã Hiệp Hưng, huyện Phụng Hiệp; chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang trồng màu của người dân thị trấn Rạch Gòi, huyện Châu Thành A…

Ông Lê Văn Đời, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh, cho biết thêm: Từ những kết quả trên, tới đây, ngành nông nghiệp sẽ tiếp tục nhân rộng các mô hình thích ứng với biến đổi khí hậu đã và đang mang lại hiệu quả thiết thực cho người dân. Đồng thời, có kế hoạch liên kết với doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm trong quá trình thực hiện các mô hình để người dân an tâm sản xuất…

Bài, ảnh: HỮU PHƯỚC

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>