Canh tác thích ứng biến đổi khí hậu

14/09/2017 | 07:31 GMT+7

Do đặc thù của tỉnh là vùng chuyên canh nông nghiệp nên rất dễ bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu. Về lâu dài, biến đổi khí hậu sẽ tác động làm giảm năng suất, sản lượng và chất lượng, cũng như cơ cấu nông nghiệp nên vấn đề chuyển đổi cây trồng để thích ứng đã được người dân tính đến.

Mãng cầu xiêm được xem là cây trồng thích ứng tốt với biến đổi khí hậu.

Trước vấn đề biến đổi khí hậu, ngành nông nghiệp tỉnh đã chủ động xây dựng các mô hình cánh đồng lớn trên lúa để ứng phó bằng cách áp dụng các tiến bộ kỹ thuật như: 3 giảm 3 tăng,  SRI, 1 phải 5 giảm, dùng nấm xanh trong quản lý rầy nâu, ứng dụng công nghệ sinh thái trong quản lý dịch hại tổng hợp. Xây dựng mô hình giảm lượng giống gieo sạ bằng phương pháp cấy; mô hình tưới nước tiết kiệm theo kỹ thuật tưới ngập - khô xen kẽ, kết hợp với trữ nước ngọt cho các kênh mương nội đồng. Đồng thời, xây dựng các trạm bơm tập trung để chủ động được nguồn nước. Trên cây ăn trái, rau màu, áp dụng biện pháp tưới nước tiết kiệm, trồng theo hướng an toàn thực phẩm, GAP, ứng dụng túi bao trái để hạn chế tình hình gây hại của các đối tượng sâu hại. Bên cạnh đó, còn khuyến cáo người dân tăng cường bón nhiều phân hữu cơ, ủ ẩm cho cây trồng, đào mương tích trữ nước ngọt. Kết hợp với các nhà khoa học chọn tạo, chuyển đổi những giống cây trồng thích hợp với điều kiện khô hạn, xâm nhập mặn như cây mãng cầu xiêm ghép gốc bình bát, trồng màu trên các vùng bị nhiễm mặn ở huyện Long Mỹ.

Ông Trần Hoài Phong, Giám đốc HTX Mãng cầu xiêm Thuận Hòa, huyện Long Mỹ cho biết, theo kết quả thu hoạch của một số thành viên HTX, cây trồng được  năm thứ 3 đến năm thứ 4 trung bình thu được 20-25 tấn/ha, bán với giá 15.000-20.000 đồng/kg, có thu nhập từ 300-500 triệu đồng/ha/năm. Sau khi trừ chi phí, mỗi héc-ta còn lãi từ 200-400 triệu đồng/ha/năm. Sản lượng trái trong HTX đạt khoảng 450 tấn/năm, lợi nhuận thu được ước tính 6 tỉ đồng/năm.

Theo ông Phong, từ thực tế cho thấy trên vùng đất nhiễm phèn thì mô hình trồng mãng cầu xiêm ghép trên gốc bình bát là thích hợp và mang lại hiệu quả kinh tế cao trong thời điểm hiện nay. Tuy nhiên, về lâu dài các ngành chức năng cũng tạo điều kiện cho các doanh nghiệp liên kết bao tiêu sản phẩm, tạo thương hiệu riêng cho mãng cầu xiêm Hậu Giang nhằm giúp nông dân an tâm sản xuất trong điều kiện biến đổi khí hậu ngày càng khắc nghiệt.

Còn ông Lại Hoàng Bửu, ở ấp 9, xã Lương Tâm, huyện Long Mỹ, để thích ứng với biến đổi khí hậu, ông đã chuyển 3 công đất trồng lúa sang dưa lê. Ông Bửu cho biết trước đây gia đình ông thấy một số hộ ở đây trồng nên cũng chuyển đất ruộng sang trồng theo và các vụ đều có lợi nhuận. Theo những hộ trồng dưa lê ở xã Lương Tâm, dưa lê là loại dễ trồng, cho thu hoạch kéo dài, nếu chăm sóc tốt, thời tiết thuận lợi, giá bán ổn định sẽ cho thu nhập cao hơn so với trồng lúa. Tuy nhiên, đây là loại trái bán chợ nên phải phụ thuộc vào thị trường tiêu thụ nên cũng còn khá bấp bênh. Nếu có đầu ra ổn định thì đây là cây trồng khá thích hợp với điều kiện biến đổi khí hậu hiện nay.

Đối với gia đình ông Nguyễn Văn Sách, ở ấp Mỹ Hiệp 3, xã Tân Tiến, thành phố Vị Thanh, cũng đã mạnh dạn cải tạo 0,5ha đất vườn tạp chuyển sang trồng cây có múi và đến nay đã cho thu nhập 300 triệu đồng/năm. Mới năm rồi, gia đình ông tiếp tục chuyển đổi thêm 0,5ha đất sản xuất nông nghiệp kém hiệu quả sang để trồng thêm cây có múi. Hiện nay, cây trồng được trên 1 năm tuổi và đang phát triển tốt, dự kiến năm sau sẽ cho trái thu hoạch. Nhờ chuyển đổi cây trồng phù hợp kết hợp với việc áp dụng các tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất mà đời sống gia đình ông đã khá hơn, đặc biệt hơn là cây ăn trái sẽ chống chịu được với sự biến đổi của thời tiết.

Theo Sở NN&PTNT Hậu Giang, tới đây ngành sẽ tuyên truyền sâu rộng, nâng cao nhận thức của người sản xuất về tác động của biến đổi khí hậu. Đồng thời, phối hợp với các viện, trường, đơn vị có liên quan tổ chức các lớp tập huấn, đào tạo về chuyên môn, kỹ thuật và phương pháp đánh giá mức độ của tình hình biến đổi khí hậu. Xây dựng hệ thống thủy lợi hoàn chỉnh, kết hợp triển khai thực hiện chương trình quản lý dịch hại tổng hợp nhằm nâng cao năng lực của người nông dân trong việc ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật. Tiếp tục triển khai thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, chuyển từ canh tác lúa 3 vụ sang 2 lúa - 1 màu, chú trọng cây trồng cạn hoặc cây công nghiệp ngắn ngày, góp phần thích ứng với biến đổi khí hậu. Ông Lê Văn Đời, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hậu Giang, cho biết: Đối với các mô hình thích ứng với biến đổi khí hậu có hiệu quả sẽ tiếp tục nhân rộng ra toàn tỉnh nhằm phát triển toàn diện nông nghiệp, nông thôn. Bên cạnh đó, tiến hành mở rộng quy mô sản xuất hàng hóa các nông sản và chuyển đổi mạnh mẽ kinh tế hộ theo hướng gia trại, trang trại, nâng cao hiệu quả kinh tế sản xuất nông nghiệp, góp phần tăng thu nhập kinh tế hộ nông dân, giải quyết việc làm cho lao động khu vực nông nghiệp và nông thôn, nhằm thu hẹp khoảng cách về thu nhập giữa thành thị và nông thôn...

Bài, ảnh: HOÀI THU

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>