Cấp bách khống chế dịch tả heo châu Phi

27/05/2019 | 08:42 GMT+7

Trước diễn biến phức tạp của dịch tả heo châu Phi (DTHCP), Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cấp, các ngành cùng phối hợp chặt chẽ để phòng, chống DTHCP trên địa bàn theo tinh thần “chống dịch như chống giặc”.

Cần kiểm soát vấn đề môi trường ở những điểm tiêu hủy heo chết, heo nhiễm bệnh dịch tả heo châu Phi.

Nỗ lực kiểm soát vùng dịch

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), DTHCP trong tỉnh sẽ còn diễn biến phức tạp. Tại các ổ dịch ở xã Đông Thạnh, huyện Châu Thành, có chiều hướng lây lan. Ổ dịch tại thị xã Ngã Bảy có số lượng heo phải tiêu hủy lớn cũng có nguy cơ phát tán dịch.

Cụ thể, huyện Châu Thành đã có 9 ổ dịch/3 xã, thiệt hại 334 con heo, tổng trọng lượng khoảng 20 tấn. Khi xảy ra dịch bệnh, Huyện ủy, UBND huyện tập trung chỉ đạo các ngành chuyên môn cũng như UBND các xã tập trung khống chế ổ dịch, xử lý heo bệnh, heo chết trong thời gian sớm nhất. Tổ chức chôn lấp, tiêu độc sát trùng, lập chốt kiểm dịch theo quy định.

 Ông Lê Công Lý, Bí thư Huyện ủy Châu Thành, cho biết: “Về phía huyện đang tập trung vào cuộc của cả hệ thống chính trị để khống chế DTHCP. Lấy phòng ngừa chủ động tại hộ gia đình là giải pháp chủ yếu để khống chế dịch, đồng thời gắn trách nhiệm người đứng đầu ở các địa phương, quyết tâm không để dịch bệnh phát sinh ở những địa bàn khác. Đối với một số hộ chăn nuôi không có diện tích đất để chôn lấp tiêu hủy heo, chúng tôi chỉ đạo địa phương vận động hộ dân lân cận đào hố tiêu hủy và nhận được sự đồng tình cao”.

Hiện tại, tình hình dịch bệnh ở huyện Châu Thành còn trong giai đoạn siết chặt kiểm soát. Qua tuyên truyền, người dân đã nhận thức rõ về sự nguy hiểm của DTHCP và tầm quan trọng trong khâu phòng bệnh. Tuy nhiên, việc kiểm soát nguồn bệnh còn nhiều khó khăn, đặc biệt là khó kiểm soát sự lây lan mầm bệnh qua nguồn nước do hệ thống kênh, rạch chằng chịt.

Còn tại thị xã Ngã Bảy, tính đến ngày 24-5, ổ DTHCP ở xã Hiệp Lợi đã được tiêu hủy xong, số lượng heo chết và tiêu hủy qua kiểm đếm là 1.084 con. Ngày 20-5, sau khi có kết quả dương tính với DTHCP, thị xã Ngã Bảy đã triển khai ngay các biện pháp xử lý, tiêu hủy, khoanh vùng tiêu độc, giám sát trên toàn địa bàn. Tuy nhiên, do số lượng heo bị nhiễm bệnh tại trại của ông Phạm Thanh Tâm, ở ấp Láng Sen A, xã Hiệp Lợi trên 1.000 con nên thời gian xử lý tiêu hủy kéo dài.

Ông Nguyễn Đăng Hải, Chủ tịch UBND thị xã Ngã Bảy, nhìn nhận: “Hạn chế trong quá trình xử lý ổ dịch là chúng tôi mất tới 5 ngày mới tiêu hủy xong đàn heo trên 1.000 con nhiễm bệnh ở xã Hiệp Lợi. Quá trình thực hiện phải huy động tối đa nhân lực, vật lực tham gia. Qua rà soát, mầm bệnh có khả năng do thức ăn vận chuyển từ bên ngoài vào, bởi trại này tuân thủ tốt về điều kiện chăm sóc nuôi dưỡng. Hố chôn với số lượng quá lớn nên địa phương đang tiếp tục giám sát nghiêm ngặt, nỗ lực hết sức để kiểm soát mầm bệnh lây lan từ ổ dịch.

Nhận định về tình hình dịch bệnh ở huyện Vị Thủy, ông Nguyễn Văn Vui, Bí thư, Chủ tịch UBND huyện, cho biết: Đến nay, ổ DTHCP trên địa bàn đã qua 21 ngày, không phát sinh ổ dịch mới. Có thể thấy, công tác tuyên truyền dù đã được đẩy mạnh nhưng một bộ phận người dân có tâm lý chủ quan. Ngoài sự vào cuộc rốt ráo của lực lượng thú y, các cấp chính quyền cơ sở chưa thật sự sâu sát, vấn đề này cần được chấn chỉnh. Vì thế, chúng tôi đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo để tăng cường sự phối hợp trong công tác phòng, chống DTHCP, nhất là khâu vệ sinh tiêu độc khử trùng, kiểm soát giết mổ, kiểm soát vận chuyển. Huyện sẽ sớm củng cố lại các đoàn liên ngành, tổ phản ứng nhanh để sẵn sàng vào cuộc nếu có xảy ra dịch bệnh. Đồng thời, xem xét hỗ trợ bằng nguồn ngân sách, ưu tiên cấp bách cho công tác phòng chống dịch. Nỗ lực hết sức để không phát sinh ổ dịch mới.

Theo ông Trần Chí Hùng, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh, trong khâu xử lý ổ dịch, một số địa phương chưa chủ động, chưa bố trí được lực lượng hỗ trợ đào hố, vận chuyển gia súc; cán bộ được phân công trong lực lượng xung kích chưa vào cuộc quyết liệt mà chủ yếu là lực lượng thú y xử lý ổ dịch. Công tác tuyên truyền thời gian qua chưa thật sự sâu rộng, người dân chưa nắm rõ về mức độ nguy hiểm của dịch bệnh.

Ngành NN&PTNT tỉnh Hậu Giang đã kiến nghị Trung ương sớm có hướng dẫn việc giết mổ heo trong, ngoài vùng có bệnh để tỉnh tổ chức, quản lý tốt khâu vận chuyển, giết mổ đàn heo trên địa bàn. Xem xét hỗ trợ 30.000 lít hóa chất cho Hậu Giang để tăng cường vệ sinh tiêu độc, phòng bệnh DTHCP. Sở cũng kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành tăng cường phối hợp trong phòng chống DTHCP theo tinh thần Chỉ thị 34 của Ban Bí thư về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện hiệu quả công tác phòng chống, khống chế DTHCP và các nội dung trong Chỉ thị 47 của Tỉnh ủy Hậu Giang vừa triển khai. Đồng thời, kiến nghị UBND tỉnh bổ sung kinh phí thực hiện công tác phòng chống DTHCP năm 2019.

Theo nhận định của ngành thú y, hiện nay DTHCP đang diễn biến phức tạp ở Hậu Giang cũng như các tỉnh ĐBSCL, do vậy phải thực hiện triệt để khâu phòng, chống dịch bệnh. Khâu vận chuyển heo trong vùng dịch phải tuân thủ theo Luật Thú y; trong vùng công bố dịch, khi ngành chức năng lấy mẫu xét nghiệm có kết quả âm tính thì người chăn nuôi mới được xuất bán heo ra ngoài. Chi Cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hậu Giang Trương Ngọc Trưng cho biết: Cục Thú y sẽ sớm có hướng dẫn cụ thể hơn trong việc vận chuyển heo, sản phẩm heo ra khỏi vùng có dịch. DTHCP không có thuốc phòng và không có thuốc trị, người nuôi phải ý thức và áp dụng các biện pháp an toàn sinh học để bảo vệ đàn. Tình hình bệnh DTHCP ở Hậu Giang đang diễn biến phức tạp, khó lường, ngành đang dốc toàn lực vừa phòng, chống vừa khống chế các ổ dịch.

Vào cuộc chống dịch

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, Tỉnh ủy Hậu Giang cũng đã tổ chức Hội nghị triển khai Chỉ thị số 34 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống, khống chế DTHCP và Chỉ thị 47 của Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh. Tại đây, lãnh đạo tỉnh đề nghị cả hệ thống chính trị của tỉnh phải vào cuộc chống dịch.

Nhất là hiện nay DTHCP lây lan rất nhanh, tính đến thời điểm này DTHCP đã xuất hiện trên 40 tỉnh, thành cả nước, trong đó 6 địa phương trong vùng ĐBSCL đã phát hiện ổ dịch. Toàn tỉnh có trên 8.500 hộ nuôi heo, chủ yếu là phương thức chăn nuôi nhỏ lẻ. Nếu việc phòng bệnh không kịp thời sẽ gây thiệt hại lớn, nguy cơ ảnh hưởng đến tăng trưởng khu vực I.

Ông Lê Tiến Châu, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, cho rằng các địa phương và người dân rất quyết liệt trong quá trình phát hiện, xử lý, kiểm soát các ổ dịch thời gian qua. Tuy nhiên, công tác phản ứng đối với dịch bệnh còn chậm; công tác tuyên truyền chưa rộng, chưa đề cao khâu phòng bệnh nên cần khắc phục sớm. Sở NN&PTNT cần tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến dịch bệnh; làm ngay tờ trình về kinh phí để hỗ trợ trong công tác phòng chống dịch. Tiếp tục tuyên truyền, vận động người chăn nuôi thực hiện 5 không (không giấu dịch; không mua bán, vận chuyển heo bệnh, heo chết; không giết mổ, tiêu thụ thịt heo bệnh, heo chết; không vứt heo chết ra môi trường; không sử dụng thức ăn dư thừa, chưa qua xử lý dịch).

UBND tỉnh cũng chỉ đạo UBND các huyện, thị xã tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp, đẩy mạnh tuyên truyền kiên quyết không để lây lan thêm dịch bệnh. Việc vận động tiêu hủy heo nhiễm bệnh, chôn lấp phải được thực hiện theo đúng hướng dẫn, đảm bảo điều kiện vệ sinh môi trường. Nghiêm cấm vứt vật nuôi chết ra môi trường xung quanh làm phát tán dịch bệnh. Tổ chức tổng vệ sinh, khử trùng tiêu độc liên tục theo đúng quy định. Đặc biệt lưu ý kiểm soát nguồn nước thải chăn nuôi, đây là nguồn lây lan dịch bệnh rất nguy hiểm. Gia cố các hố tiêu hủy heo bệnh, heo chết; không để mầm bệnh phát tán ra môi trường. Sở Y tế chịu trách nhiệm xử lý sinh vật trung gian truyền bệnh như ruồi, nhặng ở nơi xảy ra ổ dịch. Sở NN&PTNT chủ động phối hợp với Công an tỉnh, Cục Quản lý thị trường Hậu Giang tăng cường kiểm tra chặt chẽ việc vận chuyển heo, khâu vận chuyển phải tuân thủ theo quy định, đảm bảo sạch bệnh. Kiểm soát chặt các nguồn lây lan…

Trước diễn biến phức tạp của DTHCP trên địa bàn tỉnh Hậu Giang, sáng ngày 25-5, Tỉnh ủy Hậu Giang tổ chức hội nghị triển khai Chỉ thị số 34 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống, khống chế DTHCP  và Chỉ thị 47 của Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh.

Hội nghị có sự tham dự của ông Lữ Văn Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; ông Lê Tiến Châu, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; cùng lãnh đạo HĐND, UBND, UBMTTQ, các sở, ban, ngành, địa phương. Hội nghị đã triển khai cụ thể 6 nhiệm vụ trọng tâm của Chỉ thị 34 đến các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể và các nội dung của Chỉ thị 47 của Tỉnh ủy Hậu Giang về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống dịch bệnh trên gia súc gia cầm trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đề nghị các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ, các đoàn thể chính trị, xã hội trong tỉnh khẩn trương thực hiện 8 nhiệm vụ trọng tâm như: Xác định phòng chống, khống chế DTHCP là nhiệm vụ cấp bách, tập trung chỉ đạo, thực hiện đồng bộ các giải pháp theo quy định. Bám sát tình hình, tập trung thông tin, tuyên truyền về mức độ nguy hiểm, việc phòng chống, các biện pháp xử lý bắt buộc phải tiêu hủy; vận động người dân tự khai báo, không vứt vật nuôi bị bệnh, chết ra môi trường xung quanh làm phát tán dịch bệnh. Ban cán sự đảng UBND tỉnh tập trung các nguồn lực, chủ động phát hiện sớm, báo cáo, công bố dịch bệnh theo đúng quy định. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ động hướng dẫn, đẩy mạng thông tin tuyên truyền về diễn biến dịch bệnh, các biện pháp phòng chống… UBMTTQ và các đoàn thể tham gia tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về dịch bệnh trên động vật nói chung và DTHCP nói riêng; tăng cường kiểm tra, giám sát việc tổ chức chỉ đạo, khống chế dịch bệnh ở các cấp… Đảng ủy Công an tỉnh phối hợp với các ngành liên quan triển khai các biện pháp nghiệp vụ, tổ chức kiểm tra, kiểm soát, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp nhập lậu, buôn bán, vận chuyển, tiêu thụ sản phẩm gia súc, gia cầm trái phép. Các cấp ủy đảng, chính quyền chủ động về nhân lực, vật lực ở cơ sở để dập dịch; theo dõi chặt chẽ diễn biến dịch bệnh, xử lý triệt để vật nuôi nhiễm bệnh…

Hội nghị cũng nêu lên diễn biến phức tạp của DTHCP trên địa bàn, quá trình xử lý, khống chế ổ dịch ở 4 địa phương là huyện Vị Thủy, Châu Thành A, Châu Thành và thị xã Ngã Bảy. Đối với các địa phương còn lại, Tỉnh ủy, UBND tỉnh yêu cầu bám sát diễn biến, triển khai đồng bộ các giải pháp phòng ngừa. Huy động cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc trong công tác phòng, chống, xử lý DTHCP.

Phát biểu tại hội nghị, ông Lữ Văn Hùng, Bí thư Tỉnh ủy, nhấn mạnh: DTHCP diễn biến phức tạp, mức độ thiệt hại lớn, gây ảnh hưởng trực tiếp đến tăng trưởng khu vực I, vì vậy đề nghị các địa phương tập trung triển khai thực hiện tốt Chỉ thị 34 của Ban Bí thư và và Chỉ thị 47 của Tỉnh ủy. Ban cán sự Đảng UBND tỉnh phải theo dõi chặt diễn biến và phòng chống dịch bệnh. Các cấp chính quyền khẩn trương xây dựng chương trình, kế hoạch hành động cụ thể, không để dịch bệnh tiếp tục lan rộng. Tăng cường tuyên truyền cộng đồng phòng chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm, nhất là DTHCP. Nêu cao vai trò truyền thông đến tận ấp và người dân, nhất là địa bàn vùng sâu, vùng xa. Cả hệ thống chính trị phải vào cuộc, tuyên truyền nâng cao ý thức trách nhiệm của người dân, tránh tình trạng không quyết liệt ở cơ sở. Tăng cường quản lý nhà nước, tuyệt đối không thờ ơ, xem nhẹ công tác phòng bệnh. Theo dõi diễn biến của dịch bệnh trên địa bàn và các tỉnh, thành tiếp giáp để ứng phó, quyết tâm khống chế DTHCP. Các ngành nông nghiệp, y tế, công thương, chính quyền các cấp phải chủ động luôn sẵn sàng vào cuộc. Ngoài kiểm soát đường bộ, cũng cần kiểm soát chặt việc vận chuyển bằng đường thủy khâu vận chuyển heo ra, vào địa bàn. UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành phải bảo đảm kinh phí dự phòng, nhất là đối với các đơn vị huyện, thị đã hết nguồn kinh phí dự phòng trong phòng chống dịch bệnh.

 

Theo thống kê tại thời điểm 1-4-2019, tổng đàn heo trên toàn tỉnh khoảng 150.000 con, trong đó heo thịt là trên 130.000 con, heo nái có trên 18.000 con, heo đực giống có trên 265 con và gần 35.000 heo con theo mẹ. Tính đến ngày 23-5, toàn tình xảy ra 12 ổ dịch/21 hộ chăn nuôi ở 5 xã thuộc các huyện Vị Thủy, Châu Thành, Châu Thành A và thị xã Ngã Bảy; tổng số heo chết và tiêu hủy là 1.313 con.

 

Bài, ảnh: KỲ ANH

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>