Chăm lo đối tượng bảo trợ xã hội ở xã nông thôn mới

08/12/2017 | 07:54 GMT+7

Hỗ trợ kịp thời, tạo điều kiện để người khuyết tật, người bị nhiễm chất độc da cam, người cao tuổi neo đơn... hòa nhập cộng đồng, vượt lên khó khăn được các xã nông thôn mới tập trung, đó cũng là góp phần chung trong nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân lên một bước.

Nhờ sự quan tâm, hỗ trợ kịp thời của địa phương nhiều đối tượng bảo trợ xã hội thấy ấm lòng. (Trong ảnh là bà Lê Thị Dẫn, ở xã Trường Long Tây).

Sẻ chia kịp thời

Từng là chỗ dựa vững chắc cho cả gia đình, nhưng trong một lần bị tai biến, ông Trần Văn Thum, 66 tuổi, ở ấp Trường Thọ A, xã Trường Long Tây, huyện Châu Thành A, đã mất sức lao động vĩnh viễn. Đôi chân không còn khả năng đi lại, mọi sinh hoạt của ông Thum giờ chỉ còn biết trông cậy vào sự chăm sóc của vợ và con trai. Bà Trương Thị Hoa (vợ ông Thum) nói: “Gia đình tôi thuộc diện hộ nghèo, nên cũng khó khăn lắm, kinh tế ở nhà hiện chỉ phụ thuộc vào số tiền làm thuê làm mướn của đứa con trai thôi. Ngoài được hưởng chế độ hàng tháng, khi có các đợt hỗ trợ, địa phương cũng xem xét đến giúp đỡ cho gia đình tôi nữa”. Không chỉ tặng quà cho gia đình vào các dịp lễ, tết, xã và láng giềng cũng đã đóng góp hỗ trợ để sửa chữa lại nhà ở cho gia đình ông Thum.

Còn gia đình bà Lê Thị Dẫn, cũng ở ấp Trường Thọ A, mấy năm nay cũng cảm thấy rất ấm lòng khi được địa phương kịp thời quan tâm, hỗ trợ. Bà Dẫn tâm sự: “Nhà tôi hiện có đứa con gái bị nhiễm chất độc da cam, gia đình lại không có ruộng đất gì nên cũng khó khăn lắm. Lúc trước, nhà ở trên ruộng khó đi lắm, mỗi lần mấy đứa nhỏ bệnh muốn đưa ra bệnh viện rất gian nan. Thấy vậy, địa phương mới xét hỗ trợ cho cái nền nhà ở khu dân cư”. Do con gái bị bệnh, các người con còn lại trong gia đình đều đi làm ở xa, nên hiện bà Dẫn phải túc trực ở nhà để chăm lo cho con gái, nên có được nền nhà này coi như cuộc sống bà Dẫn sang một trang mới, nỗi lo chữa trị bệnh cho con vơi đi phần nào.

Xuân mới sắp đến, ở xã nông thôn mới Trường Long Tây, công tác vận động chăm lo cho các đối tượng bảo trợ xã hội trên địa bàn diễn ra khẩn trương. Xã Trường Long Tây được công nhận là xã nông thôn mới vào tháng 7-2015, với những kết quả đạt được bên cạnh việc giữ vững các tiêu chí hiện nay, địa phương đang nỗ lực rất nhiều để nâng cao đời sống cho người dân, nhất là công tác chăm lo cho đối tượng bảo trợ xã hội. Hiện tại, trên địa bàn xã Trường Long Tây có 246 đối tượng được hưởng bảo trợ xã hội.

Bà Lê Thị Mỹ Trang, Phó Chủ tịch UBND xã Trường Long Tây, cho biết: “Trên địa bàn hiện cũng còn rất nhiều đối tượng bảo trợ xã hội gặp khó khăn, vì vậy để giúp các đối tượng này vươn lên trong cuộc sống, địa phương luôn cố gắng tìm mạnh thường quân để hỗ trợ thêm. Với những đối tượng bảo trợ xã hội gặp khó khăn trong đi lại thì vào các dịp lễ, tết… địa phương đều kết hợp với các hội, đoàn thể của huyện để xuống tận nhà thăm hỏi và tặng quà”.

Cải thiện cuộc sống cho các đối tượng bảo trợ

Công tác chăm lo cho đối tượng bảo trợ xã hội thời gian qua không chỉ tập trung quan tâm ở những xã đã được công nhận nông thôn mới, những địa phương đang trong quá trình phấn đấu cho danh hiệu xã nông thôn mới cũng được chú trọng. Phấn đấu để có thể đạt danh hiệu xã nông thôn mới vào năm 2018, nên hiện nay công tác chăm lo cho đối tượng bảo trợ xã hội cũng được chính quyền xã Phương Bình, huyện Phụng Hiệp, tập trung rất nhiều, ông Trần Văn Sang, Phó Chủ tịch UBND xã Phương Bình, chia sẻ: “Thời gian qua các đối tượng bảo trợ xã hội khó khăn của địa phương đã được nhiều mạnh thường quân quan tâm tạo điều kiện để ổn định cuộc sống. Do địa bàn rộng, đối tượng bảo trợ xã hội khó khăn của địa phương lại nhiều, vì vậy chúng tôi luôn cố gắng vận động mọi nguồn lực để cùng chăm lo cho các đối tượng này”.

Là một trong những hộ gia đình khó khăn có người được hưởng bảo trợ trên địa bàn xã Phương Bình, những ngày này vợ chồng ông Phan Văn Sáu, ở ấp Phương An, xã Phương Bình, vẫn còn chưa hết vui mừng khi được Tập đoàn Vingroup hỗ trợ cá giống để chăn nuôi. Bà Trần Thị Thu Hà (vợ ông Sáu) bộc bạch: “Từ khi chồng tôi bị tai biến nằm một chỗ, 8 năm nay cả gia đình khó khăn dữ lắm. Lúc trước, ổng còn biết tự sinh hoạt được, tôi còn đi làm cỏ mía, ai mướn gì làm đó, kiếm thêm chút đỉnh. Mấy năm nay, bệnh của ổng trở nặng thêm, nên đâu có đi làm được gì. Ngoài số tiền được hưởng bảo trợ hàng tháng, lâu lâu có mạnh thường quân xuống hỗ trợ, địa phương cũng xét cho gia đình”. Gia đình ông Sáu là 1 trong 24 đối tượng được hưởng bảo trợ có hoàn cảnh khó khăn của địa phương vừa được Tập đoàn Vingroup hỗ trợ ngư cụ và con giống như  xuồng, máy, lưới, tủ kem, cá, gà, heo…  để cải thiện kinh tế gia đình. Mỗi hộ sẽ được hỗ trợ tương đương với số vốn là 6 triệu đồng.

Với những hoạt động hỗ trợ thiết thực, hiệu quả và toàn diện, việc trợ cấp thường xuyên, chăm sóc sức khỏe, hỗ trợ vốn sản xuất… đã giúp cho các đối tượng bảo trợ xã hội hiện nay đã từng bước cải thiện cuộc sống giúp cho các đối tượng bảo trợ xã hội vươn lên, hòa nhập tốt cộng đồng.

Bài, ảnh: AN NHIÊN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>