Chủ động trước mùa lũ

14/08/2018 | 08:04 GMT+7

Người dân trên địa bàn tỉnh đang khẩn trương triển khai các giải pháp chủ động phòng tránh trước mùa lũ năm nay. Các công trình phục vụ sản xuất được kỳ vọng phát huy hiệu quả tích cực.

Người dân huyện Châu Thành kỳ vọng các công trình ứng phó lũ phát huy hiệu quả kịp thời.

Dự án sửa chữa, nâng cấp đê bao kênh Tràm Bông, ở xã Đông Phước, huyện Châu Thành, có tổng mức đầu tư 1,5 tỉ đồng. Mục tiêu đầu tư dự án nhằm giúp chủ động nguồn nước tưới tiêu cho vùng cây ăn trái, cải tạo mạng lưới giao thông thủy bộ, phục vụ nhu cầu đi lại và giao thương hàng hóa của người dân địa phương. Chủ đầu tư cho biết dự án sửa chữa, nâng cấp đê bao kênh Tràm Bông có chiều dài 1.350m, nền đường rộng 4,5m, trong đó mặt đường rộng 2,5m bằng bê tông cốt thép, dự kiến sớm triển khai và hoàn thành trong tháng 10-2018. Thông tin này giúp người dân địa phương vô cùng phấn khởi.

Bà Lê Thị Ràng, ở ấp Đông Thạnh, xã Đông Phước, huyện Châu Thành, cho biết: “Tôi có 5 công đất trồng cam và chuối, cách đây hơn 2 năm cũng vào mùa lũ nước tràn vào vườn cây gây ngập úng. Khu đất đó cũng bỏ trống đến giờ vì sợ trồng cây lại sẽ bị ngập trong mùa lũ. Xung quanh nhà còn ít gốc xoài, sầu riêng, cứ vào mùa nước nổi thấy lại lo. Tôi mới nghe thông tin có lũ về sớm, dự tính khi đó nếu nước tràn, ngập rễ cây phải tốn chi phí thuê người bơm tháo nước. Được biết, huyện sẽ nâng cấp tuyến đê bao cao lên, tôi cũng phần nào an tâm, hy vọng triển khai sớm”.

Ngoài ra, Ban quản lý dự án huyện Châu Thành cũng đang khẩn trương thực hiện dự án sửa chữa nâng cấp đê bao Kênh Lớn, công trình có tổng mức đầu tư khoảng 800 triệu đồng. Chiều dài tuyến là 1.055m, nền đường rộng 3m, trong đó mặt đường rộng 2m bằng bê tông cốt thép, lề đường mỗi bên rộng 0,5m. Dự án được khởi công ngày 22-6, dự kiến hoàn thành cuối tháng 9-2018. Mục tiêu đầu tư nhằm giúp ngăn lũ, phục vụ sản xuất nông nghiệp và nhu cầu đi lại của người dân.

Cũng như nhiều nông dân khác ở vùng chuyên canh cây ăn trái, ông Lê Văn Cường, ở ấp Phước Hòa, xã Đông Phước, huyện Châu Thành, lo nhất là vào mùa lũ: “Mùa nước nổi năm nào cũng vậy, triều cường dâng cao là mọi người phải thức canh con nước, sợ tràn đê, vỡ đập. Nhà nào cũng phải chủ động máy bơm phòng khi ngập cục bộ. Sản xuất mùa lũ nặng lo hơn các vụ khác, bởi cây ăn trái bị ngập vài ngày không bơm tháo được sẽ bị thiệt hại. Năm nay, may mắn là đoạn đê trước nhà tôi đang được gia cố, phần nào giúp tôi bảo vệ 12 công chanh, mít sau nhà”.

Bà Nguyễn Thanh Thúy, Chi cục phó Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, khuyến cáo: Đối với vùng cây ăn trái, trên diện tích vườn của bà con tự làm thì nên chuẩn bị gia cố bờ bao, sẵn sàng các phương tiện bơm tháo phòng khi mưa tập trung kéo dài, nước dâng lên cao gây ảnh hưởng bộ rễ. Đối với những vườn cây đang trong giai đoạn thu hoạch, bà con tranh thủ thời gian và hạn chế để trái trong mùa mưa. Khi cây vừa mang trái, nếu bị ngập nước sẽ dễ bị suy kiệt, cần chủ động giải pháp bơm tháo nước bảo vệ sản xuất trong mùa lũ.

Theo Chi cục Thủy lợi tỉnh Hậu Giang, hiện toàn tỉnh có trên 4.000km sông, kênh, rạch. Trong đó, có 24 tuyến kênh cấp 1; 320 tuyến kênh cấp 2; 567 tuyến kênh cấp 3. Để phục vụ tốt cho sản xuất, phòng chống ngập úng trong mùa mưa lũ, hạn hán hàng năm, tỉnh đã xây dựng mới, nâng chất hệ thống cống, bọng và đến nay trên địa bàn tỉnh xây dựng được 511 cống. Ngoài ra, Hậu Giang còn được bao bọc bởi các dự án đê bao Ô Môn - Xà No gồm 56 cống; Nam Xà No có 17 cống đã hoàn thành; đê bao Long Mỹ - Vị Thanh với 20 cống hở, 18 cống tròn. Hiện nay, toàn tỉnh có 77.657ha đất sản xuất nông nghiệp được khép kín đạt tiêu chí số 3 về thủy lợi.

Tuy nhiên, theo dự báo của Đài khí tượng thủy văn Trung ương, mùa lũ ở khu vực Tây sông Hậu và tỉnh Hậu Giang đến sớm hơn trung bình nhiều năm và kéo dài. Nhằm chủ động phòng chống lũ, phục vụ sản xuất, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hậu Giang đã triển khai nhiều giải pháp về thủy lợi đáp ứng sản xuất lúa vụ Hè thu và Thu đông năm 2018 và vụ Đông xuân 2018-2019. Trong đó về giải pháp công trình, các địa phương triển khai nhanh vốn thủy lợi phí và hạn, mặn được Trung ương phân bổ. Ngoài ra, tiến hành rà soát các đê bao, cống, trạm bơm đảm bảo chống lũ, cũng như chuẩn bị vận hành cống sẵn có, đập thời vụ cải tiến để ngăn mặn. Thường xuyên theo dõi chặt chẽ thông tin dự báo lũ sông Cửu Long từ cơ quan chuyên môn để kịp thời thông tin cho người dân có giải pháp ứng phó, bố trí sản xuất, sinh hoạt thích ứng với lũ.

 Bài, ảnh: KỲ ANH

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>