Chủ động ứng phó hạn, mặn

20/02/2019 | 08:32 GMT+7

Là địa phương chịu ảnh hưởng của hạn, mặn nên ngay từ khi sau Tết Nguyên đán, huyện Long Mỹ đã lên phương án chuẩn bị, chủ động ứng phó để vụ Đông xuân 2018-2019 đạt thắng lợi. 

Các cống, đập luôn trong tư thế sẵn sàng cho việc ngăn mặn.

Từ sau Tết Nguyên đán cho đến nay, ngày nào cũng vậy, ông Nguyễn Văn Điền, ở ấp 6, xã Lương Nghĩa, huyện Long Mỹ, luôn nghe thông tin trên các phương tiện truyền thông để cập nhật tình hình mặn. Ông Điền cho biết: “Tình hình xâm nhập mặn trên địa bàn xã những năm gần đây diễn ra hết sức phức tạp. Nước mặn xuất hiện đôi lúc khó đoán trước được. Như mấy năm trước, có năm nước mặn đã tấn công sâu vào nội đồng làm nhiều diện tích lúa của bà con trong giai đoạn làm đòng bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, do chủ động ngay từ đầu nên các diện tích lúa không bị ảnh hưởng nhiều”.

Hiện tại, trà lúa của ông Điền được 60 ngày và trong giai đoạn chuẩn bị trổ. Do đó, để đảm bảo an toàn cho lúa của gia đình, ông đã lên phương án đắp đập, chuẩn bị cống bọng sẵn sàng. “Do diện tích lúa của mình ở sâu hơn so với các hộ khác, vì thế nếu có mặn xâm nhập, với bờ bao đã có, gia đình sẽ tiến hành đắp đập xung quanh để hạn chế thấp nhất tình trạng bị ảnh hưởng”, ông Điền cho hay.

Là địa phương đầu tiên chịu ảnh hưởng của hạn, mặn nên những năm gần đây, người dân ở xã Lương Nghĩa đã chủ động hơn trong việc sản xuất. Bên cạnh đó, địa phương còn chủ động tuyên truyền cho người dân thay đổi tư duy sản xuất, nhất là kịp thời đưa những giống cây trồng phù hợp với thổ nhưỡng, chịu được khô hạn, mặn mà vẫn cho năng suất, hiệu quả kinh tế cao.

Theo dự định của ông Trần Văn Khương, ở ấp 6, xã Lương Nghĩa, chậm nhất là 20 ngày nữa gia đình ông sẽ thu hoạch hoàn toàn 40 công lúa. Vụ lúa này, toàn bộ diện tích đều sử dụng giống OM 5451 có thời gian sinh trưởng 95 ngày là phù hợp nhằm tránh để vụ lúa kéo dài, thiếu nước tưới cuối vụ nếu xảy ra hạn, mặn. Ông Khương chia sẻ: “Để tránh hạn, mặn nên thông thường vụ này, gia đình tôi sẽ gieo sạ sớm. Hơn nữa, hiện lúa cũng đang chờ thu hoạch nên đã cắt nước hoàn toàn. Nếu xảy ra mặn cũng sẽ tiến hành đắp các đường nước không cho vào ruộng. Theo tính toán, nếu suôn sẻ thì năng suất ước tính đạt 6,1 tấn/ha. Sau khi trừ chi phí thì lợi nhuận cũng gần 2 triệu đồng mỗi công”.

Trong vụ lúa Đông xuân 2018-2019 này, toàn xã Lương Nghĩa gieo sạ được hơn 2.000ha. Hiện các trà lúa đều trong giai đoạn trổ. Do đó, công tác bảo vệ sản xuất được xem là vấn đề quan trọng. Ông Lê Hùng Anh, Phó Chủ tịch UBND xã Lương Nghĩa, cho biết: Để né mặn, ngay từ đầu vụ, địa phương đã khuyến cáo bà con xuống giống sớm. Đồng thời, tăng cường gia cố bờ bao, nạo vét kênh mương để tích trữ nước ngọt tưới cho ruộng lúa. Để chủ động ứng phó hạn, mặn, địa phương thường xuyên phối hợp với các ngành có liên quan theo dõi nồng độ mặn. Khi có thông báo độ mặn gia tăng, biến động sẽ phổ biến đến người dân ở từng ấp trên địa bàn xã.

Theo UBND huyện Long Mỹ, để chủ động đối phó với tình trạng khô hạn và nhiễm mặn, ngay từ sớm ngành nông nghiệp đã ban hành kế hoạch phòng, chống hạn, mặn trong mùa khô. Theo thống kê của ngành nông nghiệp huyện Long Mỹ, toàn huyện có diện tích xuống giống hơn 17.758ha, trong đó vùng có nguy cơ bị ảnh hưởng xâm nhập mặn khoảng 8.276-11.802ha, tập trung ở xã Lương Nghĩa, Lương Tâm, Vĩnh Viễn A, Vĩnh Viễn và một phần xã Xà Phiên. Do đó, các vùng này đều được tập trung xây dựng nhiều biện pháp để khắc phục nhằm hạn chế thiệt hại do xâm nhập mặn gây ra.

Ông Huỳnh Văn Vũ, Phó Chủ tịch UBND huyện Long Mỹ, cho biết: Trong vụ lúa Đông xuân 2018-2019 này, với hơn 17.7000ha đều đang trong giai đoạn đẻ nhánh, làm đòng và trổ - chín. Để đảm bảo phần diện tích này không bị ảnh hưởng, hiện ngành chức năng huyện thường xuyên quan trắc, thông tin kịp thời đến các địa phương để người dân có kế hoạch bảo vệ. Đồng thời, kiểm tra, sửa chữa kịp thời những công trình cống không đảm bảo việc ngăn mặn. Cùng với đó, chỉ đạo các địa phương theo dõi chặt chẽ việc sản xuất lúa của người dân trong mùa khô hạn và có giải pháp ứng phó với các điều kiện khó khăn, diễn biến bất thường của thời tiết nhằm ổn định sản xuất, giúp tăng năng suất, nâng cao sản lượng gieo trồng.

Bài, ảnh: THANH THÚY

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>