Chung sức xây dựng nông thôn mới

09/02/2018 | 07:49 GMT+7

Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) trên địa bàn tỉnh đang lan tỏa và đã mang lại diện mạo mới cho nhiều vùng nông thôn.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trương Cảnh Tuyên (thứ 3 từ trái sang) trao đổi công tác xây dựng nông thôn mới với người dân xã Lương Tâm, huyện Long Mỹ.

Những năm qua, công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức được xem là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu tạo được sự đồng thuận lớn của người dân trong việc thực hiện Chương trình xây dựng NTM.

Từ những mô hình thiết thực

Hưởng ứng phong trào thi đua “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” do UBND tỉnh phát động, UBMTTQ Việt Nam tỉnh đã có nhiều mô hình thiết thực như: mô hình xã hội hóa khen thưởng Nhân dân trong xây dựng NTM ở xã Hỏa Tiến, thành phố Vị Thanh; phối hợp với nhà hảo tâm cất nhà cho hộ nghèo ở xã Phương Bình, huyện Phụng Hiệp; tổ liên kết sản xuất và cung ứng rau - nấm an toàn ở xã Vị Trung, huyện Vị Thủy. Bên cạnh đó, UBMTTQ Việt Nam các cấp còn phối hợp với các tổ chức thành viên tham gia xây dựng NTM thông qua các phong trào “Khu dân cư thực hiện hài hòa xóa đói giảm nghèo và bảo vệ môi trường”, “Tổ nhân dân tự quản kiểu mẫu”, “5 không - 3 sạch”, “Toàn dân tham gia bảo vệ môi trường”, cuộc vận động “Ngày vì người nghèo”, các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, uống nước nhớ nguồn...

Bà Nguyễn Thị Tuyết Loan, Phó Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam tỉnh, cho biết: Nhằm giúp các xã sớm đạt tiêu chí NTM, thời gian qua, đơn vị đã triển khai nhiều mô hình hỗ trợ, trong đó nổi bật là công tác phối hợp cùng chính quyền các địa phương đưa ra nhiều giải pháp giúp bà con thoát nghèo. Bên cạnh đó, đơn vị còn chú trọng đến công tác xây dựng cảnh quan môi trường, mà trong 2 năm gần đây tập trung vào bà con tôn giáo bằng hội thi “Tôn giáo với môi trường xanh” đã mang lại nhiều kết quả khả quan.

Mô hình chuyển đổi từ lúa sang trồng chanh không hạt của ông Thới (bìa phải) đang mang lại hiệu quả kinh tế cao. 

Cùng với các sở, ban, ngành tỉnh, chính quyền địa phương cũng rất chú trọng đến công tác tuyên truyền trong xây dựng NTM bằng nhiều việc làm linh động, sáng tạo, như: tuyên truyền lồng ghép qua các cuộc họp dân, chi bộ; in ấn và cấp phát nhiều tài liệu hỏi - đáp về NTM; cắm nhiều bảng pano, áp phích, tổ chức nhiều cuộc thi, tuyên truyền lưu động; giới thiệu những mô hình sản xuất hiệu quả để nhân rộng...

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trương Cảnh Tuyên, Phó Ban chỉ đạo xây dựng NTM tỉnh, cho rằng: Thông qua công tác tuyên truyền đã giúp cán bộ, đảng viên và Nhân dân hiểu được ý nghĩa, tầm quan trọng của chương trình xây dựng NTM, tạo sự thống nhất từ nhận thức đến hành động về xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội từng bước hiện đại. Cơ cấu kinh tế, các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn nông nghiệp với phát triển nhanh công nghiệp, dịch vụ, đô thị theo quy hoạch; xã hội dân chủ, ổn định, giàu bản sắc văn hóa dân tộc; môi trường sinh thái được bảo vệ; an ninh trật tự được giữ vững; đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao.

Nhiều kết quả

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trương Cảnh Tuyên phấn khởi thông tin, năm 2017 tiếp tục đánh dấu sự thành công trong lĩnh vực xây dựng NTM khi Hậu Giang có thêm 5 xã được công nhận đạt chuẩn NTM, nâng tổng số xã NTM đến thời điểm này trên địa bàn tỉnh là 22/54 xã, đạt 40,74%. Có được kết quả này, ngoài sự quan tâm chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh còn nhờ vào sự chung sức, đồng lòng của người dân.

Thông qua công tác tuyên truyền, người dân nông thôn ngày càng ý thức trong xây dựng cảnh quan xanh, sạch, đẹp trước nhà.

Trong những ngày cuối năm, gặp lại ông Trần Đình Tuấn, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Thuận Đông, huyện Long Mỹ, ông đã bắt đầu câu chuyện về xây dựng NTM tại địa phương mình. Ông Tuấn chia sẻ: “Những ngày đầu khi xây dựng NTM theo 19 tiêu chí của Trung ương, người dân địa phương rất bỡ ngỡ và có tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự đầu tư của nhà nước. Thế nhưng, sau khi được cấp trên quán triệt, Ban chỉ đạo xây dựng NTM xã và ấp đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động từ cán bộ, đảng viên đến tận quần chúng Nhân dân. Nhờ vậy, nhận thức của bà con đã chuyển biến qua từng năm, từ đó tự nguyện chung tay cùng địa phương xây dựng Vĩnh Thuận Đông tươi mới như hôm nay”.

Để thấy được sự chung sức, đồng lòng của người dân, chúng tôi đến với tuyến kênh Xẻo Giá, có tuyến đường rộng 2,5m, ở ấp 2, xã Vĩnh Thuận Đông, được địa phương khánh thành đưa vào sử dụng trong năm nay. Tuy còn hơn nửa tháng mới đến Tết Nguyên đán nhưng không khí chuẩn bị vệ sinh cảnh quan trước nhà rất rộn ràng bởi tiếng nói cười của người dân nơi đây. Vừa cắt tỉa tươm tất hàng rào cây xanh trước nhà, bà Mai Thị Hem bộc bạch: “Xuất phát từ nhu cầu, cộng với công tác vận động của chính quyền địa phương nên đơn vị thi công làm đường đến đâu thì có mặt bằng sẵn đến đó. Nhờ vậy mà tuyến đường được hoàn thành rất nhanh. Bây giờ, có lộ khang trang nên bức tranh nông thôn xứ này sáng hẳn ra và năm nay bà con ăn tết chắc vui hơn do có điều kiện đi lại dễ dàng”.      

Hiệu quả của công tác tuyên truyền còn thể hiện qua việc người dân đồng tình hưởng ứng trong việc cải tạo vườn tạp, vườn kém hiệu quả, tăng gia sản xuất phát triển kinh tế hộ gia đình theo định hướng quy hoạch của địa phương. Đồng thời giúp nhau giảm nghèo, xóa nhà tạm bợ, chỉnh trang ngăn nắp, dọn dẹp vệ sinh và trồng hoa kiểng, cây xanh xung quanh nhà để tạo môi trường, cảnh quan xanh - sạch - đẹp, xây dựng gia đình, xóm ấp văn hóa, giữ gìn an ninh trật tự địa phương...

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trương Cảnh Tuyên (thứ 2 từ phải sang) tham quan một số mô hình chuyển đổi cây trồng hiệu quả của người dân tại các xã NTM.

Lão nông Nguyễn Hữu Thới, ở ấp Tân Thạnh Tây, xã Tân Phú Thạnh, huyện Châu Thành A, thông tin: “Sau khi địa phương phát động việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với điều kiện tự nhiên, tôi đã chuyển 7 công ruộng sang trồng chanh không hạt và hiện được 2-3 năm tuổi. Mỗi năm, nguồn thu nhập từ chanh đạt hơn 50 triệu đồng, từ đó cuộc sống gia đình trở nên khá giả hơn”.

Qua thống kê của Ban chỉ đạo xây dựng NTM tỉnh, hiện thu nhập bình quân đầu người ở các xã được công nhận đạt chuẩn NTM trên 35 triệu đồng/người/năm, riêng những xã được công nhận trong năm 2017 là 37 triệu đồng/người/năm. Đây là mức thu nhập tương đối cao so với các tỉnh vùng ĐBSCL.

Trong năm 2018 này, Ban chỉ đạo xây dựng NTM tỉnh đã lựa chọn và đưa ra kế hoạch phấn đấu có thêm 6 xã được công nhận đạt chuẩn NTM gồm: Phú An (huyện Châu Thành), Phương Bình và Bình Thành (huyện Phụng Hiệp), Hỏa Lựu (thành phố Vị Thanh), Long Trị (thị xã Long Mỹ), Trường Long A (huyện Châu Thành A), nâng tổng số xã đạt chuẩn NTM đến cuối năm lên 28/54 xã, chiếm 51,85%. Ngoài ra, các xã còn lại đạt từ 11 tiêu chí trở lên.

 

HỮU PHƯỚC

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>