Chuyển đổi cây trồng hiệu quả

13/02/2018 | 10:51 GMT+7

Chuyển đổi cây trồng theo hướng hiệu quả, tăng thu nhập đã và đang được nhiều nông dân trên địa bàn huyện Long Mỹ áp dụng.

Ông Năm tạo việc làm cho gần 10 lao động địa phương bằng nghề lựa hẹ.

Tuy cây bưởi da xanh bén duyên với vùng đất phèn huyện Long Mỹ chưa lâu, nhưng được lãnh đạo huyện và người dân lựa chọn để phát triển kinh tế. Hiện nay, UBND huyện Long Mỹ đã quy hoạch và hình thành vùng chuyên canh trồng cây bưởi tập trung ở các xã Thuận Hưng, Vĩnh Viễn... Ngoài ra, ngành nông nghiệp huyện còn hướng dẫn người dân canh tác bưởi an toàn theo chuẩn VietGAP với quy mô từ 10-20ha. Thời điểm này, tại các vườn trên địa bàn huyện đang nhộn nhịp thu hoạch trái bán cho thương lái để chuẩn bị cung ứng cho thị trường dịp Tết Mậu Tuất 2018. Ông Trần Văn Tôn, Giám đốc Hợp tác xã Tiến Nông, xã Vĩnh Viễn, cho biết: Tuy năm nay, số diện tích bưởi da xanh của HTX cho trái chưa nhiều nhưng cũng đáp ứng được nhu cầu chưng tết của người tiêu dùng trong khu vực. Cây bưởi cho hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn các loại cây trồng trước đó nên được thành viên trong HTX và nông dân đang mở rộng diện tích theo quy hoạch của ngành nông nghiệp. Ước tính vài năm tới sẽ tăng sản lượng và HTX sẽ mở rộng thị trường cung ứng ra ngoài tỉnh.

Huyện Long Mỹ đã xác định cây bưởi da xanh là một trong những cây ăn trái có thế mạnh trong phát triển kinh tế, tạo thương hiệu và đặc sản riêng của địa phương. Huyện đã đề ra mục tiêu phấn đấu từ nay đến năm 2020 sẽ xây dựng thành công vùng chuyên canh bưởi da xanh, xây dựng ít nhất 20ha bưởi VietGAP, xây dựng thành công nhãn hiệu tập thể cho bưởi da xanh Long Mỹ. Những năm gần đây, giá trị kinh tế từ cây bưởi da xanh ngày càng cao, giá bán ổn định đã trở thành động lực giúp nông dân mạnh dạn đầu tư hơn cho vườn bưởi. Bởi thời điểm này giá bưởi chưng tết (loại 1) lên đến 50.000 đồng/kg, được thương lái tranh nhau mua nên bà con rất phấn khởi vì không lo đầu ra.

Nét nổi bật trong sản xuất nông nghiệp của huyện Long Mỹ còn được điểm tô bằng những cánh đồng trồng màu tươi xanh. Nhiều nhà nông năng động đã chọn lựa cây màu trồng trên đất ruộng gặt hái nhiều thành công. Ông Phạm Văn Năm, ở ấp 8, xã Thuận Hưng đã làm được điều đó. Từ 3 năm qua, ông đã mạnh dạn chuyển 3.500m2 đất ruộng kém hiệu quả sang trồng màu, trong đó ông chọn hẹ là cây chủ lực. Ông chia các liếp hẹ trồng cách nhau vài ngày để có thể thu hoạch luân canh, không bị thừa hàng, dội chợ. Trung bình mỗi ngày, ông cung ứng ra thị trường khoảng 100kg hẹ cho chợ xã trong huyện và cho các xã lân cận của huyện Gò Quao, tỉnh Kiên Giang. Tết này, ông đã chủ động tăng sản lượng hẹ lên 200kg/ngày để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của người tiêu dùng. Mô hình của ông còn góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập thường xuyên cho khoảng 10 chị em phụ nữ có con nhỏ, người lớn tuổi trong ấp với mức thu nhập trên 1,5 triệu đồng/tháng.

Còn ở ấp 2, xã Lương Tâm, nông dân Võ Đăng Khoa thì mạnh dạn chuyển thêm 7 công vườn tạp sang trồng quýt đường, nâng tổng diện tích lên 1ha. Năm nay là năm đầu tiên 7 công quýt cho trái. Mấy tháng trước, ông Khoa đã chuẩn bị xử lý ra hoa nhằm cho trái thu hoạch ngay dịp tết đến xuân về để bán được giá cao. Trước đó vài tháng, ông Khoa đã thu hơn 100 triệu đồng từ 3 công quýt trồng trước đó 3 năm. Ông Khoa cho hay: “Tuy năm nay vườn quýt cho trái chưa nhiều nhưng cũng được vài trăm ký bán tết. Giá cả thì được thương lái thỏa thuận hơn 20.000 đồng/kg và họ sẽ đến hái ngày 28 tết. Hy vọng tới lúc đó bán được giá cao hơn để nhà tôi năm nay ăn tết lớn”.

Ngoài các mô hình trên, nông dân huyện Long Mỹ còn có nhiều mô hình nông nghiệp hiệu quả khác như trồng rau màu, ớt chỉ thiên, ổi lê Đài Loan… cho hiệu quả không kém. Các loại nông sản này đều hút hàng, đắc giá trong dịp tết. Ông Hồ Anh Dũ, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Long Mỹ, thông tin: Những năm gần đây, nông dân trong huyện đã tích cực chuyển đổi cây trồng trên đất ruộng, vườn tạp kém hiệu quả, thay vào đó là trồng những loại cây rau, màu có giá trị kinh tế. Bà con có thể chủ động điều khiển sản lượng để cung ứng những dịp tiêu thụ mạnh như Tết Nguyên đán, cúng rằm tháng Giêng... nhờ đó mà tăng được thu nhập đáng kể. Ngành nông nghiệp huyện cũng thường xuyên theo dõi, cảnh báo sâu bệnh, dịch hại để bà con phòng tránh nhằm thu được kết quả cao nhất.

Bài, ảnh: TRÚC LINH

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>