Chuyển đổi cây trồng mùa hạn

23/04/2019 | 08:00 GMT+7

Những năm gần đây, người dân ở huyện Long Mỹ đã đẩy mạnh chuyển đổi cây trồng mang lại nhiều hiệu quả. Trong đó, có mô hình chuyên canh cây màu trên ruộng cho thu nhập cao.

Mô hình trồng màu chuyên canh của người dân trong HTX cho thu nhập khá cao.

Ở xã Lương Tâm có Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp - Seamul, thuộc ấp 9, các năm gần đây người dân đã đưa nhiều diện tích ruộng chuyển hẳn sang trồng cây màu, mà điển hình là cây đậu bắp Nhật. Ông Trần Trung Quốc, ở ấp 9, xã Lương Tâm, cho biết đây là loại dễ trồng, chỉ cần lên liếp cao không để bị ngập úng là cho năng suất tốt. Tuy nhiên, cực là tốn nhiều nhân công để thu hoạch hàng ngày, vì đơn vị thu mua đưa ra kích cỡ riêng, nếu để quá lứa sẽ bị rớt loại, giá giảm và thu nhập sẽ giảm theo. Trồng đậu bắp Nhật trung bình cho lợi nhuận khoảng 10 triệu đồng/công và có thể trồng được 3 vụ/năm”.

Theo ông Quốc, hiện nhiều nông dân trồng đậu bắp Nhật ở xã Lương Tâm rất phấn khởi vì được doanh nghiệp ở tỉnh Bạc Liêu đến bao tiêu toàn bộ sản phẩm với giá 8.500 đồng/kg (loại 1), còn rớt loại cũng 2.500 đồng/kg. Trung bình đậu bắp Nhật cho năng suất từ 2-2,5 tấn/công, thời gian thu hoạch kéo dài khoảng 2,5 tháng mới kết thúc vụ. Ở vùng này đã có nhiều hộ chuyển sang trồng đậu bắp, dưa lê, bí nụ… đều cho thu nhập cao hơn rất nhiều lần so với làm lúa. Bên cạnh một số hộ trồng chuyên canh thì cũng có người trồng màu vào mùa hạn này, trong thời gian nghỉ vụ chờ mưa xuống để sản xuất lúa.

Anh Lê Văn Công, ở ấp 9, xã Lương Tâm, cũng đã chuyển sang trồng màu hơn 5 năm nay. Với 6 công dưa lê đợt này anh ước năng suất thu hoạch khoảng 12 tấn, với giá bán 6.000 đồng/kg, tính ra có lợi nhuận cũng khoảng 7 triệu đồng/công. Anh Công cho biết do vùng này giáp ranh với huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu nên thường nước mặn về sớm, mặc dù địa phương đã đầu tư các cống đập ngăn lại không cho nước mặn tràn vào. Việc chuyển sang trồng màu bên cạnh thực hiện theo chủ trương của xã còn tạo cho gia đình nâng cao thu nhập. Nếu như trước đây, nông dân thường chỉ canh tác 2 vụ lúa còn mùa hạn này thì để đất trống vì thiếu nước, nhưng khi chuyển sang màu thì trồng được quanh năm, từ đó mà cuộc sống gia đình cũng khá hơn.

Ở Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp - Seamul, hiện có 200ha đất sản xuất, trong đó cây màu chiếm đến 60ha và lúc này các thành viên cũng xuống giống được khoảng 40ha. Ông Lê Văn Trung, Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX, cho biết: Có nhiều loại màu của HTX đã được doanh nghiệp đến bao tiêu như bí nụ, đậu bắp Nhật, dưa lê, ớt… nên các thành viên không lo lắng về đầu ra. Giá cả thu mua thì phụ thuộc vào thị trường, nhưng tính ra nông dân cũng có lợi nhuận nhiều hơn trồng lúa. Đặc biệt, HTX còn được Tổ chức nông thôn mới Hàn Quốc hỗ trợ nhiều máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp, nhất là mới đây Viện Cơ điện nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch (Bộ NN&PTNT) đã tổ chức mô hình trình diễn kỹ thuật cơ giới hóa đồng bộ sản xuất bắp trên đất lúa kém hiệu quả thích ứng với biến đổi khí hậu vùng ĐBSCL tại HTX để các thành viên thấy thực tế về áp dụng.

Hiện tại, ở HTX cũng còn khá nhiều diện tích đất trồng lúa chưa chuyển sang trồng màu, chủ yếu là do thiếu lao động. Theo dự tính của ông Lê Văn Trung, Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX, sau khi Viện Cơ điện nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch chuyển giao máy rạch hàng, gieo hạt, bón phân bắp (máy 3 trong 1); máy gieo hạt, bón phân trên cây đậu bắp; máy xới đất, đào rãnh để trồng màu sẽ giúp cho người trồng màu ở HTX giảm bớt công lao động, giảm chi phí đầu tư, mở rộng được quy mô sản xuất để thuận lợi hơn trong khâu liên kết với doanh nghiệp, từng bước tiêu thụ sản phẩm nông sản ổn định.

Ông Lê Hoàng Việt, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Long Mỹ, cho hay: Tính đến thời điểm này, huyện đã xuống giống hơn 1.600ha màu, trong đó nhiều nhất là dưa hấu, dưa lê, bắp và rau màu các loại. Ngành cũng hướng dẫn nông dân chọn trồng các loại ở từng thời điểm thích hợp để tránh dội hàng, mất giá. Hiện nay, huyện đang tích cực chuyển đổi bớt diện tích lúa vụ 3 để chuyển sang 2 vụ lúa - 1 vụ màu. Huyện có khoảng 6.000ha đất lúa bỏ trống vào mùa khô nên rất cần chuyển đổi để giúp nông dân có thu nhập thường xuyên. Tuy nhiên, khó khăn nhất hiện nay ở vùng nông thôn là lao động và chỉ tính riêng chi phí làm đất bằng thủ công để trồng đã mất hết 1,5 triệu đồng/công. Nếu thực hiện được khâu cơ giới hóa sẽ giảm được nhiều nhân công, giảm chi phí cho người trồng màu rất nhiều lần. Thời gian qua, cũng có nhiều doanh nghiệp đến đặt hàng bao tiêu sản phẩm rau màu với số lượng lớn, nhưng do thiếu nhân công lao động nên diện tích, sản lượng không đáp ứng được nhu cầu của đối tác.

Ông Lê Văn Đời, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hậu Giang, khẳng định: Tới đây, ngành sẽ quy hoạch lại vùng trồng để kết nối với doanh nghiệp. Hiện nay, xuất khẩu các sản phẩm rau, củ, quả còn nhiều rào cản nên nông dân cần phải thay đổi nhận thức, tập quán canh tác để đáp ứng được nhu cầu thị trường. Tỉnh cũng khuyến cáo bà con nông dân mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, nhất là chuyển đổi cây màu vào mùa khô và nên thực hiện theo mô hình 2 vụ lúa - 1 vụ màu để vừa cắt dòng đời sâu bệnh, vừa phù hợp trong chuyển đổi cây trồng mà hiệu quả kinh tế cũng tăng lên. Khi chuyển đổi, ngành sẽ gắn kết với doanh nghiệp để có đầu ra, có hỗ trợ để giảm bớt khó khăn cho nông dân và HTX. Đặc biệt là tới đây sẽ đẩy mạnh khâu cơ giới hóa trên cây màu để mở rộng vùng nguyên liệu, giảm nhân công, giảm chi phí, tăng lợi nhuận cho người nông dân…

Bài, ảnh: HOÀI THU

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>