Dấu ấn đẹp mô hình kè sinh thái

12/07/2018 | 08:37 GMT+7

Qua Chiến dịch giao thông nông thôn - thủy lợi và trồng cây năm 2018, huyện Phụng Hiệp đã để lại dấu ấn đẹp với mô hình làm kè sinh thái bảo vệ đất, chống sạt lở.

Mô hình giúp tăng độ che phủ cây xanh, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Theo thống kê, huyện Phụng Hiệp có khoảng gần 80 điểm có nguy cơ sạt lở cao với chiều dài khoảng 130.000m chủ yếu ở tuyến kênh lớn như: kênh xáng Nàng Mau, kênh Quản lộ Phụng Hiệp, kênh Lái Hiếu, kênh Hậu Giang 3,… Trước diễn biến phức tạp của thời tiết, biến đổi khí hậu đã có nhiều điểm bị sạt lở nghiêm trọng. Trên các tuyến kênh này, lưu lượng ghe tàu qua lại khá nhiều khiến cho đất các đoạn mé sông mất dần diện tích. Ông Trần Văn Huỳnh, ở ấp Mỹ Hòa, thị trấn Cây Dương, cho biết: “Con lộ trước nhà tôi có đoạn bị lở sạt gần 80% đất mé sông. Người dân đi ngang đoạn sạt thường nơm nớp lo sợ bị rơi xuống nước”.

Trước tình hình đó, nhiều người dân đã chủ động bỏ tiền túi ra để làm kè kiên cố bằng cột bê tông để chống sạt lở. Số tiền bỏ ra có khi bằng cả gia tài. Như hộ ông Lê Văn Trung, ở ấp Mỹ Hòa, thị trấn Cây Dương, 4 năm trước đã bỏ ra 40 triệu đồng làm bờ kè che chắn cho bờ đất cặp sông có chiều dài 40m trước cửa nhà mình. Ông Trung cho biết: “Lộ trước nhà tôi bị lở vô gần 3m nên cha mẹ tôi bảo phải kè ra thêm 5m kết hợp trồng cây dừa, xoài, tre cho chắc chắn. Tuy số tiền bỏ ra khá nhiều nhưng giữ được đất mé sông thì cũng xứng đáng”.

Không phải ai cũng có kinh tế, sẵn sàng bỏ ra số tiền lớn để làm kè, vì vậy, tuyến lộ nông thôn cặp kênh Quản lộ Phụng Hiệp chỗ lồi chỗ lõm nhìn không đẹp và có nguy cơ gây nguy hiểm cho người dân khi đi lại. Chính vì vậy, chính quyền, địa phương huyện Phụng Hiệp đã ra tay chung sức vận động Nhân dân cùng hưởng ứng phong trào. Và mô hình kè sinh thái là mô hình được khả thi nhất vì chi phí thấp hiệu quả chống sạt lở khá cao. Ông Lê Công Lý, Chủ tịch UBND huyện, cho biết: “Đây là một mô hình xuất phát từ trong dân nhưng chưa được thực hiện rộng rãi. Vì vậy, huyện muốn phát động thành một phong trào, làm đồng bộ chứ không làm nhỏ lẻ như trước. Qua phát động, bước đầu phong trào được người dân đồng tình, hưởng ứng, góp công góp sức để cùng làm. Cho đến nay, 15/15 xã, thị trấn trên địa bàn huyện đã thực hiện hoàn thành”.

Theo đó, Trạm Thủy lợi huyện đã thiết kế chi tiết mô hình chống sạt lở và hướng dẫn người dân làm theo. Trưởng trạm Thủy lợi huyện Trần Đình Thanh cho hay: “Mô hình được thực hiện dựa theo chiều cao của đỉnh triều. Cao trình đỉnh cừ phải cao hơn đỉnh triều từ 0,2-0,3m để chắn sóng. Gia cố 1 hàng cừ tràm, tre từ 3-5 cây/m, cách bờ kênh từ 2-3m, tấn bằng mê bồ, lưới cước (hoặc vải địa kỹ thuật) cao trình đỉnh triều đầu mùa khô từ 0,2m. Sau đó, vét đất dưới kênh lắp vào tại nơi gia cố sạt lở cao hơn cao trình đỉnh triều đầu mùa khô 0,1-0,2m. Tiếp theo là trồng tràm tại nơi đắp đất, cây cách cây 20cm; kế đó là trồng hàng bần, dừa, cà na 2-3m/cây”. Cũng theo ông Thanh, sau mùa khô khoảng 6 tháng, lũ về đỉnh triều sẽ dâng cao khi đó tràm đã phát triển tốt. 2-3 năm sau, khi hàng cừ tràm gia cố tự hủy, cây tràm có đủ khả năng chống sạt lở. 4-5 năm sau, nếu người dân thu hoạch tràm vẫn còn hàng bần, cà na đang phát triển, vừa bảo vệ bờ mà còn giúp người dân có nguồn thu phụ.

Được biết, kinh phí đầu tư cho 1m kè chỉ 150.000 đồng, nhưng sau 4-5 năm giá trị cây tràm mang lại khoảng 900.000-1.000.000 đồng/m. Bước đầu, UBND huyện đã hỗ trợ người dân kinh phí vét đất đắp bờ và cây tràm trồng trên lớp đất đắp. Đối với những hộ nghèo, khó khăn, huyện hỗ trợ hoàn toàn bằng nguồn ngân sách. Hưởng ứng cùng địa phương, nhiều bà con đã bỏ công sức, vật tư tre, nứa để làm. Ông Võ Văn Tư, ở ấp 4, xã Hòa An, cho biết: “Tôi đốn nguyên bụi tre to đùng để tấn mé. Thấy chính quyền làm việc này có ý nghĩa quá nên tôi cũng cùng góp ngày công để đào đất, làm kè. Nhờ vậy mà 25m lộ trước nhà tôi được bảo vệ, không bị sạt lở, tránh hư hại cây cối, hàng rào của gia đình”.

Không những vậy, phong trào còn nâng lên theo hình thức xã hội hóa, được người dân và các doanh nghiệp hưởng ứng tích cực. Qua phát động chiến dịch và phong trào, đã có hơn 11.100m kè sinh thái được tự người dân bỏ công sức, tiền bạc ra thực hiện, 69 đập kiên cố được hoàn thiện từ nguồn tiền xã hội hóa. Dự tính, tổng chi phí xã hội hóa đóng góp cho phong trào kè mé sinh thái và cống đập kiên cố lên đến gần 2 tỉ đồng.

Có thể nhận thấy cho đến nay, kết quả bước đầu của mô hình này đã mang đến những tín hiệu tích cực. Mô hình chỉ cần chi phí thấp nhưng hiệu quả chống sạt lở thì rất cao mà còn giúp tăng độ che phủ cây xanh, ứng phó với biến đổi khí hậu, đặc biệt là thúc đẩy nhanh quá trình bồi lắng, tạo huê lợi từ cây trồng sau vài năm. “Hướng tới, huyện sẽ tiếp tục nhân rộng các mô hình sao cho chống được sạt lở trên các tuyến kênh rạch đạt hiệu quả hơn, vận động người dân làm thường xuyên, tích cực hơn, giúp địa phương bảo tồn cảnh quan vốn có của vùng sông nước”, ông Lê Công Lý, Chủ tịch UBND huyện Phụng Hiệp, cho biết thêm.

Bài, ảnh: TRÚC LINH

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>