Dấu ấn nông thôn mới

13/02/2018 | 09:19 GMT+7

Mùa xuân này Hậu Giang sẽ có thêm nhiều niềm vui, khi công tác xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh đạt được nhiều kết quả khả quan. Đặc biệt, đến thời điểm này, tỉnh đã có 22 xã đạt 19/19 tiêu chí và một đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trương Cảnh Tuyên (giữa) cùng lãnh đạo Văn phòng điều phối NTM, huyện Long Mỹ, kiểm tra nhà văn hóa ở xã Lương Tâm.

Theo Văn phòng điều phối nông thôn mới tỉnh, đạt kết quả trên là do sự tập trung chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, nhất là Ban Chỉ đạo tỉnh đã kiện toàn bộ máy các cấp và đi vào hoạt động khá tốt. Tỉnh ủy có chủ trương chỉ đạo các xã thành lập Ban chỉ đạo cấp xã do đồng chí Bí thư Đảng ủy xã làm trưởng ban nhằm nâng cao vai trò, trách nhiệm của Đảng ủy xã trong xây dựng nông thôn mới. Trong tổ chức bộ máy các cấp đều có phân rõ vai trò, trách nhiệm của từng thành viên và hầu hết đều nhận thức đầy đủ và thực hiện nhiệm vụ với ý thức, trách nhiệm cao. Ban chỉ đạo tỉnh cũng xác định trọng tâm, mấu chốt của chương trình khi bắt đầu triển khai thực hiện, chỉ đạo các cấp tập trung lập đồ án quy hoạch và đề án xây dựng xã nông thôn mới. 2 công tác này sớm hoàn thành đã tạo điều kiện thuận lợi trong triển khai thực hiện. Ngoài ra, còn có sự tăng cường kiểm tra, giám sát, thường xuyên sơ kết, tổng kết, đúc kết kinh nghiệm để chỉ đạo, từ đó kết quả thực hiện chương trình đạt và vượt kế hoạch. Một điều dễ nhận thấy là sự quan tâm, phối hợp của các sở, ngành, đoàn thể trong việc xây dựng, hướng dẫn các địa phương thực hiện các tiêu chí nông thôn mới. Có nhiều phong trào phát động của Mặt trận, hội, đoàn thể các cấp về xây dựng nông thôn mới được nâng lên về số lượng và chất lượng.

Đặc biệt là sự quyết tâm và chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các địa phương, nhất là sự đồng lòng chung sức của người dân đã tạo sự thành công trong công tác xây dựng nông thôn mới. Mới đây, xã Vĩnh Thuận Đông, Lương Tâm của huyện Long Mỹ và xã Tân Phú Thạnh, Thạnh Xuân của huyện Châu Thành A cũng đã ra mắt xã nông thôn mới đúng với lộ trình của tỉnh. Ông Phạm Minh Hậu, Chủ tịch UBND xã Lương Tâm, cho rằng: Thời gian qua, ngoài sự quan tâm giúp đỡ của các ngành có liên quan từ tỉnh đến huyện, Đảng bộ xã luôn thể hiện tinh thần đoàn kết nhất trí cao, thường xuyên tuyên truyền mục đích, ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác xây dựng nông thôn mới. Từ đó, làm cho đa số người dân đều thông suốt nên công tác tổ chức thực hiện đạt nhiều kết quả, khi Lương Tâm đã được công nhận nông thôn mới đúng theo kế hoạch ban đầu.

Việc thành công trong công tác xây dựng nông thôn mới bên cạnh các tiêu chí về giao thông, thủy lợi, thu nhập bình quân đầu người, trường học, cơ sở vật chất văn hóa… thì yếu tố quan trọng phải kể đến công tác quy hoạch. Theo kế hoạch xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Hậu Giang thì đến thời điểm hiện tại có 54/54 xã được phê duyệt quy hoạch. Ông Huỳnh Thành Hữu, Phó Chánh Văn phòng điều phối nông thôn mới tỉnh Hậu Giang, cho biết: Chất lượng các đồ án quy hoạch xây dựng nông thôn mới bước đầu đã đáp ứng được yêu cầu thực tế về quản lý đầu tư xây dựng, định hướng phát triển không gian kiến trúc cảnh quan, quy hoạch hệ thống cơ sở hạ tầng đáp ứng cho nhu cầu phát triển về lâu dài đảm bảo phục vụ tốt cho công tác xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020. Đến nay, trên địa bàn toàn tỉnh, tỷ lệ số xã triển khai công bố quy hoạch đạt 100%, ban hành quy định quản lý theo đồ án quy hoạch đạt 80%, triển khai cắm mốc quy hoạch đạt 35,18% tổng số xã.

Nhiều tuyến đường nông thôn trong tỉnh được đầu tư rộng rãi từ phong trào xây dựng nông thôn mới.

Ông Huỳnh Thành Hữu, Phó Chánh Văn phòng điều phối nông thôn mới tỉnh, khẳng định: Chính việc đầu tư có trọng tâm, trọng điểm mà bộ mặt nông thôn có nhiều đổi mới; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội phát triển khá nhanh, đáp ứng cơ bản nhu cầu sinh hoạt của người dân nông thôn. Công tác lập đồ án quy hoạch và xây dựng đề án nông thôn mới được quan tâm chỉ đạo và sớm hoàn thành, từ đó làm cơ sở tốt cho công tác chỉ đạo, triển khai và tổ chức thực hiện chương trình, góp phần vào thành quả thực hiện của tỉnh như hiện nay. Ngoài ra, công tác tuyên truyền, vận động đã được Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể các cấp phát động bằng nhiều phong trào thiết thực, tạo nhiều luồng sinh khí mới cho nông dân. Phong trào thi đua đã phát huy được hiệu quả với nhiều mô hình mới, cách làm hay như: phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; phong trào xóa đói giảm nghèo, các phong trào của cựu chiến binh, nông dân, phụ nữ, đoàn thanh niên... đều gắn kết với xây dựng nông thôn mới. Từ đó, cả hệ thống chính trị và quần chúng Nhân dân đã hiểu rõ về mục đích, ý nghĩa, nội dung chương trình và có tinh thần ý thức, trách nhiệm cao trong tham gia xây dựng nông thôn mới.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trương Cảnh Tuyên, cho rằng: Việc thực hiện các tiêu chí nông thôn mới đảm bảo theo lộ trình. Thu nhập đầu người của tỉnh tiếp tục tăng, tỷ lệ hộ nghèo giảm, đời sống Nhân dân được nâng lên đáng kể. Đặc biệt, diện mạo nông thôn ngày càng khởi sắc; kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi, trường học, trạm y tế, nhà văn hóa… được quan tâm đầu tư từng bước đáp ứng nhu cầu sản xuất, phục vụ dân sinh. Sản xuất phát triển theo hướng hàng hóa, gắn sản xuất với chế biến và thị trường tiêu thụ. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ngày càng được củng cố; cảnh quan, môi trường nông thôn dần được cải thiện. Tuy nhiên, các địa phương phải không ngừng nâng chất các tiêu chí đã đạt để phong trào xây dựng nông thôn mới tại địa phương thật sự hiệu quả và bền vững.

Theo Văn phòng điều phối nông thôn mới tỉnh, đến nay toàn tỉnh có 22/54 xã đạt 19/19 tiêu chí nông thôn mới, đạt 40,74%; số xã đạt 15-18 tiêu chí là 3 xã, chiếm 5,56%; số xã đạt 10-14 tiêu chí là 27 xã, chiếm 50%; số xã đạt 5-9 tiêu chí là 2 xã, chiếm 3,7%. Tổng nguồn vốn thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh năm 2017 hơn 6.630 tỉ đồng, bao gồm vốn trực tiếp cho chương trình, vốn ngân sách địa phương, vốn lồng ghép, vốn tín dụng, vốn doanh nghiệp, huy động Nhân dân đóng góp, vốn khác... Các ngành, địa phương đã chủ động, tập trung lồng ghép có hiệu quả vốn của các dự án khác với xây dựng nông thôn mới. Việc huy động người dân và cộng đồng dân cư đóng góp xây dựng nông thôn mới được thực hiện dân chủ, công khai, minh bạch và không có tình trạng huy động quá sức dân.

 

THANH TRÚC

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>