Đề phòng bệnh hại khóm mùa nắng nóng

10/04/2019 | 09:39 GMT+7

Người dân trồng khóm ở thành phố Vị Thanh đang phấn khởi vì khóm bán được giá hơn so với năm ngoái. Tuy nhiên, vào mùa khô diện tích khóm bị héo khô đầu lá có chiều hướng tăng, ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng trái cũng làm người trồng lo lắng.

Mùa nắng nóng nông dân cần áp dụng các biện pháp phòng, trừ bệnh hại sớm để đảm bảo khóm đạt năng suất cao.

Hiện giá khóm loại 1 (trên 1kg/trái) được thương lái thu mua từ 6.500-6.800 đồng/trái, còn khóm tơ, trái tốt là 7.000 đồng/trái. Mức giá này ổn định từ sau Tết Nguyên đán và cao gần gấp đôi so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, thị trường khóm bán lẻ khá hút hàng nên đa số thu hoạch xong đều được thương lái thu mua. Dù trong mùa khô hạn, nhưng người dân đã chủ động trữ nước ngọt ở các mương vườn có hiệu quả, hệ thống cống hoàn thiện đảm bảo phục vụ nước tưới cho cây trồng. Do đó, dù độ mặn đang diễn biến thất thường nhưng chưa có ảnh hưởng đến diện tích khóm trên địa bàn thành phố Vị Thanh.

Ông Vu Sủi, Giám đốc HTX Nông nghiệp Thạnh Thắng, xã Hỏa Tiến, cho biết: Phấn khởi vì giá tốt, nông dân có lời nhưng từ khi bước vào mùa khô đến nay, diện tích khóm bị héo khô đầu lá có dấu hiệu tăng, gây ảnh hưởng tới năng suất khóm là điều mà xã viên HTX Thạnh Thắng lẫn nhiều hộ trồng khóm ở xã Hỏa Tiến lo lắng. Diện tích khóm bị nhiễm bệnh năm nay có chiều hướng tăng so với các năm trước. Một công khóm bình thường đạt từ 1.800-2.000 trái, nhưng khi bị nhiễm bệnh thì giảm còn 1.400 trái/công, thậm chí nhiều diện tích bị thiệt hại nặng hơn, không xử lý kịp thời sẽ không thể cho trái.

Đang bận rộn phân loại khóm để bán, bà Nguyễn Ngọc Nương, ở ấp Thạnh An, xã Hỏa Tiến, cũng kém vui khi đợt thu hoạch này năng suất giảm vì khóm bị héo đỏ lá, nặng hơn còn không thể ra trái, thậm chí chết cả bụi phải đành nhổ bỏ. Nếu năm rồi thu hoạch được gần 3 thiên khóm thì năm nay chỉ được gần 2 thiên (2.000 trái), cũng may khóm bán được giá hơn nên không thua lỗ. Bà Nương cũng dự định thu hoạch dứt điểm vụ này sẽ nhổ toàn bộ cây cũ, làm đất trồng lại vụ mới, nếu tính toán thêm các chi phí xử lý, làm đất, giống và phân thuốc cho vụ sau thì cũng không còn lời nhiều.

Theo đánh giá của ông Phạm Minh Thế, Trưởng trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật thành phố Vị Thanh thì bệnh héo khô đầu lá do vi-rút gây ra, có thể lây truyền mầm bệnh từ vụ trước hoặc rệp sáp chích hút nhựa từ cây bệnh truyền sang cây khỏe. Vào mùa nắng, lượng nước tưới hạn chế làm tình trạng nhiễm bệnh càng nặng hơn, gây ảnh hưởng từ 20-35% diện tích, chủ yếu mức độ từ nhẹ đến trung bình. Tuy nhiên, thiệt hại sẽ nặng hơn và lan rộng nếu không quản lý chặt chẽ, phòng trị bệnh kịp thời.

Theo ngành chuyên môn, khâu chuẩn bị ngay từ khi bắt đầu vụ trồng mới rất quan trọng. Bà con cần xử lý đất kỹ, bón vôi cải tạo đất, vệ sinh khu vực trồng để hạn chế mầm bệnh. Đặc biệt là diệt kiến để tránh lây lan rệp sáp từ cây này sang cây khác, làm mương cách ly giữa các liếp, chọn hom đồng đều, khỏe, sạch bệnh. Nếu bà con có thói quen sử dụng hom từ vụ trước để trồng lại nên xử lý bằng thuốc để diệt hết mầm bệnh, tránh lây lan cho vụ sau.

Để người dân có vụ trồng hiệu quả, ít bị bệnh hại và đảm bảo năng suất cao, vừa qua Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật thành phố Vị Thanh đã xây dựng mô hình quản lý rệp sáp, hạn chế bệnh héo khô đầu lá trên khóm tại ấp Thạnh Thắng, xã Hỏa Tiến với diện tích khoảng 1.000m2. Sau khi áp dụng chặt chẽ các biện pháp phòng trừ từ khâu cải tạo, xử lý đất, xử lý hom giống, phun phân qua lá… mô hình được đánh giá hiệu quả khi diện tích sạch bệnh đạt trên 90%. Hiện cán bộ kỹ thuật tiếp tục phổ biến các biện pháp phòng trị hiệu quả và chăm sóc cây cho bà con nông dân.

Theo thống kê của Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật thành phố Vị Thanh, diện tích khóm trên địa bàn thành phố là 1.650ha, kế hoạch từ nay đến cuối năm sẽ là 1.880ha. Theo đề án mở rộng, phát triển cây khóm Cầu Đúc sẽ nâng tổng diện tích vùng khóm nguyên liệu trên địa bàn lên 2.000ha.

 

Bài, ảnh: THIÊN NGỌC

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>