Định hướng mới cho vùng mía

07/10/2019 | 18:10 GMT+7

Ngành chức năng tỉnh và người dân đang có nhiều định hướng trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trong thời gian tới, nhất là tại các vùng mía nguyên liệu.

Do canh tác mía không hiệu quả nên nhiều nông dân huyện Phụng Hiệp có ý định chuyển đổi cây trồng. 

Nguy cơ mất vùng mía

Nhiều vụ mía liên tiếp, người dân tại các vùng mía trên địa bàn tỉnh như huyện Phụng Hiệp, thị xã Ngã Bảy và thành phố Vị Thanh luôn đối mặt với mùa “mía đắng”, vì không có nguồn lợi nhuận sau gần một năm bám rẫy mía vất vả. Riêng vụ mía 2019-2020 này, tuy bà con chỉ sắp thu hoạch nhưng với giá mía 700 đồng/kg (mía 10 chữ đường) được nhà máy đường đưa ra và sẽ thu mua vào đầu vụ tới đây thì nhiều nông dân trồng mía cho rằng sẽ tiếp tục cầm chắc từ huề vốn đến thua lỗ sau khi bán mía xong. Từ những thực trạng trên, hầu hết nông dân đều có ý định chuyển đổi từ mía sang cây trồng khác sau vụ thu hoạch này.

Với vẻ mặt buồn bã khi nhìn những cây mía (giống ROC 16) của gia đình phía sau nhà bắt đầu đỏ đọt và xuống lá vì bị ngập nước và quá ngày thu hoạch, ông Huỳnh Văn Tôi, ở ấp Quyết Thắng B, xã Hiệp Hưng, huyện Phụng Hiệp, chia sẻ: “Với 8 công mía của gia đình, năm rồi sau khi bán mía xong tôi lỗ gần 20 triệu đồng. Vợ tôi khuyên nên bỏ mía để chuyển sang cây trồng khác, nhưng vì còn vấn vương với cây mía nên tôi quyết định canh tác thêm một vụ nữa với hy vọng sẽ gỡ gạc lại vụ mía trước. Thế nhưng, giá mía đầu vụ mà nhà máy đường thu mua chỉ 700 đồng/kg, trong khi giá thành sản xuất mía vụ này từ bằng đến cao hơn 700 đồng/kg. Như vậy, chưa bán mía mà nông dân đã cầm chắc thua lỗ. Do đó, không cần suy nghĩ gì thêm, sau khi bán mía xong là tôi sẽ chuyển đổi tất cả diện tích mía của mình sang cây trồng khác sau hơn 30 năm gắn bó”.

Cùng suy nghĩ, ông Nguyễn Văn Y, ở ấp Long Trường 2, xã Long Thạnh, huyện Phụng Hiệp, bộc bạch: “Nhiều quy định mới khó thực hiện trong cách thu mua mía mà Công ty Cổ phần Mía đường Cần Thơ (Casuco) đưa ra cho vùng mía nguyên liệu của mình, cộng với việc vào vụ ép trễ trong khi nước lũ cao và mới đây là việc Casuco công bố chính thức giá thu mua mía đầu vụ làm cho bà con trồng mía vô cùng chán nản vì khả năng tiếp tục đối mặt với thua lỗ. Vì vậy, chắc sau đợt bán mía này tôi sẽ chuyển sang trồng cây khác, chứ bám theo cây mía thì cuộc sống gia đình ngày càng khó khăn”.

Không riêng gì ông Tôi và ông Y mà qua khảo sát của chúng tôi, hiện hầu hết nông dân trồng mía trên địa bàn tỉnh đều có chung tâm trạng là sẽ chuyển đổi sang cây trồng khác. Trên thực tế, việc chuyển từ cây mía kém hiệu quả sang cây trồng khác đã được bà con dần thực hiện trong những năm qua. Theo đó, Hậu Giang từng biết đến là vùng đất có diện tích mía lớn nhất của vùng ĐBSCL khi vào thời gian giá mía cao, nhà máy đường tranh giành thu mua mía nguyên liệu thì diện tích mía của tỉnh có niên vụ đạt gần 14.000ha. Tuy nhiên, khoảng 3 năm nay, khi ngành mía đường gặp khó, nông dân trồng mía cũng giảm dần diện tích. Điển hình, vụ mía sắp thu hoạch tới đây thì tổng diện tích mía trên địa bàn tỉnh chỉ còn 8.147ha (theo thống kê của ngành nông nghiệp tỉnh), giảm hơn 2.000ha so với vụ mía trước. Bên cạnh đó, trước tình cảnh giá mía thấp nên khả năng người dân tiếp tục đối mặt với mùa mía thua lỗ, ngành chức năng tỉnh dự báo nguy cơ nhà máy đường sẽ mất vùng mía nguyên liệu của mình trong thời gian không lâu.

Ưu tiên chuyển đổi sang 2 loại cây trồng

Một thực tế cần nhìn nhận là dù biết việc canh tác mía trong thời gian gần đây không mang lại hiệu quả kinh tế cao do nông dân phải chịu cảnh khó khăn chung của ngành mía đường. Vì vậy, không ít bà con muốn bỏ cây mía để chuyển sang cây trồng khác nhưng lại không biết là trồng cây gì và đầu ra như thế nào. Không chỉ có nông dân mà ngay cả ngành chức năng địa phương cũng đối mặt với tình cảnh tương tự.

Ông Lê Như Lê, Phó Chủ tịch UBND huyện Phụng Hiệp, thông tin: Tại những vùng mía canh tác không mang lại hiệu quả trên địa bàn huyện, nhất là những vùng trũng, thấp thì địa phương có tổ chức nhiều đoàn đến gặp gỡ người dân để vận động bà con chuyển đổi cây trồng. Thế nhưng, khi người dân hỏi ngược lại là chúng tôi nên trồng cây gì và bán ở đâu thì địa phương cũng khó trả lời. Và để giải bài toán trên, thời gian qua, lãnh đạo huyện Phụng Hiệp đã triển khai nhiều chương trình xúc tiến thương mại, cũng như gặp gỡ doanh nghiệp để giới thiệu tiềm năng, sản phẩm đặc trưng nhằm kêu gọi doanh nghiệp đến đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp của huyện, nhưng mức độ vẫn còn hạn chế.

Từ những trăn trở của người dân, thời gian qua, UBND tỉnh cùng các sở, ngành liên quan của tỉnh và chính quyền địa phương đã có nhiều nỗ lực để giúp hộ dân. Theo đó, sau thời gian phối hợp cùng nông dân trong triển khai nhiều dự án về trồng chanh không hạt và bưởi Năm Roi theo tiêu chuẩn VietGAP đáp ứng thị trường xuất khẩu châu Âu mang lại hiệu quả kinh tế cao. Vì vậy, ngành nông nghiệp tỉnh đề xuất và được lãnh đạo Công ty TNHH The Fruit Republic Cần Thơ (công ty) chấp thuận mở rộng hợp tác.

Theo bản ký kết hợp tác giữa lãnh đạo công ty và Sở NN&PTNT tỉnh thì định hướng đến năm 2021, hai bên sẽ tăng cường hợp tác xây dựng thêm 400ha chanh không hạt và 400ha bưởi Năm Roi theo chuẩn VietGAP, GlobalGAP nhằm xuất khẩu sang thị trường châu Âu; trong đó, ưu tiên thực hiện tại những vùng canh tác mía kém hiệu quả chuyển sang trồng hai loại cây ăn trái trên. Bên cạnh đó, công ty còn tiến hành xây dựng nhà máy chế biến 2ha, điểm trình diễn mô hình, trại thực nghiệm giống cây ăn trái 10ha… Khi mô hình hợp tác mang lại hiệu quả thì tỉnh Hậu Giang sẽ tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất và diện tích chuyển đổi chính là tại các vùng mía.

Ông Trần Chí Hùng, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh, cho hay: Thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội nhiệm kỳ 2021-2025 tới đây, ngành nông nghiệp tỉnh dự kiến chỉ giữ lại khoảng 3.000ha mía và tiến hành vận động bà con chuyển đổi gần 5.000ha từ mía kém hiệu quả sang trồng những loại cây có giá trị kinh tế cao. Với kế hoạch này, ban đầu đơn vị cũng lo ngại về việc chọn trồng cây gì và bán sản phẩm ở đâu. Tuy nhiên, với sự tham gia bước đầu của công ty đã giúp cho ngành và chính quyền địa phương có câu trả lời với người dân. Thế nhưng, về phía ngành cũng đề xuất công ty xem xét tiêu thụ thêm nhiều mặt hàng nông sản đặc trưng khác của tỉnh. Từ đó, khi mở rộng diện tích chuyển đổi cây trồng thì người dân có thể đa dạng về chủng loại theo từng vùng trồng tập trung…

 

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trương Cảnh Tuyên: Các địa phương rà soát và xác định vùng chuyển đổi cho phù hợp

- Hậu Giang rất ủng hộ với những định hướng trong liên kết phát triển sản xuất mà Công ty The Fruit Republic Cần Thơ sẽ phối hợp thực hiện với ngành nông nghiệp cùng nông dân của tỉnh trong thời gian tới, qua đây tạo cơ hội cho không ít bà con có mô hình sinh kế mới để cải thiện nguồn thu nhập. Đồng hành cùng công ty, địa phương cam kết sẽ có nhiều chính sách hỗ trợ và giúp đỡ khi công ty đến đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp của tỉnh. Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp tỉnh và các địa phương cần xác định những nơi chuyển đổi cho phù hợp và có giải pháp hỗ trợ cây giống cho người dân khi tham gia mô hình.

 

 

Ông Nguyễn Văn Đửng, Giám đốc điều hành Công ty TNHH The Fruit Republic Cần Thơ: Tiếp tục hợp tác với Hậu Giang

- Sau 10 năm đi vào hoạt động, hiện công ty chúng tôi đang trở thành doanh nghiệp xuất khẩu trái cây tươi lớn nhất Việt Nam và đứng top 10 ở thị trường châu Âu về xuất khẩu trái cây có múi. Trong đó, hai sản phẩm xuất khẩu chính của công ty là chanh không hạt và bưởi Năm Roi chiếm hơn 90%. Tại Hậu Giang, thời gian qua, công ty có hợp tác với một số nông dân tại huyện Phụng Hiệp và thị xã Ngã Bảy trong tiêu thụ hai sản phẩm xuất khẩu chủ lực của công ty. Nhận thấy vùng đất Hậu Giang còn nhiều tiềm năng phát triển cây ăn trái, đồng thời có những chính sách thu hút đầu tư hấp dẫn, cán bộ chuyên môn nhiệt tình nên công ty quyết định mở rộng hợp tác với tỉnh để cùng phát triển.

 

Với mức giá thu mua 700 đồng/kg mía được Casuco đưa ra vào đầu vụ thu hoạch, nhưng theo tính toán sơ bộ của ngành nông nghiệp tỉnh, giá thành sản xuất mía của nông dân Hậu Giang trong vụ mía 2019-2020 này ước khoảng 675,8 đồng/kg, thì nông dân cầm chắc thua lỗ sau khi bán mía. Từ đó kéo theo chuyện bà con bỏ mía để chuyển sang cây trồng khác có giá trị kinh tế cao hơn là khó tránh khỏi.

 

Bài, ảnh: HỮU PHƯỚC

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>