Đổi thay từ cánh đồng lớn

19/06/2019 | 09:09 GMT+7

Người dân huyện Long Mỹ đang đẩy mạnh đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nhằm tăng hiệu quả kinh tế, giảm chi phí và thời gian lao động.

Dự án hỗ trợ cho bà con 10 máy phun phân và thuốc bảo vệ thực vật.

Hậu Giang là một trong những tỉnh được chọn triển khai dự án xây dựng mô hình cánh đồng lớn thâm canh và áp dụng cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất lúa ở phía Nam (dự án). Vụ Hè thu này, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã triển khai dự án với quy mô 72ha trên địa bàn xã Vĩnh Viễn A và xã Vĩnh Viễn, huyện Long Mỹ.

Cùng với đoàn cán bộ khuyến nông tỉnh và địa phương, chúng tôi về thăm cánh đồng lúa của ông Tăng Văn Xiêm, ở ấp 9, xã Vĩnh Viễn A, một trong những hộ tham gia dự án. Các năm trước, năng suất lúa của ông trung bình chỉ đạt từ 700-800kg/công, thậm chí vụ Hè thu còn thấp hơn do ảnh hưởng thời tiết, diện tích đổ ngã nhiều. Đây cũng là lần đầu tiên ông thay đổi từ phương thức gieo sạ truyền thống sang sử dụng máy cấy lúa trên 1ha đất lúa.

Đến thời điểm này, lúa cấy được hơn 20 ngày, phát triển tốt, đẻ nhánh sớm và đồng đều, cây lúa cứng cáp nên dù mấy ngày qua có mưa nhiều cũng ít bị đổ ngã hơn so với các vụ trước. Hơn nữa, trước đây mỗi khi sạ, ông tốn hơn 20kg lúa giống mỗi công thì hiện nay giảm chỉ còn 5-7kg. Không chỉ riêng ông mà các hộ có diện tích tham gia dự án ở lân cận cũng có hiệu quả tương tự. Dù trước đó ông có nghe phổ biến về lợi ích khi chuyển sang phương pháp mới này, nhưng đến nay nhìn thấy cánh đồng mang diện mạo hoàn toàn mới thì ông có thêm niềm tin và mong muốn tiếp tục sử dụng máy cấy cho diện tích lúa của mình ở các vụ sau.

Ông Nguyễn Thành Lễ, cán bộ khuyến nông xã Vĩnh Viễn A, thông tin: Địa bàn xã Vĩnh Viễn A đã có diện tích sử dụng máy cấy nên tạo điều kiện thuận lợi để nhiều bà con mạnh dạn thay đổi phương pháp và tham gia dự án. Khi tham gia mỗi héc-ta còn được hỗ trợ 50kg lúa giống, 165kg phân hữu cơ sinh học và các loại phân bón, thuốc trừ cỏ, trừ sâu bệnh khác. Từ trước và sau khi triển khai, cán bộ khuyến nông đã tổ chức được 3 lớp tập huấn hướng dẫn kỹ thuật, sử dụng máy móc, thiết bị để người dân nắm rõ, từng bước vượt qua những bỡ ngỡ ban đầu để áp dụng kỹ thuật và sử dụng các thiết bị đúng cách. Mục tiêu là tăng năng suất, chất lượng lúa trên cùng một diện tích.

Theo ông Bùi Văn Nhanh, Giám đốc HTX Vĩnh Phát, ở ấp 7, xã Vĩnh Viễn, tất cả các thành viên của HTX đều đã sử dụng máy cấy thay cho cách gieo sạ cũ, tổng diện tích trên 40ha. Không chỉ giảm chi phí lúa giống, giảm nhân công mà năng suất cũng tăng so với phương pháp truyền thống. Riêng vụ lúa Hè thu, năng suất cũng tăng bình quân trên 100kg/công, hạt lúa đạt chuẩn, gạo to và đồng đều. Hy vọng rằng khi dự án thành công sẽ tạo thêm động lực để nhiều hộ khác thay đổi và mạnh dạn áp dụng các tiến bộ vào canh tác lúa cho các vụ sau.

Ông Võ Xuân Tân, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh, cho biết: Trước khi triển khai dự án, trung tâm đã liên kết với Trung tâm Giống nông nghiệp tỉnh bao tiêu để người dân yên tâm sản xuất. Ngoài ra, bà con còn được hỗ trợ 2 máy cấy và 10 máy phun phân, thuốc bảo vệ thực vật để canh tác thuận lợi, giảm sức lao động và chi phí nhân công. Người dân ở đây đã tiếp cận với những phương pháp mới thông qua các mô hình thí điểm, các lớp tập huấn nên đều đồng thuận và tiếp cận nhanh. Thành công từ dự án sẽ góp phần nhân rộng diện tích cánh đồng lớn, ứng dụng công nghệ và đưa cơ giới hóa vào sản xuất lúa tại huyện Long Mỹ và các địa phương khác trong tỉnh.

Bài, ảnh: THIÊN TRANG

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>