Đồng bằng sông Cửu Long: Chủ động sản xuất lúa Đông xuân

20/11/2018 | 08:09 GMT+7

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, hiện nay nước lũ trên sông Tiền, sông Hậu đang rút nhanh và mùa lũ ở ĐBSCL dần đi qua. Đây cũng là thời điểm mà nhiều nông dân khẩn trương vệ sinh đồng ruộng để xuống giống vụ Đông xuân 2018-2019.

Các địa phương cần chủ động nạo vét kênh mương trữ nước, đề phòng hạn mặn.

Tập trung xuống giống sớm

Hiện nay, Đồng Tháp là một trong những địa phương xuống giống lúa Đông xuân 2018-2019 sớm nhất ở ĐBSCL. Theo Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Tháp, kế hoạch vụ lúa Đông xuân này toàn tỉnh gieo sạ khoảng 205.000ha, năng suất bình quân từ 6,8-7 tấn/ha, sản lượng ước đạt hơn 1,4 triệu tấn, trong đó lúa chất lượng cao chiếm 60% diện tích. Để đảm bảo vụ lúa đạt hiệu quả cao, tỉnh Đồng Tháp đề nghị các huyện xuống giống tập trung, đồng loạt, né rầy trên từng khu vực, từng cánh đồng, không bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh (rầy nâu, vàng lùn, muỗi hành…), bảo đảm thời gian cách ly với vụ Thu đông ít nhất 20 ngày. Cụ thể, đợt 1 là đợt xuống giống sớm nhất trong tháng 10 với diện tích khoảng 40.000ha; các đợt còn lại không xuống giống trễ hơn trong tháng 1-2019, nhằm hạn chế muỗi hành gây hại và ảnh hưởng hạn hán… Ông Nguyễn Văn Công, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Tháp, cho biết: “Mục tiêu của vụ Đông xuân năm nay là phấn đấu phát triển sản xuất cây lúa theo hướng an toàn, bền vững, liên kết trong sản xuất, tăng năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế nhằm nâng cao thu nhập của nông dân”.

Tại An Giang, nông dân các huyện An Phú, Châu Thành, Tri Tôn, Tịnh Biên, Thoại Sơn… cũng tất bật làm đất để sản xuất vụ Đông xuân. Ông Bùi Thanh Sơn, Chủ tịch UBND xã Phú Hội (huyện An Phú), cho biết: “Năm nay, nước lũ lên cao và về sớm nên nhiều diện tích lúa Thu đông bị ảnh hưởng khiến bà con thất thu. Giờ đây, lũ đã rút dần và người dân cùng chính quyền tập trung vệ sinh đồng ruộng, tháo nước… để cuối tháng 11 xuống giống đồng loạt gần 2.000ha lúa Đông xuân. Dù vụ Đông xuân mới “khởi động” nhưng xã đã lên phương án phòng chống hạn bảo vệ lúa, không để bị ảnh hưởng”. Sở NN&PTNT tỉnh Long An cho hay, sau khi nước lũ xuống dần thì ngành chức năng cùng các hợp tác xã, người dân… khẩn trương bơm nước để sản xuất vụ Đông xuân nhằm né rầy và tránh hạn mặn. Kế hoạch sản xuất khoảng 235.000ha lúa Đông xuân thì đến nay nông dân đã xuống giống sớm khoảng 30.000ha. Tới đây sẽ đẩy nhanh tiến độ xuống giống…

Đề phòng hạn mặn

 Theo dự báo của Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam bộ, tình hình thời tiết, thủy văn những tháng còn lại của năm 2018 diễn biến phức tạp, cần chủ động đề phòng các hiện tượng thời tiết cực đoan như mưa lớn, triều cường cao, áp thấp nhiệt đới, bão... ảnh hưởng. Theo đó, hiện tượng ENSO được dự báo nhiều khả năng tiếp tục duy trì trạng thái trung gian; thời điểm từ tháng 11-2018 đến những tháng đầu năm 2019 sẽ chuyển sang trạng thái El Nino với xác suất trong khoảng 60-70%. Tình hình mưa vào cuối năm 2018 phổ biến ít hơn trung bình nhiều năm và kết thúc mùa mưa sớm hơn so với trung bình nhiều năm. Đối với thủy văn thì mực nước nội đồng ở Đồng Tháp Mười và Tứ giác Long Xuyên xuống dần, đến nửa cuối tháng 11 mực nước tại các trạm nội đồng khả năng xuống dưới mức báo động 1. Từ tháng 1 đến tháng 3-2019, dòng chảy sông Mekong giảm dần và duy trì ở mức cao hơn trung bình nhiều năm. Mực nước đầu nguồn sông Cửu Long chịu ảnh hưởng của thủy triều và có xu thế giảm dần. Trong những tháng đầu mùa khô năm 2019, xâm nhập mặn ở ĐBSCL khả năng xấp xỉ cùng kỳ năm 2018.

Ông Nguyễn Văn Tỉnh, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thủy lợi, tiết lộ: “Theo nhận định của ngành chuyên môn thì từ cuối tháng 12-2018 đến tháng 1-2019, nước mặn có khả năng vượt quá 4g/l xâm nhập vào vùng cách biển từ 10-20km ở ĐBSCL. Từ tháng 2, 3 và 4-2019, ở vùng cách biển từ 30-40km có khả năng bị mặn xâm nhập khoảng 4g/l… Như vậy, các khu vực cửa sông Cửu Long cách biển từ 15-25km vẫn có khả năng khó khăn về nước tưới; vùng ven biển Tây ở Cà Mau và Kiên Giang có nguy cơ thiếu nước ngọt từ cuối tháng 11-2018; ở thành phố Vị Thanh (Hậu Giang) có khả năng xâm mặn với nồng độ 1-3g/l vào tháng 4, tháng 5-2019…”. Trước những diễn biến bất thường của thời tiết, đồng thời để đảm bảo thắng lợi vụ lúa Đông xuân 2018-2019 ở ĐBSCL; Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) đề nghị các tỉnh cần tập trung chỉ đạo việc gieo sạ 1,57 triệu héc-ta lúa phải chú ý về thời vụ để không ảnh hưởng hạn mặn. Cụ thể, trong tháng 10-2018 xuống giống sớm khoảng 20% diện tích; tháng 11 xuống giống 38% diện tích; tháng 12 xuống giống 29% diện tích; số còn lại sẽ dứt điểm vào tháng 1-2019.

Cũng theo Bộ NN&PTNT, vấn đề lo ngại của vụ lúa Đông xuân này là những vùng có khả năng ảnh hưởng hạn và xâm nhập mặn ở các tỉnh ven biển như: Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Kiên Giang và Hậu Giang với diện tích khoảng 958.000ha (chiếm 62% diện tích lúa toàn vùng); trong đó diện tích có khả năng bị hạn và xâm nhập mặn là hơn 100.000ha, cần chủ động ứng phó. Các địa bàn ảnh hưởng mặn gồm huyện: Tân Trụ, Bến Lức, Thủ Thừa, Cần Đước, Cần Giuộc, Thạnh Hóa (Long An); Gò Công Đông, Gò Công Tây, thị xã Gò Công, Chợ Gạo, Tân Phú Đông (Tiền Giang); Ba Tri, Bình Đại (Bến Tre); Cầu Ngang, Trà Cú, Tiểu Cần, Châu Thành (Trà Vinh); Mỹ Xuyên, Long Phú, Thạnh Trị, thị xã Ngã Năm (Sóc Trăng); Vĩnh Lợi, Hòa Bình, Phước Long (Bạc Liêu); Vĩnh Thuận, An Biên, Hòn Đất, Giang Thành (Kiên Giang) và các huyện Long Mỹ, Vị Thủy, thị xã Ngã Bảy, thành phố Vị Thanh (Hậu Giang). Dự báo, nước mặn xâm nhập vào nội đồng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến canh tác lúa, ảnh hưởng đến lúa trổ bông do thiếu nước vì không thể sử dụng nước mặn để cung cấp cho lúa vào cuối vụ có thể gây thất thu hoàn toàn; hạn mặn cũng làm rối loạn quá trình sinh trưởng và phát triển của lúa, suy giảm năng suất lúa; ảnh hưởng đến canh tác lúa trong hệ thống lúa - tôm; về lâu dài làm cho đất trồng lúa bị nhiễm mặn khó cải tạo…

Ngành chức năng khuyến cáo ngay từ bây giờ các tỉnh ĐBSCL cần chủ động các giải pháp phòng chống hạn mặn, có kế hoạch nạo vét các cửa sông, kênh mương để lấy nước ngọt, đắp đập ngăn mặn, đào ao trữ nước, lắp đặt và vận hành các trạm bơm dã chiến; ưu tiên việc cấp nước ngọt cho sinh hoạt, chăn nuôi, cây trồng… khi xảy ra hạn mặn gay gắt. Các địa phương xây dựng kế hoạch phòng chống hạn mặn, trong đó đề phòng thời tiết cực đoan nhằm chủ động cấp nước cho sản xuất nông nghiệp; thực hiện dự báo hạn mặn để cung cấp thông tin kịp thời cho ngành nông nghiệp, chính quyền, nông dân… chủ động ứng phó, bảo vệ tốt vụ Đông xuân tới.

Bài, ảnh: HƯNG TÂN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>